Thí điểm Bảo hiểm tôm nuôi ở Bạc Liêu: Người nuôi có thể yên tâm

Chưa có đánh giá về bài viết

“Xác định rõ, nếu người mua bảo hiểm có thiệt hại thì phải được đền bù thỏa đáng. Không để tình trạng cán bộ bảo hiểm hoặc cán bộ địa phương đùn đẩy nhau; làm sao nhanh, gọn, thủ tục đơn giản nhất giúp cho người nuôi tôm”. Đó là chia sẻ của ông Trần Thanh Lạc – Giám đốc Công ty Bảo hiểm Bảo Việt Bạc Liêu.

Sau hơn một năm thực hiện thí điểm, đến nay, kết quả bước đầu tại Bạc Liêu thế nào, thưa ông?

Được sự quan tâm, chỉ đạo của UBND tỉnh, Bảo Việt Bạc Liêu đã phối hợp với Sở NN&PTNT, Sở Tài chính và chính quyền địa phương, tổ chức tập huấn cho Ban Chỉ đạo (BCĐ) các huyện Hoà Bình, Đông Hải, thành phố Bạc Liêu và BCĐ các xã được chọn thí điểm Bảo hiểm tôm nuôi (BHTN); đào tạo được 150 đại lý Bảo hiểm Nông nghiệp; tổ chức thi cuối khoá được Bộ Tài chính cấp 150 chứng chỉ đại lý. Bảo Việt cùng Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản phối hợp với 9 xã của 3 huyện, thành phố, triển khai được 68 cuộc với 1.520 lượt người tham dự.

Qua đó, tính đến ngày 4/8/2012 đã ký được 82 hợp đồng/80 hộ, với diện tích tham gia bảo hiểm 36,08 ha; tổng phí bảo hiểm 879.766.540 đồng. Khi xảy ra tổn thất, Bảo Việt Bạc Liêu đã khẩn trương xem xét bồi thường 13,34 ha/27 hộ/28 hợp đồng, với tổng chi phí bồi thường 825.464.500 đồng; trong đó diện tích thiệt hại đã được giải quyết bồi thường là 7,64 ha/18 hộ/19 hợp đồng, với số tiền 509.615.500 đồng, diện tích còn lại đang được tiếp tục đền bù khẩn trương.

 

Qua thực tế triển khai loại hình bảo hiểm mới này, ông thấy có những khó khăn gì?

Do đây là loại hình bảo hiểm mới nên người dân còn e dè, chưa mấy ai thấy được lợi ích của BHTN nên chưa mạnh dạn tham gia. Phần lớn các hộ nuôi tôm bị thiệt hại nhiều năm nên không còn khả năng tiếp tục thả tôm nuôi. Sự phối hợp giữa các cấp còn thiếu chặt chẽ (nhất là ở các xã, phường). Chưa có sự trao đổi thường xuyên giữa người nuôi tôm và cán bộ ấp. Ở một số nơi, khi người dân thắc mắc thì được giải thích chưa cặn kẽ. Người dân còn lo ngại một số trường hợp tôm chết không xác định được nguyên nhân, như: bệnh teo và bệnh hoại tử gan tụy chưa xét nghiệm được nên người nuôi e ngại không được bồi thường.

  Bảo hiểm cần làm nhanh, gọn thủ tục đơn giảm nhất giúp người nuôi tôm – Ảnh: Phan Thanh Cường

 

Vậy, hướng giải quyết của Bảo Việt Bạc Liêu như thế nào, thưa ông?

Chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai sâu rộng trong dân. Phối hợp với chính quyền địa phương và các BCĐ thí điểm tôm nuôi của từng xã, đến từng xóm ấp để tiếp tục triển khai bằng nhiều hình thức. Chú trọng vận động các hộ đảng viên, cán bộ, đoàn thể… tham gia trước để người dân làm theo. Chọn một số hộ có mối quan hệ và có uy tín ở địa phương, vận động họ tham gia trước; tiếp đó họ vận động người thân và các hộ xung quanh mình tham gia. Phối hợp với các cơ sở cung cấp giống và thức ăn, mở rộng kênh tuyên truyền vận động và bán sản phẩm. Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông, kịp thời thông tin về tình hình thiệt hại tôm nuôi được bảo hiểm và chi trả bồi thường, để người dân nắm rõ lợi ích của việc mua bảo hiểm loại hình này. Về tôm chết do hội chứng teo và hoại tử gan tụy, nay đã được tháo gỡ bằng biện pháp xác nhận các triệu chứng lâm sàng; Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản Bạc Liêu xác nhận tôm bị hội chứng teo và hoại tử gan tụy, làm cơ sở để Bảo Việt Bạc Liêu giải quyết bồi thường.

 

Trong thời gian tới, việc triển khai bảo hiểm sẽ tiến hành ra sao, thưa ông?

Tiếp tục phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền về Quyết định 315/QĐ-TTg ngày 1/3/2011 của Thủ tướng Chính phủ, để người dân thấy được lợi ích của việc tham gia bảo hiểm, cũng như hiểu được sự hỗ trợ cho người nuôi tôm từ Chính phủ. Phân công cán bộ phụ trách từng địa bàn và có giao chỉ tiêu cụ thể để phấn đấu. Thường xuyên trao đổi thông tin với các BCĐ ở địa phương, để phối hợp triển khai. Bố trí cán bộ trực thường xuyên tư vấn về BHTN cũng như khi có sự kiện tôm nuôi bị thiệt hại xảy ra, kịp thời đến hiện trường giám định thiệt hại để giải quyết bồi thường cho người nuôi tôm. Xác định rõ, nếu người mua bảo hiểm có thiệt hại thì phải được đền bù thỏa đáng. Không để tình trạng cán bộ bảo hiểm hoặc cán bộ địa phương đùn đẩy nhau; làm sao nhanh, gọn, thủ tục đơn giản nhất giúp cho người nuôi tôm.

>> Tính đến ngày 4/8/2012, Bảo Việt Bạc Liêu đã ký được 82 hợp đồng/80 hộ, với diện tích tham gia bảo hiểm 36,08 ha; tổng phí bảo hiểm 879.766.540 đồng. Đến nay, Bảo Việt Bạc Liêu đã bồi thường giải quyết bồi thường 7,64 ha/18 hộ/19 hợp đồng, với số tiền 509.615.500 đồng.

Thanh Cường

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!