T3, 01/09/2020 03:04

Thay đổi sinh kế ngư dân nhìn từ vốn

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Ngư dân vốn dễ chịu tổn thương nhất và cũng là đối tượng gặp nhiều khó khăn khi tìm sinh kế mới trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Đã có nhiều phương án cho ngư dân, thế nhưng nguồn vốn là trở ngại lớn nhất.

Trở ngại đổi nghề

Theo Chi cục Thủy sản Quảng Nam, việc chuyển đổi nghề cho ngư dân từ khai thác gần bờ sang xa bờ là giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường. Song, trên thực tế, không phải ngư dân nào cũng có điều kiện đầu tư phương tiện, ngư lưới cụ để chuyển nghề. Bởi theo chia sẻ của một ngư dân, chi phí chuyển đổi phương tiện, nâng công suất tàu và ngư lưới cụ xa bờ luôn ở mức cao, phải mất từ 1 tỷ đồng trở lên. Trong khi thu nhập từ nghề đánh bắt thủy sản gần bờ rất ít tích lũy, nên họ không đủ vốn để chuyển đổi. Chưa kể, để đi khai thác xa bờ, ngư dân phải mất thời gian và công sức học cách thức đánh bắt mới.

Cùng đó, nếu để chuyển đổi sang NTTS, ngư dân cũng cần số vốn tới vài trăm triệu đồng trở lên, trong điều kiện không có tài sản thế chấp, rất khó để ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi từ các tổ chức tín dụng. Đây là trở ngại lớn khiến ngư dân đánh bắt thủy sản ven bờ vẫn chưa chuyển đổi nghề thành công.

Thay đổi chính sách

Năm 2018, toàn tỉnh Quảng Ninh có trên 8.400 tàu khai thác trên biển; Trong đó, trên 5.800 tàu (69%) thường xuyên hoạt động ven bờ, gây sức ép rất lớn cho nguồn lợi thủy sản và môi trường. Tỉnh đã có nhiều biện pháp bảo vệ nguồn lợi thủy sản, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong đánh bắt. Tuy nhiên, công tác  còn gặp nhiều thách thức.

Xuồng máy khai thác gần bờ của ngư dân. Ảnh: Nhật Hồ

Để hiệu quả, tỉnh đã chú trọng vận động và hỗ trợ ngư dân chuyển đổi nghề một cách phù hợp. Cụ thể, UBND tỉnh đã lập tờ trình HĐND tỉnh để hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp cho các lao động đang hoạt động khai thác thủy sản khu vực ven bờ và các phương tiện hoạt động nghề cấm sang các nghề khác. Theo đó, bổ sung thêm đối tượng được hỗ trợ lãi suất là: Các cá nhân và hộ gia đình là chủ phương tiện hoạt động thủy sản có công suất dưới 90 CV, có hộ khẩu thường trú trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Bổ sung các lĩnh vực đầu tư được hỗ trợ lãi suất vay vốn gồm: Đầu tư cơ sở vật chất, vốn lưu động để chuyển nghề khác (không phải lĩnh vực khai thác thủy sản), đầu tư cải hoán, nâng cấp tàu, mua ngư cụ, thiết bị khai thác để hoạt động khai thác thủy sản với các nghề được phép hoạt động. Ước tính có khoảng 70% tổng số tàu đủ điều kiện hỗ trợ lãi suất 6%/năm, nhu cầu vay bình quân 150 triệu đồng/tàu.

Tiếp sức bằng vốn

Tại Quảng Nam, Quỹ Hỗ trợ ngư dân hiện đang tiếp sức cho ngư dân vay vốn không lãi suất để đóng tàu lớn vươn khơi sản xuất xa bờ.

Ông Nguyễn Tiên Thạch, Giám đốc Quỹ Đầu tư phát triển Quảng Nam (đơn vị nhận ủy thác quản lý hoạt động và nguồn vỗn Quỹ Hỗ trợ ngư dân) cho biết, đến nay đã cho 95 hộ, nhóm hộ đóng mới 95 tàu cá có công suất từ 600 CV, tổng trị giá là 1,5 tỷ đồng/tàu cá; có 27 chủ tàu cá hoàn thành việc trả nợ. Các hộ và nhóm hộ còn nợ chưa phát sinh nợ xấu. Cũng theo ông Thạch, ngư dân rất có ý thức trả nợ, hoạt động của Quỹ Hỗ trợ ngư dân Quảng Nam rất ổn định. Đơn vị luôn tạo mọi điều kiện để ngư dân tiếp cận nguồn vốn vay, đóng tàu lớn, sản xuất xa bờ.

Có thể nói, đây là hướng giải quyết rất thiết thực đối với ngư dân trong phát triển sinh kế, đồng thời góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo Tổ quốc.

Phạm Vũ

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!