T2, 06/07/2020 11:58

Thú y với thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Là lĩnh vực có vai trò không nhỏ trong sự phát triển của ngành thủy sản, những năm qua công tác thú y đã phát huy được trọng trách nặng nề của mình rất hiệu quả, góp phần vào việc giảm thiểu thiệt hại, mang lại giá trị sản xuất cho người dân. Cùng Thủy sản Việt Nam nghe chia sẻ của ông Dương Tiến Thể (ảnh), Phó Cục trưởng Cục Thú y để hiểu thêm về điều này.

thú y thủy sản - ông dương tiến thểÔng có thể chia sẻ đôi nét về vai trò của công tác thú y trong lĩnh vực thủy sản?

Ngành Thú y Việt Nam luôn được sự quan tâm và chỉ đạo sát sao của Chính phủ, lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng như các tổ chức có liên quan, đã ý thức vai trò của mình nên để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao, hệ thống thú y được tổ chức theo ngành dọc từ Trung ương đến địa phương, hoạt động chuyên nghiệp và hiệu quả.

Thú y được xem là ngành bảo vệ sức khỏe, không chỉ cho động vật mà còn cho con người, đặc biệt là ngăn chặn những bệnh nguy hiểm mới nổi truyền lây từ động vật sang người; hỗ trợ cho chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản phát triển, giải quyết các vấn đề về an toàn thực phẩm từ gốc, thông qua công tác giám sát an toàn dịch bệnh động vật. Ngành Thú y có nhiều nhiệm vụ, tựu chung lại ba nhiệm vụ chính là phòng chống dịch bệnh động vật, quản lý thuốc và kiểm dịch.

 

Những kết quả đạt được của công tác thú y trong lĩnh vực thủy sản thời gian qua, thưa ông?

Sản xuất thủy sản ngoài phục vụ tiêu dùng trong nước còn để xuất khẩu, theo đó, muốn đưa sản phẩm ra nhiều thị trường cần vượt qua các rào cản kỹ thuật liên quan tới an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ người tiêu dùng, bảo vệ môi trường sinh thái… (đây luôn là vấn đề khó lường trước được). Ví dụ như năm 2014, Brazil ngừng nhập sản phẩm cá tra của Việt Nam vì cho rằng chúng ta chưa có kế hoạch phòng chống dịch bệnh cho cá tra, bởi việc nuôi có chứng nhận giám sát dịch bệnh mới đảm bảo sản phẩm nuôi an toàn, không nhiễm vi sinh vật, không sử dụng kháng sinh và không để lại tồn dư trong sản phẩm. Trước tình hình đó, Cục Thú y đã đề nghị Bộ NN&PTNT cho phép làm việc trực tiếp với cơ quan quản lý Brazil, từ đó biết được yêu cầu của họ và khẩn trương xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh. Phía Brazil đã tiến hành kiểm tra tại vùng nuôi và thấy có áp dụng kế hoạch phòng chống dịch bệnh đáp ứng với yêu cầu, sau đó mở cửa lại cho sản phẩm cá tra.

Về sản phẩm tôm, Trung Quốc ngừng nhập tôm sống của Việt Nam vì một số lô hàng sang họ xét nghiệm thấy mầm bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy (những bệnh này tuy không gây hại cho con người nhưng nó là rào cản kỹ thuật). Cục Thú y cùng NAFIQAD tiếp đoàn của cơ quan chức năng Trung Quốc, làm rõ các văn bản pháp lý mà chúng ta đã có về quản lý nuôi trồng, quản lý các yếu tố đầu vào và an toàn dịch bệnh, đưa đoàn đi khảo sát vùng nuôi, tiếp cận người nuôi để khẳng định các quy định đó đi vào thực tế sản xuất và được bạn đánh giá cao, chuẩn bị mở lại mặt hàng tôm sống sang thị trường này.

Từ đầu vụ nuôi tôm 2015, Cục Thú y đã đề nghị Bộ cho phép triển khai phòng chống dịch bệnh trên tôm nước lợ tại Sóc Trăng là tỉnh trọng điểm về nuôi tôm thâm canh. Cục đã phối hợp với Sở NN&PTNT thành lập tổ công tác xuyên suốt từ tỉnh đến huyện, xã để trực tiếp hướng dẫn cán bộ cơ sở và người nuôi quy trình kỹ thuật, công tác phòng chống dịch bệnh, khai báo, xử lý ổ dịch. Sau 6 tháng triển khai thì tình hình dịch bệnh tôm đã giảm 50% so với cùng kỳ năm trước. Từ kết quả này Cục tiếp tục đề nghị Bộ cho triển khai phòng chống dịch bệnh trên tôm tại Bạc Liêu.

Cục cũng đã thực hiện dự án giám sát chủ động tại vùng sản xuất tôm giống Ninh Thuận, Bình Thuận, Bạc Liêu và giám sát một số vùng nuôi tôm ở 8 tỉnh ven biển. Kết quả giám sát ở các trại giống cho thấy không phát hiện virus đốm trắng nhưng phát hiện thấy có Vibrio gây hoại tử gan tụy và con đường xâm nhập là từ thức ăn tươi sống nuôi tôm bố mẹ. Phát hiện này có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, giúp các trại giống kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn tươi sống để ngăn chặn Vibrio xâm nhập vào trại giống. Tại các vùng nuôi, việc giám sát cho biết được tình dịch bệnh trong vùng nuôi, nguyên nhân từ nguồn nước, môi trường. Đặc biệt là đã vẽ được bản đồ dịch tễ cho biết tình hình dịch bệnh, loại bệnh thường xảy ra tại các thời điểm trong các tháng của năm, qua đó giúp các địa phương và người nuôi điều chỉnh thời vụ, có giải pháp xử lý kịp thời nhằm giảm mức độ rủi ro.

Theo quy định của Tổ chức Thú y Thế giới và Luật Thú y có hiệu lực từ 1/7/2016 thì việc xây dựng cơ sở/vùng nuôi an toàn dịch bệnh là vấn đề trọng tâm hàng đầu đối với nuôi trồng thủy sản trong những năm tiếp theo.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN&PTNT, công tác thú y tại các địa phương được hợp nhất cả thú y trên cạn và thú y thủy sản, đã huy động được toàn bộ lực lượng của hệ thống thú y cơ sở nên công tác chỉ đạo, phòng chống dịch bệnh thủy sản được sát sao, tập trung và hiệu quả hơn. Tình hình dịch bệnh, dần được phản ánh chính xác hơn, sát với thực tiễn để thấy được yếu kém cần khắc phục, từ đó có thể đưa ra được những chỉ đạo kịp thời, hiệu quả.

 Trong năm qua Cục đã tham mưu để Bộ ban hành nhiều chỉ thị, văn bản gửi UBND các tỉnh đề nghị xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh, trong đó có bố trí kinh phí, huy động nguồn lực cho phòng chống dịch bệnh để giám sát và xử lý kịp thời.

Cục cũng đã chú ý nâng cao năng lực của các Cơ quan thú y vùng, các Trung tâm (chẩn đoán, kiểm nghiệm thuốc, vệ sinh thú y) để phục vụ tốt hơn cho chỉ đạo điều hành và phục vụ sản xuất nuôi trồng thủy sản.

 

Tuy nhiên, công tác thú y vẫn còn những hạn chế nhất định, chia sẻ của ông về điều này?

Về phòng chống dịch bệnh: hạ tầng thủy lợi vùng nuôi hiện chưa được đầu tư thích đáng. Ngoài các doanh nghiệp có tiềm lực kinh tế thì người dân đa phần có diện tích nuôi không lớn đã tận dụng hết diện tích để sản xuất nên không có ao lắng, mương cấp nước dùng chung, nhiều nơi còn lẫn với mương nước thải, chất lượng sản phẩm các yếu tố đầu vào chưa đảm bảo, đặc biệt là quy trình nuôi.

Phần lớn người nuôi thiếu vốn nên phải mua chịu ở đại lý từ con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, chất bổ sung, hóa chất xử lý cải tạo môi trường, thuốc kháng sinh (người dân gọi chung là thuốc). Do mua chịu nên phải sử dụng các sản phẩm có trong đại lý tức là làm theo quy trình nuôi của đại lý hướng dẫn. Nhiều đại lý đã đưa cả những sản phẩm không có trong Danh mục được phép lưu hành, hoặc sản phẩm không đảm bảo chất lượng, thậm chí có thể có tác dụng ngược đã làm ảnh hưởng đến sản xuất, tôm bị thiệt hại không biết được nguyên nhân. Công tác quản lý các yếu tố đầu vào được thực hiện theo Thông tư số 45 của Bộ, cơ quan đầu mối là Chi cục Quản lý chất lượng tại các địa phương cùng phối hợp với các đơn vị chức năng thực hiện. Tuy nhiên, việc giám sát, thanh tra kiểm tra rất hạn chế, do địa bàn rộng, nhiều nhóm bán hàng lưu động không có cửa hàng đại lý, chế tài và quyền xử lý khó thực hiện, chưa đề cao vai trò của chính quyền địa phương, kinh phí lấy mẫu xét nghiệm hạn chế… nên hiệu quả chưa cao. Các địa phương thường xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh rất muộn, kinh phí hạn chế không đủ cho các hoạt động giám sát tại vùng sản xuất; người dân chưa tự giác khai báo khi có dịch bệnh, cán bộ thú y cơ sở cấp xã, thôn bản nhiều nơi còn thiếu, chế độ phụ cấp rất thấp nên việc lấy mẫu xét nghiệm bệnh chưa tốt, thông tin thu thập không đầy đủ, số liệu tổng hợp thiếu chính xác làm cho chỉ đạo điều hành chưa kịp thời.

Về kiểm dịch: Hiện Cục chỉ thực hiện kiểm dịch giống, đàn bố mẹ nhập khẩu, tuy nhiên, có những cửa khẩu, lối mở vùng biên, vẫn có tình trạng giống không rõ nguồn gốc, không kiểm dịch đi chui. Việc kiểm dịch giống lưu thông trong nước được các Chi cục địa phương thực hiện tốt theo quy định nhưng vùng sâu vùng xa vẫn còn lưu thông giống trôi nổi.

 

Vậy theo ông giải pháp nào để hoạt động thú y khắc phục những hạn chế này?

Cần tập trung vào giải quyết các tồn tại đã nêu trên. Các địa phương cần đầu tư xây dựng thủy lợi cho vùng nuôi. Tổ chức lại sản xuất theo nhóm, tổ, hợp tác xã để thực hiện liên kết theo chuỗi từ giải quyết vốn, cung ứng yếu tố đầu vào, áp dụng công nghệ, đảm bảo chất lượng và hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Các cơ quan quản lý của Bộ, đặc biệt là vai trò của chính quyền các địa phương phối hợp trong quản lý thống nhất quy trình công nghệ nuôi, đưa quy trình đã được ban hành đến tận tay người dân (tờ rơi, phát thanh, truyền hình…), không để các doanh nghiệp tự ban hành quy trình riêng. Đồng thời, cần quản lý chất lượng các yếu tố đầu vào từ phần gốc chính là các đại lý, nhóm bán di động tận cơ sở nuôi trà trộn cung cấp hàng kém chất lượng; thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Đối với công tác phòng chống dịch bệnh thủy sản, các địa phương cần củng cố hệ thống thú y cơ sở, xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu năm, bố trí đủ kinh phí để triển khai giám sát vùng nuôi, nâng cao nhận thức của người nuôi, tổ chức thu thập thông tin số liệu chính xác, lấy mẫu phân tích tìm ra được nguyên nhân và cách khắc phục kịp thời. Khi người dân thực hiện quy trình nuôi an toàn dịch bệnh thì gần như không sử dụng thuốc kháng sinh, từ đó có được sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm đáp ứng yêu cầu của nhà nhập khẩu.

 

Chia sẻ của ông để ngành nuôi trồng thủy sản sao cho hiệu quả?

Muốn sản xuất có hiệu quả cao bền vững thì cần quan tâm tới hai vấn đề, thứ nhất là thị trường đang cần sản phẩm gì, yêu cầu chất lượng thế nào để hướng sản xuất đáp ứng đúng với yêu cầu đó; thứ hai là tổ chức sản xuất để có năng suất cao, giá thành rẻ, chất lượng đáp ứng với yêu cầu thị trường.

Hiện, thị trường đang cần sản phẩm an toàn vệ sinh thực phẩm, có chứng nhận xuất xứ từ cơ sở thực hiện kế hoạch phòng chống dịch bệnh (bao trùm cả quá trình nuôi và quản lý các yếu tố đầu vào theo quy định của nhà nước). Để đáp ứng yêu cầu này thì phải tổ chức liên kết sản xuất, xây dựng cơ sở/vùng an toàn dịch bệnh. Khi đã được chứng nhận nuôi an toàn dịch bệnh nghĩa là đảm bảo điều kiện chất lượng do trong quá trình nuôi quản lý tốt, không xảy ra dịch bệnh nên giá thành rẻ hơn, cạnh tranh tốt hơn.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Thủy sản là một trong những mặt hàng xuất khẩu chủ đạo của ngành nông nghiệp nên công tác thú y đã tập trung cao độ vào việc thực hiện phòng chống dịch bệnh: hoàn thiện, đầu tư cơ sở hạ tầng phòng thí nghiệm; thiết bị máy móc; nâng cao năng lực cán bộ quản lý, xét nghiệm, tập huấn nước ngoài.

Nguyễn Chi (thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!