T2, 06/07/2020 09:57

“Thịt” rừng phòng hộ làm đầm nuôi tôm

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong khí thế bừng bừng triển khai mô hình nuôi tôm trên cát, người ta “làm thịt” cả vành đai 2 của rừng phòng hộ biển. Nhờ cán bộ nghỉ hưu gọi điện thoại báo tin, chúng tôi kịp có mặt tại xóm Bình Phúc, xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh tìm hiểu sự việc.

Ngổn ngang hiện trường

Ngày 16.2 trời mưa vần vũ, mấy cán bộ nghỉ hưu đội mưa cùng chúng tôi có mặt tại hiện trường. Đứng trên mặt đê chắn sóng có thể chụp được ảnh phía nội đồng người ta đang hối hả chặt, cưa, cắt cây cối, thu gom, vận chuyển “hài cốt rừng” cách chân đê chỉ khoảng mười mét. Xa hơn là toàn cảnh mặt bằng mấy hécta với những máy xúc, máy gạt đang ầm ầm san lấp và với những đống gạch, đá, ximăng gấp gáp tập kết tại chân công trình. Để huy động nguồn “nhân lực, vật lực” cho cuộc ra quân hùng hậu làm đầm tôm như thế, người ta phải chuẩn bị kỹ từ nhiều ngày trước rồi.

Hiện trường “làm thịt” rừng phòng hộ biển.

Vào gặp Chủ tịch UBND xã Xuân Đan tại phòng làm việc, khách xuất trình thẻ nhà báo, chủ tự giới thiệu tên là Trần Bình Định – Chủ tịch xã. Săm soi rất kỹ tấm thẻ nhà báo, ông nắn nót ghi đầy đủ các thông tin vào sổ công tác. Tôi đi vào công việc: Qua phản ánh của dân, chúng tôi muốn cùng ông làm rõ: Số cây đã – đang bị triệt hạ tại hiện trường có thuộc cây của vành đai 2 rừng phòng hộ biển (RPHB)? Mặt bằng san ủi rộng mấy hécta kia có nằm trong vành đai 2 của RPHB từng che chắn cho xã Xuân Đan?”.

Nghe tôi nêu 2 vấn đề “xương xẩu”, ông Định quay sang yêu cầu tôi phải xuất trình thêm giấy giới thiệu của Tổng Biên tập Báo Lao Động cử đến làm việc và đơn thư phản ánh của dân về việc chặt hạ cây của RPHB. Theo ông Chủ tịch xã, thẻ nhà báo chỉ khẳng định tôi là một nhà báo, nó chưa đủ giá trị pháp lý để ông trả lời 2 vấn đề trên, thế nên ông mấy lần nhắc đi nhắc lại như để cảnh báo rằng, đây là mô hình nuôi tôm trên cát chứ không phải là dự án, mà mô hình này nằm trong chương trình xây dựng nông thôn mới của Đảng, Nhà nước, một chủ trương lớn của tỉnh Hà Tĩnh, của huyện Nghi Xuân, của xã Xuân Đan. Thuộc tầm vĩ mô thì can cớ chi dân gửi đơn phản ánh đến báo chí, mà không trực tiếp gửi tới chủ tịch xã về việc RPHB bị xâm hại!

Tôi gọi điện gặp đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh Hà Tĩnh (xin không nêu tên), cốt để đồng chí ấy biết việc trên địa bàn tỉnh, cụ thể là tại xã Xuân Đan, huyện Nghi Xuân, người ta đang “làm thịt” vành đai 2 của RPHB để triển khai “mô hình thí điểm” nuôi tôm trên cát. Lại cũng muốn để đồng chí ấy biết tại đây vẫn còn người không muốn hợp tác với báo chí. Nghe tôi trao đổi xong, đồng chí ấy (có lẽ đang chủ trì cuộc họp) nói ngắn gọn “các anh cứ làm đúng luật”, rồi chỉ còn tiếng máy kêu… tút… tút… tút.

Bỗng hai người bước vào phòng, một người tự giới thiệu là Phan Trọng Tân – Bí thư Đảng ủy xã. Ông Tân bảo sẽ ngồi với chủ tịch xã để cung cấp thông tin cho chúng tôi. Cũng như ông Định, ông Tân yêu cầu không ghi âm những điều ông phát ngôn và hướng dẫn cho xem (cũng không được chụp ảnh) sơ đồ quy hoạch chương trình xây dựng nông thôn mới của xã Xuân Đan. Loáng qua cũng biết “tài liệu mật” được phê duyệt năm 2011 với chừng nửa tá chữ ký cùng ngần ấy dấu đỏ, trong đó đã đánh số mấy khu đất phía trong đê (nội đồng). Nghĩa là chúng đã được “Nam Tào chấm sổ” để xây dựng mô hình nuôi tôm trên cát.

Ngồi nghe 2 vị chủ chốt xã bừng bừng khí thế về việc Xuân Đan vinh dự được huyện chọn làm mô hình thí điểm nuôi tôm trên cát, chúng tôi chỉ còn mỗi cách ghi… vào bộ nhớ các nội dung chính: 1/ Xã có trên 2 km tuyến đê ngăn mặn (đê biển) đi qua, toàn bộ RPHB trên địa bàn xã đều nằm ở ngoài đê chắn sóng, phía trong đê chỉ có rừng sản xuất và đất hoang hóa (?).

Trước đây, phi lao của RPHB vươn ra cách phía ngoài đê (phía đông) tám – chín trăm mét, nạn xâm thực diễn ra ngày càng phàm phu, giờ nước biển đã áp vào cách chân đê chỉ vài chục mét. Toàn bộ diện tích phía tây đê (phía nội đồng) không thuộc RPHB, mà nguyên là rừng sản xuất (?) do xã quản lý. Khi huyện lập quy hoạch xây dựng chương trình nông thôn mới, trong đó có mô hình thí điểm nuôi tôm trên cát, thì riêng 3 xã Xuân Trường, Xuân Đan, Xuân Phổ được triển khai 161 ha làm đầm tôm, trong đó Xuân Đan đóng vai trò đột phá khẩu. Ông Bí thư Đảng ủy tự hào: Xuân Đan thực hiện “trôi chảy” là nhờ toàn bộ đất đai phía nội đồng do xã quản lý nên việc GPMB không bị vướng, không mất công vận động dân, không bị áp lực về đền bù như Xuân Phổ xã bạn.

 

Vì môi trường sống

Chúng tôi xoáy vào vành đai 2 của RPHB, nó vẫn còn chứng cứ lịch sử là một tấm bia (nguyên văn): Rừng phòng hộ do Hội Chữ thập Đỏ Nhật Bản tài trợ, với các dòng chữ “Bảo vệ rừng phòng hộ, phòng ngừa thảm họa thiên tai là trách nhiệm của toàn dân – Nghiêm cấm chặt phá rừng phòng hộ”.

Chứng tích để người dân vào cuộc giữ môi trường sống.

Mấy ông nghỉ hưu cho biết: Dự án này do tổ chức MTTQ huyện Nghi Xuân làm chủ đầu tư, được cư dân các xóm 3, 4, 6 xã Xuân Đan tham gia tích cực. Bia dựng năm 1996 bằng gạch, ximăng, cao chừng 2 m, dài chừng 2,5 m, chữ viết bằng sơn đỏ vẫn đọc rõ ràng dù nó đã qua nhiều năm phơi nắng phơi mưa. Vị trí đặt bia nằm trong khu vực vành đai 2 của RPHB. Qua đồng hồ kilômét xe máy, từ chân đê vào tới vị trí đặt bia là 250 m, vào chỗ người ta đang san ủi để lấy mặt bằng làm đầm tôm chỉ 100 m.

Tóm lại, nếu như chưa cấp nào ra QĐ thu hồi toàn bộ đất của dự án trồng RPHB đã được cấp từ lâu, thì hiện trường cây cối bị chặt phá, cùng toàn bộ mặt bằng mấy hécta đang san ủi kia đều nằm trong vành đai 2 của RPHB thuộc địa phận xóm 3. Hai vị chủ chốt xã không biết rằng trước khi vào trụ sở UBND xã, chúng tôi được mấy cán bộ nghỉ hưu dẫn đi thực địa bấm ảnh để lưu giữ hiện trạng lịch sử: Vành đai 1 của RPHB bao gồm toàn bộ cây cối phía đông đê; vành đai 2 gồm toàn bộ cây cối phía tây đê (vùng nội đồng). Thế mà hai vị chủ chốt xã lại cho rằng, cái gọi là vành đai 1, vành đai 2, vành đai 3 của RPHB do cư dân gọi nôm na rồi dần thành từ thông dụng (?), họ thừa nhận chỉ có vành đai 1 của RPHB nằm ngoài đê cho việc chắn sóng mà thôi.

Thiển nghĩ, Chi cục Kiểm lâm cùng các ngành liên quan của Hà Tĩnh nên phổ biến “cẩm nang kiểm lâm” (do Bộ NNPTNT xây dựng năm 2006) để hai vị chủ chốt xã Xuân Đan biết: Tại xã biển của mình có tới mấy loại RPH gồm RPH chắn sóng lấn biển có tác dụng ngăn cản sóng, chống sạt lở, hạn chế xâm thực, bảo vệ các công trình ven biển, tăng độ bồi tụ phù sa, mở rộng diện tích bãi bồi ra phía biển, hạn chế xâm nhập mặn vào nội đồng, bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi thủy sản (vành đai 1). Loại RPH chắn gió hại, chống cát bay có tác dụng với nông nghiệp, bảo vệ các dân cư, các vùng sản xuất, các công trình… (vành đai 2). Loại RPH môi trường sinh thái, cảnh quan có tác dụng điều hòa khí hậu… (vành đai 3). Từ đó mà sớm có kết luận để nhân dân xã Xuân Đan biết: Hiện nay dự án RPH do Hội Chữ thập Đỏ Nhật Bản tài trợ có còn hiệu lực hay không? Nếu còn, thì ai và cấp nào lại ra QĐ thu hồi đất của dự án này để ra QĐ cấp đất cho chủ đầm tôm tiến hành san ủi như đã phản ánh?

Sườn phía đông của các xã Xuân Hội, Xuân Trường, Xuân Đan, Xuân Phổ đã – đang bị sóng biển ngoạm dần, sườn phía tây là bờ sông Lam cũng thường xuyên bị uy hiếp nghiêm trọng; vùng dân cư và canh tác nội đồng vốn bé tí tẹo đã bị kẹt giữa hai mặt nước và nước, luôn bị gió, mưa gây ra cát bay cát chạy, bồi lấp mất khá nhiều diện tích. Không kiện cáo về tranh chấp diện tích hoặc giá cả đền bù như thường thấy ở các nơi khác, người dân xã Xuân Đan đang bức xúc trước việc đầm nuôi tôm đang “làm thịt” vành đai 2 của RPHB! Vì hơn ai hết, họ phải thường xuyên đối mặt với thiên tai bão lũ, với biến đổi cực đoan của khí hậu, thời tiết, đã phải hứng chịu tác động tiêu cực của môi sinh môi trường… Họ đang bị thiên tai và “nhân tai” dồn vào thế “tiến thoái lưỡng nan”.

Khi hai cán bộ chủ chốt của xã Xuân Đan cho rằng chỉ có vành đai 1 RPHB ở ngoài đê, thì trước đó – chiều 14.2.2012 – Chi bộ Bình Phúc (xóm 3) đã phải tiến hành cuộc họp với sự có mặt của 18/25 đảng viên, để quyết nghị “một số nội dung cấp bách” đưa vào biên bản, trong đó có việc “… Nhà đầu tư đưa máy vào đào bới để xây dựng đầm tôm trên cát tại khu vực Cồn Trâu trong đê biển, cán bộ, nhân dân trong xóm không được biết, gây ảnh hưởng môi trường sinh thái, đe dọa cuộc sống của nhân dân… Đề nghị xã cho biết chủ trương đào bới này là của ai?… Đây là rừng phòng hộ, từ bao đời nay trồng cây sản xuất để chắn gió chắn sóng. Lần phá rừng trồng mới không có hiệu quả, gây ảnh hưởng lớn đến môi sinh môi trường. Chi bộ biểu quyết: Đề nghị xã tạm dừng việc đào bới san ủi. Giải trình cụ thể chủ trương việc làm đến tận cán bộ đảng viên và nhân dân…” (trích).

Mô hình nuôi tôm trên cát (theo hai vị chủ chốt của xã thì không phải là dự án) được triển khai ào ạt trên địa phận xóm, vậy mà ngay cả các đảng viên chi bộ xóm Bình Phúc cũng không được cấp trên cho biết, cho bàn, cho kiểm tra. Bí mật đến như thế, thì còn lâu mới công khai đến tận người dân.

Giao Hưởng

Theo Báo Lao Động

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!