Khu vực Đông Nam Á có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển ngành thủy sản; tuy nhiên, hiện phần lớn nghề cá của các nước thành viên gần như vẫn trong giai đoạn chuyển tiếp từ nghề cá thủ công, quy mô nhỏ sang nghề cá hiện đại, công nghiệp và bền vững. Việc 11 nước cùng chung tay hợp tác sẽ đảm bảo cho nghề cá của khu vực phát triển hiệu quả và bền vững.
Tại Cuộc họp lần thứ 9 Liên minh Tôm ASEAN, Cuộc họp lần thứ 11 Diễn đàn tham vấn thủy sản ASEA và Cuộc họp lần thứ 27 Nhóm công tác thủy sản ASEAN (ảnh) được tổ chức tại TP Đà Nẵng vừa qua đã tìm thấy được nhiều tiếng nói chung của các bên.
Tiêu chuẩn thực hành NTTS tốt (GAP) của ASEAN đối với tôm
Tôm là một trong những loài thủy sản nuôi chủ lực của nhiều quốc gia trên thế giới. Ở khu vực ASEAN, việc phát triển đối tượng nuôi này được nhiều quốc gia coi trọng, trong đó Thái Lan, Indonesia, Việt Nam là 3 nước sản xuất tôm lớn trong cả khu vực và trên thế giới. Để đảm bảo cho tôm nuôi phát triển hiệu quả, bền vững, các nước thành viên ASEAN đã cập nhật tình hình thực hiện kế hoạch về xây dựng và triển khai thực hiện Tiêu chuẩn thực hành NTTS tốt (GAP) của ASEAN đối với tôm (ASEAN Shrimp GAP). Các nước thành viên ASEAN cũng chia sẻ về hiện trạng sản xuất tôm của các nước trong khu vực, trên thế giới, thách thức về vấn đề dịch bệnh trên tôm và định hướng cơ chế khu vực về hệ thống cảnh báo sớm dịch bệnh trên tôm; cuộc họp nhóm công tác Nghề cá lần thứ 27 (ASWGFi) đã đã thống nhất đệ trình lên SOM-AMAF phê chuẩn Hướng dẫn kỹ thuật khu vực về hệ thống cảnh báo sớm đối với sức khỏe động vật thủy sản.
Các nước thành viên ASEAN đã thống nhất việc cần thực hiện đánh giá ASEAN Shrimp GAP và xem xét xây dựng cơ chế chứng nhận ASEAN nhằm mục đích thúc đẩy ASEAN Shrimp GAP được công nhận trên thị trường quốc tế; Chuyển giao công nghệ, nghiên cứu chung và phương thức nuôi tôm cải tiến cần được tiếp tục thảo luận trên cơ sở lợi ích chung của các nước thành viên ASEAN hay các thông tin về bùng phát dịch bệnh trên tôm cần được chia sẻ với NACA và Mạng lưới Trung tâm sức khỏe động vật thủy sản ASEAN (ANAAHC).
Tăng cường phối hợp trong quản lý khai thác hải sản, chống khai thác IUU
Nguồn lợi thủy sản biển đang bị áp lực rất lớn trước sự gia tăng hoạt động khai thác; làm thế nào để đảm bảo bền vững lĩnh vực này, đồng thời khôi phục nguồn lợi đang được các quốc gia đặt ra. Trong khuôn khổ cuộc họp tham vấn lần này, các nước thành viên ASEAN đã tập trung thảo luận về quản lý cường lực khai thác; Đảm bảo nghề cá quy mô nhỏ phát triển bền vững; Chống hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (khai thác IUU); Tăng cường quản lý và tái tạo nguồn lợi thủy sản; Truy xuất nguồn gốc thủy sản trong khai thác và nuôi trồng; Tác động của biến đổi khí hậu đối với hoạt động khai thác và NTTS.
Tại cuộc họp, các nước thành viên ASEAN đã chia sẻ các biện pháp chống khai thác IUU, bao gồm tiến độ trong gia nhập các Hiệp định quốc tế như Hiệp định Biện pháp quốc gia có cảng (PSMA) của FAO và Hiệp định đàn cá di cư (UNSFA) của Liên hợp quốc thực hiện Kế hoạch hành động khu vực chống khai thác IUU (RPOA-IUU); Hợp tác chống khai thác IUU trong khu vực; Truy xuất nguồn gốc thủy sản nhằm ngăn chặn các sản phẩm thủy hải sản khai thác bất hợp pháp xâm nhập vào chuỗi giá trị thủy sản.
Trong khuôn khổ Cuộc họp, Việt Nam cũng khẳng định nỗ lực trong thực thi Luật Thủy sản 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật; đặc biệt chú trọng thực hiện kiểm soát hoạt động tàu cá; quản lý tàu xuất, nhập bến, kiểm soát hàng thủy sản qua cảng và tiến độ lắp đặt Hệ thống giám sát tàu cá (VMS), đặc biệt đối tàu có chiều dài từ 24 m trở lên…
Đề xuất nhiều hợp tác chung trong khu vực
Tại cuộc họp lần thứ 27 Nhóm công tác Thủy sản ASEAN, các nước thành viên trong khu vực đã tập trung thảo luận nhiều nội dung quan trọng, trong đó đáng chú ý là hợp tác khu vực trong thực hiện Dự án nghiên cứu khả thi xây dựng chính sách thủy sản chung ASEAN (viết tắt là AGFP). Mục đích, tăng cường vai trò của khai thác và NTTS trong thúc đẩy an ninh lương thực, xóa đói giảm nghèo và tạo kinh kế cho người dân ASEAN đang phụ thuộc vào sản xuất, thu hoạch và tiêu thụ các sản phẩm thủy sản nhưng vẫn duy trì sự bền vững nguồn lợi và môi trường.
Cùng đó, các nước thành viên cũng đề xuất thiết lập Mạng lưới ASEAN về chống khai thác IUU. Bởi hiện nay, khai thác IUU là vấn đề mang tính toàn cầu và là vấn nạn đối với các nước trong khu vực; khai thác IUU gây thiệt hại cho kinh tế các quốc gia và ảnh hưởng lớn đến sinh kế của người dân. Để đảm bảo hiệu quả của việc chống khai thác IUU, cần tiếp tục tăng cường sự hợp tác chặt chẽ giữa các quốc gia trong khu vực; Việc thành lập Mạng lưới ASEAN về chống khai thác IUU (AN – IUU) sẽ góp phần giải quyết tốt hơn những thách thức trong việc chống khai thác IUU và tạo ra nền tảng để các bên phối hợp chia sẻ thông tin và phối hợp hành động chống khai thác IUU.
Ghi nhận sự hợp tác giữa ASEAN với Chính phủ Australia, Nga, EU, Nhật Bản và các tổ chức quốc tế, các đối tác như FAO, UNEP/GEF, MRC… nhằm thúc đẩy việc quản lý nghề cá có trách nhiệm trong khu vực, đặc biệt trong chống khai thác IUU; các đề xuất từ các tổ chức quốc tế, các đối tác, nhà tài trợ thúc đẩy hợp tác khu vực trong việc tiếp tục cam kết chống khai thác IUU, phát triển nghề cá bền vững.
Các quốc gia thành viên ASEAN đã thống nhất đệ trình lên SOM-AMAF phê chuẩn Hướng dẫn khu vực về quản lý chuỗi lạnh đối với sản phẩm hải sản; Hướng dẫn khu vực về Hệ thống cảnh báo sớm đối với sức khỏe động vật thủy sản; Đề xuất thành lập Mạng lưới ASEAN về chống khai thác IUU.
>> Việc thành lập Mạng lưới ASEAN về chống khai thác IUU (AN – IUU) sẽ góp phần giải quyết tốt hơn những thách thức trong việc chống khai thác IUU và tạo ra nền tảng để các bên phối hợp chia sẻ thông tin và phối hợp hành động chống khai thác IUU. |
TS Nguyễn Thị Phương Dung – Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và HTQT