Tháo gỡ khó khăn, khơi thông chuỗi khai thác, xuất khẩu hải sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Nhằm mở rộng cửa trong xuất khẩu sản phẩm cá ngừ khi nhu cầu thị trường đang tăng, VASEP và các doanh nghiệp thủy sản mong muốn được sớm tháo gỡ những vướng mắc, bất cập.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), sau khi Nghị định 37 có hiệu lực, ngành hải sản khai thác và đặc biệt các mặt hàng cá ngừ đã gặp vướng mắc lớn liên quan đến quy định về kích thước tối thiểu được phép khai thác và quy định không trộn lẫn nguyên liệu hải sản có nguồn gốc từ khai thác nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản có nguồn gốc từ khai thác trong nước vào cùng một lô hàng xuất khẩu.

Với quy định hiện hành của Nghị định 37, các cảng cá không thể ký xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C) khiến mặt hàng cá ngừ (vằn, vây vàng…) mà ngư dân các tỉnh khai thác trong gần 1 năm qua bị dồn ứ khối lượng lớn, không thể xuất khẩu sang các thị trường mà Việt Nam đang có FTA như EU, Hàn Quốc, Nhật Bản, ASEAN, CPTPP… Nguyên nhân là do không có xác nhận nguyên liệu khai thác của các cảng nên doanh nghiệp không thể làm được giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa ưu đãi theo các FTA này.

Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu quan trọng của ngành thủy sản nước ta. Ảnh: ST

Trong bối cảnh thị trường Mỹ đang rất khó khăn, các doanh nghiệp rất mong khơi thông nguồn lực này để đa dạng hóa thị trường. Thêm nữa, bất cập hiện tại cũng đang có rủi ro lớn hơn khi nguy cơ “thất thoát” cơ hội chiếm lĩnh thị trường với các đối thủ cạnh tranh khác như Ecuador, Peru,… những quốc gia đang tận dụng tối đa hạn ngạch và cơ chế trong các FTA với EU, hay các nước như Thái Lan, Philippines, Indonesia – những đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á.

Tính đến ngày 25/4/2025, lượng cá ngừ (HS 16) EU nhập của Việt Nam mới đạt 2.450 tấn trong tổng số hạn ngạch 11.500 tấn/năm (thuế suất 0%), đạt khoảng 21,3% hạn ngạch. Trong khi tương đương thời điểm cuối tháng 4/2024, lượng này đã là hơn 8.000 tấn (gấp gần 3,5 lần) và khoảng sang tuần thứ 2 của tháng 6/2024 đã hết hạn ngạch của Hiệp định. 

Để khơi thông cho xuất khẩu nhóm mặt hàng cá ngừ, giải quyết kịp thời các ách tắc lớn trong chuỗi, cho hoạt động bình thường của ngư dân, gia cố lợi thế cạnh tranh trước các quốc gia xuất khẩu khác và đảm bảo góp phần quan trọng cho chỉ tiêu tăng trưởng 8% của năm nay, các doanh nghiệp hy vọng sửa đổi Nghị định 37 trong thời gian sớm nhất có thể.

Cũng theo VASEP, một thực trạng mà các doanh nghiệp ngành hàng hải sản khai thác đang phản ánh rất nhiều hiện nay đó là sự bất cập, vướng mắc trong thủ tục xin cấp giấy xác nhận nguyên liệu khai thác (S/C). Cụ thể là thời gian kiểm tra – cấp giấy lâu và kéo dài hơn quy định; tỷ lệ số hồ sơ (lô hàng) được cấp giấy để có thể tiếp tục cho xuất khẩu ít so với số hồ sơ doang nghiệp đã nộp cho cảng cá; không ít hồ sơ “bị” trả lại với các lý do khác nhau, thậm chí không có trong quy định pháp luật… 

Để tháo gỡ các vướng mắc này, các doanh nghiệp mong muốn Bộ Nông nghiệp và Môi trường ban hành văn bản quy định – hướng dẫn thống nhất toàn quốc về các tiêu chí cấp giấy S/C, C/C cho các lô hàng khai thác. Cùng đó, chỉ đạo các Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá tiếp tục đẩy mạnh việc công khai thông tin về tình trạng các tàu cá vi phạm quy định IUU để doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và lựa chọn mua nguyên liệu hợp pháp, phù hợp làm cơ sở cho việc xin giấy S/C, C/C.

Phạm Thu

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!