“Thủ phủ” nuôi tôm Ninh Thuận

Chưa có đánh giá về bài viết

Là một tỉnh ven biển thuộc vùng Nam Trung bộ, Ninh Thuận không chỉ nổi tiếng với những cánh đồng muối lớn, những cánh đồng nho trĩu quả… mà nơi đây còn được biết đến như một vùng đất “lành” để phát triển thủy sản, đặc biệt là sản xuất tôm giống và nuôi tôm thương phẩm.

Tiềm năng lớn, lợi thế nhiều

Ninh Thuận có bờ biển dài 105 km với lãnh hải rộng hơn 18.000 km2, là một trong bốn ngư trường lớn nhất của cả nước, mỗi năm khai thác từ 50.000 – 60.000 tấn hải sản các loại. Nhờ những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi như, nhiệt độ trung bình cao, ổn định, nguồn nước biển có chất lượng tốt… đã tạo điều kiện thuận lợi giúp phát triển nghề nuôi trồng thủy sản.

Đặc biệt, ngoài khơi biển Đông nhờ có hai dòng hải lưu đối ngược nhau, vị trí của hai dòng hải lưu này quyết định khá lớn đến chi phối mưa từ biển vào Ninh Thuận, làm cản trở quá trình tạo mưa cho khu vực đất liền. Điều này đã lý giải vì sao Ninh Thuận gần biển có lượng nhiệt nhận hàng năm lớn nhưng lại có lượng mưa thấp… Và chính những điều này cũng giải thích vì sao phần lớn các trại sản xuất tôm giống lớn của cả nước cũng tập trung tại địa phương này. Trong đó, phải kể đến là Công ty Moana, chuyên sản xuất tôm sú bố mẹ sạch bệnh, Trại tôm giống Ninh Thuận của Công ty C.P, Trại tôm bố mẹ và tôm giống của Công ty CP giống Thủy sản Hùng Vương… Và mới đây nhất là sự có mặt của Công ty Nam Dương với việc mở trại sản xuất naupilus tại huyện Ninh Hải đã chứng minh cho tiềm năng và sức hút của biển Ninh Thuận với nghề sản xuất tôm giống.

Một khu nuôi tôm thẻ chân trắng ven biển Ninh Chữ, Ninh Thuận

Bên cạnh nghề sản xuất tôm giống thì nghề nuôi tôm thương phẩm cũng phát triển mạnh ở Ninh Thuận, các vùng nuôi tôm tập trung ở các huyện như Ninh Phước, Ninh Hải, Thuận Nam với hai đối tượng chính là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Trong đó, nghề nuôi TTCT với mô hình nuôi tôm trên cát đã thu được thành công rất lớn với năng suất trung bình 8 tấn/ha, thậm chí có nơi còn thu được từ 15 – 18 tấn/ha. Cũng giống như nhiều địa phương khác, TTCT cũng đã mở ra cơ hội mới cho người nuôi tôm ở Ninh Thuận sau những khó khăn từ con tôm sú.

Mặc dù nghề nuôi tôm hùm ở Ninh Thuận không phát triển bằng các tỉnh khác nhưng nhờ tận dụng các đầm, vịnh ven biển, người dân đã đầu tư và phát triển nghề nuôi tôm hùm ở các khu vực như: vùng biển Bình Sơn (Thành phố Phan Rang – Tháp Chàm), Bình Tiên (huyện Thuận Bắc), đặc biệt là làng tôm hùm Vĩnh Hy (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) với khoảng hơn 100 lồng nuôi, mỗi năm cung cấp ra thị trường khoảng 15 tấn tôm hùm thương phẩm. Tuy nhiên, do nguồn tôm hùm giống tự nhiên tại địa phương ít, giá thành cao, diện tích mặt nước bị thu hẹp… nên nghề nuôi tôm hùm tại Ninh Thuận vẫn còn nhiều hạn chế để phát triển.

 

Khó khăn trong phát triển bền vững

Sự phát triển nghề nuôi tôm trên cát mang lại hiệu quả kinh tế lớn, nhưng do vấn đề quy hoạch, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nuôi tôm nên đã gây ảnh hưởng rất lớn đến môi trường, đặc biệt là việc xả nước thải ao nuôi tôm ra biển gây ô nhiễm nặng nề. Bên cạnh đó, việc sử dụng nước ngầm để nuôi tôm cũng khiến nguồn tài nguyên này bị cạn kiệt và nguy cơ xâm mặn cao. Nghề nuôi tôm tại Ninh Thuận đã từng đem lại lợi ích rất lớn, nên người dân ồ ạt nuôi tôm, diện tích tăng mạnh nhưng hiện nay dịch bệnh cũng tăng theo và năng suất cũng giảm dần theo thời gian.

Trước những khó khăn của nghề nuôi tôm, thời gian qua tỉnh Ninh Thuận đã có nhiều biện pháp như: xây dựng, nâng cao chất lượng hạ tầng cơ sở, hệ thống cấp thoát nước tại các dự án nuôi tôm lớn, quy hoạch lại các vùng nuôi tôm hùm, tăng cường quản lý kiểm dịch chất lượng tôm giống… Việc áp dụng các tiến bộ khoa học cũng được triển khai nhằm hạn chế những rủi ro trong nuôi tôm như đa dạng hóa đối tượng nuôi, áp dụng các tiêu chuẩn như GAP, BMP, đặc biệt là mô hình “CPF Turbo Program” được triển khai thời gian gần đây tại nhiều huyện của Ninh Thuận không chỉ giúp tôm thoát được “Hội chứng hoại tử gan tụy” trong thời gian qua mà còn  mang lại hiệu quả cao hơn. Hiện nay, mô hình này đang được đề xuất nhân rộng ra trong tỉnh, đặc biệt là các vùng nuôi tôm trên cát.

Để phát triển bền vững nghề nuôi tôm thì ngoài sự định hướng và đầu tư của tỉnh, người nuôi tôm cũng cần nâng cao ý thức tự giác chấp hành những quy định của nhà nước. Đặc biệt là chấp hành nghiêm các quy định về vùng nuôi, an toàn dịch bệnh, thời vụ… từ đó nâng cao ý thức, trách nhiệm với cộng đồng trong việc phát triển nghề nuôi tôm, một thế mạnh tiềm năng của tỉnh.

>> Ông Phan Đình Thịnh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Ninh Thuận cho biết, hiện nay toàn tỉnh có 210 cơ sở sản xuất giống tôm sú và 86 cơ sở sản xuất giống TTCT với sản lượng 3,4 tỷ tôm sú giống và 5,8 tỷ TTCT giống. Vụ tôm vừa qua, toàn tỉnh thả nuôi 136 ha tôm sú và 769 ha TTCT, đến nay thu hoạch được với sản lượng 42 tấn tôm sú và 1.700 tấn TTCT thương phẩm.

Minh Thành

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!