(TSVN) – Trong khuôn khổ Hội chợ Triển lãm quốc tế ngành tôm Việt Nam 2023 (VietShrimp 2023), Hội thảo với chủ đề: “Định hướng chính sách ngành tôm Việt Nam” vừa được tổ chức vào sáng 12/4, với sự tham gia của các diễn giả là nhà khoa học, nhà quản lý và doanh nghiệp ngành tôm.
Với chủ đề “Định hướng chính sách ngành tôm Việt Nam”, hầu hết các diễn giả đều có chung nhận định, ngành tôm Việt Nam trong những năm qua luôn có sự tăng trưởng tốt và đều đặn. Tuy nhiên, ngành hàng này cũng đang đối mặt với những khó khăn, thách thức không chỉ đến từ tình hình lạm phát toàn cầu mà còn từ sự cạnh tranh gay gắt của các cường quốc tôm khác, đặc biệt là từ Ecuador và Ấn Độ. Do đó, các diễn giả đề xuất, ngành tôm cần sớm thay đổi cách tiếp cận kể cả về công tác giống, mô hình, quy trình nuôi…; nhằm gia tăng tỷ lệ nuôi thành công, giảm giá thành sản phẩm, nhằm giúp ngành tôm duy trì và phát huy hơn nữa vị thế trên thị trường thế giới.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP, năm 2023, rất khó đưa ra dự đoán về kết quả xuất khẩu tôm do tác động từ lạm phát toàn cầu, nhu cầu thị trường giảm và cạnh tranh ngày càng cao. Trong bối cảnh trên, theo ông Hòe, các doanh nghiệp cần tối ưu hóa chi phí sản xuất, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm để đáp ứng yêu cầu thị trường. Ông Hòe đề xuất: “Các doanh nghiệp cần quan tâm nhiều hơn đến sản phẩm có tính đặc thù, sản phẩm giá trị gia tăng, chủ động thay đổi cơ cấu thị trường, sản phẩm cho phù hợp với nhu cầu của từng phân khúc”. Riêng thị trường Trung Quốc, ông Hòe cho rằng, doanh nghiệp cần tìm hiểu địa phương nào, mặt hàng nào có nhu cầu cao, phù hợp với khả năng đáp ứng của doanh nghiệp mình để thực hiện nhằm tránh rủi ro, thiệt hại không đáng có.
Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VASEP phát biểu tại hội thảo
Liên quan đến giá thành tôm nuôi, ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú cho biết, khách hàng luôn phàn nàn vì sao giá tôm Việt Nam lại quá cao so với tôm của Ecuador và Ấn Độ. Vì vậy, chúng ta cần xem xét lại cách tiếp cận ngay từ khâu con giống cho đến mô hình, quy trình hay mật độ thả nuôi. Ông Quang đề xuất: “Thứ nhất, chúng ta cần thúc đẩy chương trình gia hóa tôm bố mẹ để tạo ra nguồn giống chống chịu dịch bệnh, thích ứng với điều kiện các vùng nuôi. Thứ hai là tạo ra con giống chất lượng cao và minh bạch để nâng cao tỷ lệ nuôi thành công và thứ ba là xây dựng quy trình nuôi hợp lý, tối ưu, giá thành thấp cho từng mô hình nuôi”.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thủy sản Minh Phú phát biểu
Các tham luận của TS. Trần Hữu Lộc – Giảng viên Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, TS. Nguyễn Duy Hòa – Giám đốc kỹ thuật ngành hàng Empyreal và Motiv, Cargill, cũng đều đặt trọng tâm vào các giải pháp làm sao nâng cao tỷ lệ sử dụng đất, tỷ lệ nuôi thành công, tối ưu hóa chi phí, giá thành nuôi để tăng tính cạnh tranh, giữ vững và phát huy vị thế ngành tôm trên thị trường thế giới. TS. Trần Hữu Lộc gợi ý: “Chúng ta nên xem xét lại vấn đề là có nên nuôi mật độ cao nhưng tỷ lệ diện tích ao nuôi thấp hay thả nuôi mật độ thấp nhưng diện tích ao nuôi và tỷ lệ thành công cao, vì ngành tôm hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn thách thức cả về thị trường lẫn dịch bệnh, môi trường…”.
Xuân Trường