Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản (Nafiqad, Bộ NN-PTNT) cho biết: Ngao hoa, ngao lụa và cá rô phi vừa được phía Trung Quốc bổ sung vào danh sách thủy sản sống của Việt Nam được phép xuất khẩu sang nước này.
Trao đổi với ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản cho biết: Trên cơ sở đề nghị của Nafiqad, ngày 9/10/2019, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc thông tin Vụ Giám sát kiểm dịch động thực vật Trung Quốc đã có Công hàm thông báo chấp thuận bổ sung một số mặt hàng thủy sản sống của Việt Nam như ngao hoa (Meretrix), ngao lụa (Paphia) và cá rô phi (Oreoochromis) vào Danh sách các loài động vật thủy sản của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc.
Ông Ngô Hồng Phong, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông Lâm sản và Thủy sản
Bên cạnh đó, phía Trung Quốc cũng vừa đưa ra một số quy định về điều kiện của cơ sở nuôi, cơ sở đóng gói đối với 2 sản phẩm thủy sản sống của Việt Nam là cua và tôm hùm sống của Việt Nam khi XK sang Trung Quốc.Phía Trung Quốc cũng đã thông báo Danh mục các mặt hàng động vật thủy sản Việt Nam được phép xuất khẩu vào nước này (đăng tải trên website của Tổng cục Hải quan Trung Quốc tại địa chỉ http://www.customs.gov.cn/).
Vậy điều kiện, thủ tục để xuất khẩu các mặt hàng thủy sản sống vừa được phía Trung Quốc cho phép là gì, thưa ông?
Ngay sau khi phía Trung Quốc có thông báo cho phép bổ sung thêm ngao hoa, ngao lụa và cá rô phi vào danh mục được phép XK vào nước này, ngày 22/10/2019, Nafiqad đã có văn bản gửi các cơ sở chế biến thủy sản XK sang Trung Quốc và các Trung tâm Chất lượng NLTS vùng đề nghị khẩn trương triển khai ngay một số công việc nhằm đảm bảo các yêu cầu, điều kiện để XK các mặt hàng thủy sản sống đã được phía Trung Quốc chấp thuận.
Cùng với 3 mặt hàng thủy sản sống vừa được phía Trung Quốc cho phép bổ sung vào danh mục, đến nay Việt Nam đã có tổng cộng 48 loài thủy sản sống được phép XK vào Trung Quốc.
Để XK các sản phẩm thủy sản sống này sang Trung Quốc, các cơ sở chế biến thủy sản XK sang Trung Quốc phải thực hiện đăng ký thẩm định, cấp chứng thư XK vào Trung Quốc cho các lô hàng thủy sản sống theo đúng quy định tại Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT (được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư 02/2017/TT-BNNPTNT và Thông tư 16/2018/TT-BNNPTNT), và các văn bản của Nafiqad hướng dẫn quy định/yêu cầu của Trung Quốc về XK thủy sản sống.
Cá rô phi vừa được phía Trung Quốc cho phép nhập khẩu từ Việt Nam
Riêng đối với cua, tôm hùm, tôm sú và tôm thẻ chân trắng sống, phía Trung Quốc yêu cầu phải có thêm những điều kiện khác chặt chẽ hơn về kiểm soát dịch bệnh.Cụ thể, thủy sản sống XK sang Trung Quốc phải được bao gói tại cơ sở trong Danh sách được phép XK vào Trung Quốc. Lô hàng thủy sản sống phải được Nafiqad thẩm định, cấp chứng nhận ATTP và an toàn dịch bệnh.
Cụ thể đó là những điều kiện gì?
Đối với cua và tôm hùm sống, theo thông tin do Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc cung cấp: sau khi trao đổi với phía Trung Quốc, kể từ ngày 01/11/2019, chỉ có các cơ sở đóng gói và cơ sở nuôi cua, tôm hùm nằm trong Danh sách được Cơ quan thẩm quyền Trung Quốc phê duyệt và công bố trên website của Tổng cục Hải quan mới được phép XK vào nước này.
Hiện tại, theo yêu cầu của các cơ quan thẩm quyền của Trung Quốc, Nafiqad đã tổng hợp và gửi cho phía Trung Quốc danh sách gồm 13 cơ sở bao gói, 290 cơ sở nuôi tôm hùm, cua sống để XK sang thị trường này.
Đối với tôm sú và tôm thẻ chân trắng sống, cơ sở nuôi phải được giám sát dịch bệnh, gồm các bệnh TSV (Taura), MBV, WSSV (đốm trắng) và IHHNV; đồng thời phải nằm trong Danh sách được phía Trung Quốc phê duyệt.
Thủy sản sống XK sang Trung Quốc phải được Nafiqad cấp chứng thư đối với từng lô hàng. Điều kiện, thủ tục để được cấp chứng thư như thế nào, thưa ông?
Việc cấp chứng thư đã được Nafiqad hướng dẫn cụ thể tại công văn số 2081/QLCL-CL1 ngày 07/11/2013 về việc chứng nhận thủy sản sống XK vào Trung Quốc.
Có 290 cơ sở nuôi tôm hùm và cua đã được Nafiqad gửi cho phía Trung Quốc để đăng ký XK
Trường hợp thủy sản sống có nguồn gốc từ nuôi trồng XK vào Trung Quốc: cơ sở nuôi nuôi phải đề nghị đăng ký với cơ quan quản lý nuôi trồng thủy sản tại địa phương để được cấp mã số (nếu cơ sở nuôi chưa có mã số) theo đúng yêu cầu của Trung Quốc.Theo đó, các cơ sở chế biến thủy sản XK vào Trung Quốc phải cung cấp đầy đủ thông tin về cơ sở nuôi (tên, địa chỉ và mã số – nếu có) hoặc địa chỉ khu vực khai thác (gồm tên đơn vị hành chính cấp huyện và cấp tỉnh) khi đăng ký kiểm tra, chứng nhận lô hàng thủy sản sống XK vào Trung Quốc tại các Trung tâm Chất lượng Nông lâm thủy sản vùng thuộc Nafiqad để phục vụ cho việc cấp chứng thư cho lô hàng.
Xin cảm ơn ông!
Lê Bền
Theo Báo Nông nghiệp Việt Nam