Trong buổi tiếp đoàn Ủy ban Nghề cá, Nghị viện châu Âu, cuối tháng 10 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc một lần nữa khẳng định những nỗ lực của Việt Nam trong chặng đường tháo gỡ “thẻ vàng” của EU.
Việt Nam đẩy mạnh tuyên truyền về chống đánh bắt cá bất hợp pháp
Đồng bộ giải pháp
Trước tiên, có thể kể đến là việc Việt Nam đã ban hành Luật Thủy sản, xây dựng các văn bản dưới Luật, triển khai chương trình hành động quốc gia về chống đánh bắt cá bất hợp pháp, đẩy mạnh tuyên truyền đến các địa phương và ngư dân tuân thủ tốt các quy định pháp luật.
Đến nay, Việt Nam đã đạt kết quả ở 4 nhóm vấn đề gồm: Sửa đổi khung pháp lý, đặc biệt là Luật Thủy sản được ban hành ngày 21/11/2017; tăng cường hệ thống theo dõi, giám sát, kiểm soát hoạt động tàu cá; tăng cường triển khai thực thi pháp luật, trong đó tổ chức nhiều hội nghị để đẩy mạnh tuyên truyền đến ngư dân và các địa phương; sửa đổi, hoàn chỉnh công tác chứng nhận, xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác. Cùng với đó, các địa phương cũng vào cuộc rất tích cực.
Tại Hải Phòng, hiện có trên 2.000 tàu khai thác thủy sản, trong đó trên 700 tàu khai thác xa bờ, công suất từ 90 CV trở lên. Thực hiện khuyến nghị về việc chống khai thác IUU của EC, TP Hải Phòng đã tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát hoạt động khai thác trên biển, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Nhờ đó, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của ngư dân đã được nâng lên; việc sử dụng ngư cụ bị cấm trong khai thác hải sản đã giảm đáng kể; Việc giám sát tàu ra vào cảng, việc tiếp nhận thông tin, theo dõi hành trình, vị trí tọa độ của các tàu khai thác thủy sản xa bờ cũng được thực hiện nghiêm túc, đúng quy định.
Còn tại Bình Định, để triển khai chống khai thác IUU và các khuyến nghị của EC, UBND tỉnh đã ban hành 13 văn bản, Sở NN&PTNT ban hành 16 văn bản tổ chức chỉ đạo, triển khai thực hiện các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ “thẻ vàng” của EC. Năm 2018, Bình Định đã quyết liệt xử lý tàu cá vi phạm khai thác trái phép, như: thu hồi giấy phép khai thác; công bố danh sách tàu cá vi phạm lên trang thông tin của Bộ NN&PTNT; tổ chức kiểm điểm và công bố danh sách tàu cá, chủ tàu và thuyền viên vi phạm trên Đài Phát thanh của địa phương; chuyển hồ sơ tàu vi phạm cho cơ quan chức năng để tiếp tục thu thập chứng cứ; xử lý hành vi vi phạm của chủ tàu và thuyền trưởng…
Triệt để từ cảng cá
Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam lần này, Đoàn công tác của Ủy ban nghề cá, Nghị viện châu Âu đã tìm hiểu tình hình thực tiễn tại Cảng cá Ngọc Hải (quận Đồ Sơn) và cơ sở nuôi tôm theo quy trình VietGAP tại quận Dương Kinh. Tại Bình Định, Đoàn công tác đã kiểm tra trực tiếp việc đăng ký, nộp hồ sơ, xác nhận nguồn gốc thủy sản tại cảng cá Quy Nhơn và kiểm tra thực tế trên 1 tàu đánh bắt xa bờ, trao đổi với chủ tàu về quá trình đánh bắt, vị trí đánh bắt, bảo quản, xuất bán sản phẩm…
Ông Mato Gabriel, Trưởng đoàn khẳng định, qua chuyến công tác này, các thành viên trong đoàn đã thấy được sự quyết tâm của các ngành chức năng và ngư dân Việt Nam trong việc giảm thiểu và chấm dứt các hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp theo khuyến nghị của EU. “Chính phủ Việt Nam và UBND tỉnh đưa ra những quy định pháp luật trong đánh bắt IUU, kiểm soát tàu thuyền nhưng cảng cá mới là nơi thực thi những chính sách pháp luật đó. Nếu không có thực thi tại những hiện trường như thế này hoặc thực thi không có hiệu quả thì những quy định pháp luật đó chỉ nằm trên giấy tờ”, ông Mato Gabriel cho biết thêm.
Với kết quả khả quan đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị ông Mato Gabriel và Đoàn ủng hộ để Ủy ban châu Âu xem xét tích cực nỗ lực của Việt Nam, sớm gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với xuất khẩu hải sản của Việt Nam sang EU.
>>Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, các chế tài về chống đánh bắt IUU mà EU đã đưa ra là rất tốt, để đảm bảo sự phát triển bền vững của đại dương. Những khuyến nghị của EC về chống đánh bắt IUU cũng là điều rất trúng, rất khách quan và có trách nhiệm đối với hoạt động nghề cá tại Việt Nam. |