Sáng 24/4, Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) tổ chức Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa để tri ân, tưởng nhớ những binh phu trong Đội Hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa đã có công khẳng định chủ quyền biển, đảo của Việt Nam.
Dự lễ có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy; lãnh đạo các sở, ngành cùng đông đảo các tộc họ, nhân dân huyện Lý Sơn và du khách.
Các đại biểu dự lễ.
Mô hình thuyền câu tượng trưng cho những đội thuyền Hải đội Hoàng Sa ra khơi bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Mâm cúng với đầy đủ lễ vật được chuẩn bị chu đáo cho Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa được Ban khánh tiết Đình làng An Vĩnh và các tộc họ tổ chức một cách trang nghiêm, thành kính, với nhiều nghi thức cúng tế như: Lễ yết, Lễ Cung nghinh, Lễ thả thuyền… Một lễ vật không thể thiếu là thuyền câu và bài vị của những binh phu đã bỏ mình nơi dặm dài biển cả.
Sau lễ chánh tế Khao lề thế lính Hoàng Sa, thầy pháp thực hiện các nghi thức thế lính an vị các vong linh chiến sĩ Hoàng Sa trước khi thả thuyền ra biển. Đây là nghi lễ mang đậm tính nhân văn của người dân Lý Sơn – cúng thế cho người sống để cầu mong bình an cho người lính Hoàng Sa trước khi lên đường làm nhiệm vụ.
Hồi trống báo hiệu bắt đầu nhập lễ khao lề.
Các thành viên Ban Khánh tiết Đình làng An Vĩnh thực hiện các nghi thức của lễ khao lề.
Nghi thức tế lễ trước bài vị các hùng binh Hoàng Sa.
Tiếng kèn, trống hòa âm theo từng nghi thức lễ là một phần không thể thiếu trong Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa.
Thầy pháp thực hiện các nghi thức thế lính an vị các vong linh lính Hoàng Sa trước khi thả thuyền ra biển.
Kết thúc phần tế lễ, tiếng ốc u được thổi lên từng hồi trầm hùng hiệu lệnh trai tráng trong làng rước mô hình 5 thuyền câu ra biển. Tái hiện lại lễ tiễn đưa các hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc. Các thuyền câu trực chỉ Hoàng Sa đầy thiêng liêng và tự hào.
Theo truyền thống văn hóa tâm linh, tín ngưỡng dân gian, nhân dân Lý Sơn nói chung, các tộc họ làng An Vĩnh nói riêng tổ chức Lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa nhằm thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tưởng nhớ và tri ân đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã vâng lệnh triều đình ra Hoàng Sa khai thác sản vật, đo đạc hải trình, cắm mốc, dựng bia chủ quyền.
Cho đến nay, người dân đất đảo Lý Sơn vẫn còn lưu truyền câu ca: “Hoàng Sa trời nước mênh mông/Người đi thì có mà không thấy về/Hoàng Sa mây, nước bốn bề/ Tháng hai khao lề thế lính Hoàng Sa”. Câu ca ấy là lời tóm tắt số phận của những người đi lính Hoàng Sa, Trường Sa từ thuở trước – những người được vua Tự Đức gọi là những “hùng binh”. Hải đội hùng binh Hoàng Sa năm xưa đã vượt biển trên những chiếc thuyền câu nhỏ bảo vệ chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa của dân tộc bằng mồ hôi, xương máu và cả sinh mạng của nhiều thế hệ tráng đinh của 2 làng An Vĩnh và An Hải.
Nghi thức rước thuyền câu ra biển.
Thổi ốc u đưa thuyền câu ra biển.
Ông Nguyễn Thành Phương (78 tuổi), ở làng An Vĩnh, chủ Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa chia sẻ, đây là nghi thức đã và đang được các gia đình làng An Vĩnh và các dòng tộc trên đảo Lý Sơn tổ chức hằng năm và trở thành một lễ hội dân gian mang ý nghĩa nhân văn, thể hiện lòng tri ân của người dân đất đảo đối với những người lính đã hy sinh vì chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.
Lễ cũng là dịp các bậc cao nhân trên đất đảo kể lại cho con cháu nhiều câu chuyện về Đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải năm xưa, chuyện về những chuyến hải trình đầy gian khổ, nhưng cũng rất đáng tự hào, chuyện về những gương sáng vì nước quên thân của các vị Cai đội Hoàng Sa như: Võ Văn Khiết, Phạm Quang Ảnh, Phạm Hữu Nhật…
Nghi thức rước và thả thuyền câu ra biển.
Các mô hình thuyền câu tái hiện lại cảnh tiễn đưa các hùng binh Hoàng Sa kiêm quản Bắc hải năm xưa lên đường làm nhiệm vụ thiêng liêng với Tổ quốc.
Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn Phạm Thị Hương cho biết, Lễ khao lề thế lính Hoàng Sa đã góp phần phản ánh về lịch sử bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam trên Biển Đông. Đặc biệt là chủ quyền đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của các binh thuyền đội Hoàng Sa – Trường Sa cùng thủy quân Hoàng Sa – Trường Sa. Nghi lễ tại Đình làng An Vĩnh và các tộc họ trên đảo Lý Sơn góp phần khơi dậy lòng yêu nước và bảo tồn các giá trị văn hóa của cha ông, giúp cố kết cộng đồng, giáo dục truyền thống cho các thế hệ con cháu Lý Sơn, Quảng Ngãi nói riêng và Việt Nam nói chung.
“Lễ hội truyền thống này đã được Bộ VH-TT&DL công nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ được tổ chức nằm trong khuôn khổ Tuần lễ Du lịch Quảng Ngãi năm 2024, góp phần thu hút du khách tham quan, phát triển du lịch tại huyện đảo”, bà Hương nhấn mạnh.
K.Ngân – T.Phương
Nguồn: Báo Quảng Ngãi