THỨ BA, ngày 21/1/2025

Thiêng liêng hai tiếng Hoàng Sa

Chưa có đánh giá về bài viết

Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 trái phép trong vùng biển đặc quyền kinh tế Việt Nam; đồng thời có những hành động ngăn cản, uy hiếp tàu cá và lực lượng chức năng của ta. Ngư dân cũng như toàn dân Việt Nam không hề nao núng, vẫn kiên cường giữ biển, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung Quốc cưỡng chiếm Biển Đông

Ngày 1/5, giàn khoan nước sâu HD-981 và 3 tàu dịch vụ dầu khí Trung Quốc di chuyển từ Tây Bắc đảo Tri Tôn (thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam) xuống phía Nam. 16 giờ ngày 2/5/2014, giàn khoan HD-981 được thả trôi tại tọa độ 15029’58” vĩ Bắc – 111012’06” kinh Đông, phía Nam đảo Tri Tôn, sâu vào thềm lục địa Việt Nam 81 hải lý, cách đảo Lý Sơn 119 hải lý, cách bờ biển Việt Nam 130 hải lý, hạ đặt giàn khoan này.

Ngày 4/5, tàu Hải cảnh 44103 của Trung Quốc chủ động đâm thẳng vào mạn trái tàu CSB 2012 của Cảnh sát Biển Việt Nam. Ngoài ra, các tàu Trung Quốc còn chủ động đâm va, phun vòi rồng công suất lớn vào các tàu Kiểm ngư và tàu thực thi pháp luật khác của Việt Nam.

Sáng 13/5, trong khi tàu Cảnh sát Biển Việt Nam 4032 tiếp cận phía tây giàn khoan HD-981 để tuyên truyền khẳng định chủ quyền Việt Nam, phản đối hành động sai trái của Trung Quốc; Trung Quốc đã dùng 3 tàu (Hải giám 7028, Hải cảnh 46001 và 1 tàu không rõ số hiệu) bao vây tàu Cảnh sát Biển 4032. Tàu không rõ số hiệu của Trung Quốc đã phun nước trong khi tàu Hải cảnh 46001 lao vào ngăn cản, đâm vào mạn trái tàu CSB 4032, làm gãy 10 mét lan can mạn trái, hỏng 3 thông gió tàu CSB 4032.

Tiếp đó, ngày 17/5, Trung Quốc lại đơn phương thực thi lệnh cấm đánh bắt cá ở Biển Đông trong hai tháng rưỡi (16/5 – 1/8). Đây là một bước đi trong âm mưu độc chiếm Biển Đông bằng đường 9 đoạn mà nước này đưa ra trước đó. Các hành động của phía Trung Quốc có sự chuẩn bị, tính toán, kết hợp chặt chẽ, thể hiện mưu đồ biến những vùng không có tranh chấp thành có tranh chấp rồi tuyên bố “gác tranh chấp cùng khai thác”.

Tàu Trung Quốc liên tục áp sát cản đường biên đội tuần tra của Việt Nam – Ảnh: Lê Văn Chương

Đáp trả bằng biện pháp hòa bình

Từ ngày 1/5 đến nay, lực lượng Cảnh sát Biển và Kiểm ngư Việt Nam đã có mặt kịp thời tại hiện trường, thực hiện quyền kiểm tra, ngăn chặn hành động xâm phạm trái phép; phát tín hiệu yêu cầu giàn khoan và tàu Trung Quốc ra khỏi vùng biển Việt Nam. Trong quá trình thực thi pháp luật trên biển, lực lượng thực thi pháp luật của Việt Nam đã kiên trì, kiềm chế trước hành động hung hăng, ngang ngược của tàu Trung Quốc, kiên quyết đấu tranh bằng biện pháp hòa bình.

Các lực lượng phía Việt Nam đã luôn tỉnh táo, kiên định, bình tĩnh trước những hành động khiêu khích của phía Trung Quốc. Khi tàu tuần tra Trung Quốc ập đến, tàu Cảnh sát Biển Việt Nam vẫn bình thản hành trình với tốc độ 5 hải lý/giờ. Tàu Trung Quốc áp sát, có lúc dọa đâm vào hông tàu Việt Nam, vượt lên trước mũi rồi cản đường tàu Việt Nam. Thượng úy Nguyễn Quốc Huy, Chính trị viên tàu Cảnh sát Biển 2016 cho biết: Tàu 2016 là tàu luôn đi biên, dẫn đầu đội hình. Không mắc mưu khiêu khích, động viên cán bộ, chiến sĩ bám vị trí, chủ động tránh va, bảo đảm an toàn cho toàn tàu, động viên cán bộ chiến sĩ không nao núng, thực hiện theo mệnh lệnh của thuyền trưởng, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ đề ra. Đó là tổ chức ngăn cản, gây sức ép, buộc Trung Quốc phải rút giàn khoan ra khỏi vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam.

Các chiến sĩ Cảnh sát Biển Việt Nam vẫn bình tĩnh trước hành động hung hăng của tàu Trung Quốc – Ảnh: Lê Văn Chương

 

Đảo là nhà, biển cả là quê hương

Trước hành động quấy phá của Trung Quốc, ngư dân Việt Nam vẫn kiên cường giữ biển, bảo vệ chủ quyền dân tộc. Tại các tỉnh, thành phố ven biển, không khí ra khơi vẫn nhộn nhịp.

Tại Quảng Ngãi, Nghiệp đoàn Nghề cá Bình Châu đã tuyên truyền, phổ biến và khuyến khích ngư dân liên kết theo từng tổ, đội sản xuất cùng nhau ra khơi; theo đó, giúp ngư dân vững tin, luôn có đồng đội mình hỗ trợ khi sự cố xảy ra. “Dù Trung Quốc dùng thủ đoạn gì, ngư dân chúng tôi cũng không bao giờ rời biển, rời Hoàng Sa. Chúng tôi vừa đánh bắt thủy sản để mưu sinh, vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc ” – Ngư dân Đoàn Ngọc Bê, chủ tàu QNg 95511 TS quả quyết.

Cùng đó, qua tìm hiểu, tất cả ngư dân đánh bắt xa bờ của tỉnh Bình Định đều cho rằng, được sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng, cùng với sự đoàn kết chặt chẽ của cộng đồng, ngư dân quyết không rời biển trước bất cứ áp lực nào. Ông Phùng Ngọc Thanh, chủ tàu cá BĐ 95471TS ở xã Tam Quan Bắc (huyện Hoài Nhơn), cho biết: “Mặc dù, thời gian gần đây Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam, gây hấn với lực lượng chấp pháp và tàu đánh bắt xa bờ của Việt Nam, nhưng ngư dân chúng tôi không chùn bước. Từ lâu chúng tôi đã coi biển là nhà nên trong khó khăn chúng tôi vẫn vững vàng bám biển, vừa khai thác hải sản làm giàu cho đất nước vừa bảo vệ chủ quyền biển đảo quê hương”.

>> Ông Trần Cao Mưu, Tổng thư ký Hội Nghề cá Việt Nam: Sự có mặt của ngư dân vô cùng quan trọng, như cột mốc khẳng định vùng biển chủ quyền Việt Nam. Trong giai đoạn khó khăn này, càng cần động viên ngư dân ra khơi giữ biển. Đây là ngư trường truyền thống cha ông ta để lại, chẳng có gì phải e sợ.

Lê Chương - Linh Chi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!