(TSVN) – Việc chuyển đổi ao nuôi tôm nước lợ sang nuôi các loại cá đã được nhiều hộ dân vùng chuyên canh nuôi tôm của tỉnh Sóc Trăng thực hiện trong vài năm trở lại đây. Qua thực tế với các mô hình chuyển đổi, hộ nuôi đều có nguồn thu nhập khá tốt, nếu giá cá trên thị trường ổn định.
Cần giải pháp thích ứng
Các nghiên cứu, đánh giá trong những năm qua cho thấy, tình hình biến đổi khí hậu đã và đang làm cho tính bất thường cùng với các hiện tượng cực đoan của khí hậu tăng lên, chẳng hạn các đợt mưa lớn cường độ cao hơn, hạn kéo dài. ĐBSCL cũng ghi nhận được các mùa mưa đến muộn đã gây ra xâm nhập mặn nghiêm trọng ngay cả trong mùa mưa. Tất cả sự thay đổi đó đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến đời sống của người dân vốn có sinh kế phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp.
Việc chuyển đổi nuôi tôm nước lợ sang nuôi cá đem lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân. Ảnh: Thúy Liễu
Sóc Trăng có đến 74.000 ha diện tích nuôi thủy sản, trong đó nuôi tôm nước lợ 51.000 ha, nuôi thủy sản nước ngọt và cá các loại 19.550 ha và nuôi thủy sản khác 3.450 ha. Ghi nhận thực tế tại tỉnh Sóc Trăng cũng cho thấy, tình hình phát triển nghề nuôi trồng thủy sản của tỉnh ngày càng gặp nhiều khó khăn khi phát sinh thiệt hại do các yếu tố môi trường, dịch bệnh,… Tình hình nắng nóng kéo dài, xâm nhập mặn lấn sâu vào nội đồng, các kênh thủy lợi cấp nước không đảm bảo,… cũng ảnh hưởng nhiều đến hoạt động sản xuất, nuôi trồng thủy sản.
Trước tình hình trên, người nuôi tôm đã tìm các giải pháp kịp thời chủ động ứng phó hiệu quả, tránh rơi vào thế bị động. Theo đó, các hộ dân đã lựa chọn mô hình nuôi luân canh hoặc lồng ghép các đối tượng thủy sản có giá trị kinh tế kết hợp nuôi tôm tạo môi sinh tốt cho ao tôm. Có hộ thì nuôi xen canh 2 vụ tôm, 1 vụ cá, có hộ thì thả nuôi cá kết hợp với con tôm nuôi trong ao, nhằm cải tạo môi trường trong ao nuôi tôm, giúp con tôm phòng, chống được một số dịch bệnh. Từ mô hình nuôi cá trong ao nuôi tôm, khi thu hoạch tôm, hộ vừa có nguồn thu nhập từ bán tôm, vừa tăng thêm thu nhập từ tiền bán cá. Tuy nhiên, cũng có nhiều hộ đã chuyển hẳn ao nuôi tôm sang nuôi cá chuyên canh để nuôi các loại cá như: cá chốt, cá chẽm, cá hồng mỹ, cá lóc, cá lăng,… Qua thực tế với các mô hình chuyển đổi ao nuôi tôm sang nuôi cá, hộ nuôi đều có nguồn thu nhập khá tốt, nếu giá cá trên thị trường ổn định.
Theo chia sẻ của người dân, nuôi cá trong ao nuôi tôm có nhiều thuận lợi, bởi ao tôm đã được cải tạo hoàn chỉnh, việc kiểm soát dịch bệnh trên cá thuận lợi hơn so với việc đào ao đất để thả nuôi (vì ao tôm đã được lót bạt hoàn toàn), có hệ thống quạt tạo ôxy,… Nếu nắm rõ đặc tính của từng loài thì việc chăm sóc cá dễ hơn so với tôm nuôi, bởi cá ít gặp các vấn đề về dịch bệnh. Chi phí đầu tư nuôi cá không nhiều, lợi nhuận sau thu hoạch tốt.
Lựa chọn đối tượng phù hợp
Theo ông Lê Hữu Trí, thị trấn Long Phú, huyện Long Phú, việc chuyển đổi nuôi tôm nước lợ sang nuôi cá là quyết định đúng đắn, đem lại nguồn thu nhập cao cho gia đình mỗi năm. “Những năm gần đây, giá tôm sụt giảm nên lợi nhuận từ con tôm đem lại không nhiều. Do đó, tôi đã chuyển ao nuôi tôm sang nuôi cá, với diện tích 2 ha, chia thành 4 ao nuôi, mỗi ao tương đương 5.000 m2. Để đảm bảo đầu ra và hiệu quả kinh tế đem lại trong nuôi cá, tôi chọn nuôi cá lóc, cá lăng, thời gian thả nuôi đến lúc thu hoạch khoảng 6 tháng. Khi thu hoạch, thương lái đến tận ao thu mua, giá bán từ 50.000 – 57.000 đồng/kg đối với cá lóc, cá lăng từ 80.000 – 90.000 đồng/kg, trừ chi phí, lợi nhuận thu được hơn 2 tỷ đồng/4 ao nuôi/năm”, ông Trí tâm sự
Ngoài nuôi cá lăng, trong các ao nuôi, ông Trí còn kết hợp nuôi nhiều cá cùng chung 1 ao với nhau như: cá bống mú đen, cá chốt, cá nâu,… Đây toàn là những loại cá có giá trị kinh tế rất cao, có thị trường tiêu thụ nội địa mạnh. Cũng theo ông Trí, mặc dù cá lóc, cá lăng nuôi trong thời gian 6 tháng đã thu hoạch nhưng ông chỉ nuôi cá 1 vụ/năm để ao nuôi được cải tạo tốt nhất. Riêng trong mùa vụ thả nuôi cá năm 2025, ông Trí đang chuẩn bị thu hoạch cá lăng bán ra thị trường, qua tham khảo thì giá thương lái thu mua bằng cùng kỳ năm trước, tính toán lợi nhuận ước 550 triệu đồng/ao nuôi 5.000 m2.
Ông Đồ Văn Thừa, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Sóc Trăng cho biết: “Qua thực tế với các mô hình chuyển đổi ao nuôi tôm sang nuôi cá, hộ nuôi đều có nguồn thu nhập khá tốt, nếu giá cá trên thị trường ổn định. Ngành cũng phối hợp với các đơn vị có liên quan và các địa phương đưa ra những giải pháp kỹ thuật giúp bà con có những thông tin cơ bản để chuyển đổi những mô hình nuôi thủy sản phù hợp. Khuyến cáo, tuyên truyền cho bà con thực hiện theo khung lịch thời vụ của ngành và tùy tình hình của địa phương, của thời tiết khí hậu mà có sự điều chỉnh phù hợp. Bên cạnh đó, ngành cũng tăng cường công tác quan trắc môi trường để đưa ra những dự báo, cảnh báo và giải pháp kịp thời giúp cho bà con nuôi thủy sản nói chung và tôm nước lợ nói riêng có những thông tin phù hợp. Trong thời gian tới, để hỗ trợ hộ nuôi cá đạt năng suất, chất lượng, cá đạt kích cỡ tốt, đơn vị sẽ tổ chức các lớp tập huấn để hướng dẫn kỹ thuật nuôi cho hộ và thông tin đến hộ nuôi những loại cá phù hợp điều kiện tự nhiên từng vùng, giá trị kinh tế của từng loại cá và thị hiếu người tiêu dùng, để hộ nuôi lựa chọn loại cá nuôi phù hợp, góp phần tăng thu nhập cho người dân”.
Nguyễn Hằng
Với các ao đã từng nuôi tôm được hộ chuyển sang nuôi cá thì lợi nhuận của cá tốt hơn nhiều so với nuôi tôm nên hộ nuôi rất phấn khởi và duy trì nuôi trong nhiều năm qua.