(TSVN) – Năm 2022, dù khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn, thách thức trước giá xăng dầu tăng cao, nhưng nhiều tàu đánh bắt xa bờ ở Thừa Thiên Huế vẫn hoạt động hiệu quả.
Theo ngư dân xã Vinh Thanh, huyện Phú Vang, giá xăng dầu tăng cao, có thời điểm cao gấp rưỡi, kéo theo nhiều mặt hàng phục vụ hoạt động xa bờ tăng, trong khi giá hải sản lại giảm khiến một số chuyến biển thua lỗ, hoặc lãi thấp, một số tàu nằm bờ. Trong điều kiện khó khăn chung vẫn có nhiều tàu vươn khơi, bám biển liên tục, dài ngày đã mang lại hiệu quả.
Dù chưa phải là năm đạt hiệu quả cao nhất, nhưng năm nay đội tàu khai thác vùng biển khơi ở Vinh Thanh và toàn tỉnh nói chung được đánh giá có hiệu quả hơn so với vài năm trở lại đây. Ngoài đội tàu lưới rê còn có đội tàu lưới vây kết hợp ánh sáng hoạt động có hiệu quả. Nhiều tàu doanh thu bình quân mỗi tàu từ 1-1,5 tỷ đồng/năm, lãi 700 triệu đến trên 1 tỷ đồng.
Ảnh: Lê Văn Chương
Tàu khai thác hiệu quả kéo theo các tàu dịch vụ hậu cần cũng lãi cao. Qua khảo sát của cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, các tàu dịch vụ hậu cần toàn tỉnh đều có lãi từ 1 – 1,5 tỷ đồng, có tàu lãi từ 2 – 3 tỷ đồng. Điều này còn thể hiện có đến 90% số tàu xa bờ tăng thêm trong năm 2022 thuộc đội tàu dịch vụ hậu cần.
Chi cục Thủy sản tỉnh đánh giá, vào đầu năm, hải sản vụ cá nam xuất hiện chậm, cộng thêm chi phí đầu vào tăng do giá dầu tăng cao khiến đội tàu công suất lớn sử dụng nguồn nhiên liệu lớn gặp rất nhiều khó khăn trong khai thác xa bờ. Tuy nhiên từ giữa vụ nam, các tàu khai thác đạt sản lượng, giá dầu bắt đầu giảm nên nhiều tàu khai thác có thu nhập khá. Nghề lưới vây đánh bắt cá nục mang lại hiệu quả khá cao, kéo theo các tàu dịch vụ hậu cần chuyên thu mua cá nục cũng hoạt động hiệu quả.
Đội tàu dịch vụ hậu cần được ngư dân tỉnh nhà đầu tư quy mô với kích cỡ tàu lớn nhất, kế tiếp là tàu lưới rê và vây. Lưới kéo (giã cào) trên địa bàn tỉnh có quy mô đội tàu nhỏ nhất, gần như ngược lại với các tỉnh khác (thường có đội tàu kích cỡ lớn nhất). Đây là tín hiệu khá tốt vì lưới giã cào không thân thiện với môi trường, thường gây phá hủy nền đáy, thảm thực vật.
Năm 2022, số tàu đánh bắt xa bờ tăng đến 21 chiếc so với năm 2021. Do đã hết hạn ngạch phát triển tàu xa bờ Trung ương giao (không thể đóng mới tàu xa bờ) nên ngư dân trên địa bàn tỉnh đầu tư phát triển tàu cá xa bờ phải mua tàu cá (cùng hạn ngạch) của ngư dân tỉnh khác. Trong năm 2022, ngư dân mua từ ngoại tỉnh về 21 tàu xa bờ, tương đương tăng 5% năng lực đội tàu xa bờ trên địa bàn tỉnh.
Tàu đánh bắt công suất lớn không chỉ đáp ứng yêu cầu hoạt động dài ngày mà còn có điều kiện vươn đến vùng biển xa, biển khơi. Năm 2022, toàn tỉnh có 370 tàu cá đăng ký tham gia khai thác trên vùng biển xa, đến nay đã có hơn 1.330 chuyến biển tham gia đánh bắt vùng biển xa, số ngày hiện diện tăng 2,6 lần so với năm 2021. Hoạt động khai thác vùng biển xa còn góp phần củng cố an ninh quốc phòng toàn dân, ở vùng biển Hoàng Sa.
Công tác chống khai thác IUU được triển khai đồng bộ, quyết liệt, bám sát các kế hoạch, hành động của Trung ương và địa phương. Kết quả cho thấy, tàu cá Thừa Thiên Huế không vi phạm đánh bắt trái phép ở vùng biển nước ngoài. Hầu hết (417) tàu cá lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá (VMS) đúng quy định pháp luật.
Tổng số tàu cá trên địa bàn tỉnh đã đăng ký đưa vào sử dụng là 613 chiếc; trong đó tàu cá xa bờ có chiều dài từ 15 mét trở lên 417 chiếc. Các công trình hạ tầng cảng cá (Thuận An, Tư Hiền), khu neo đậu tránh trú bão Phú Hải được quan tâm đầu tư, nâng cấp, đáp ứng nhu cầu neo đậu, trú tránh bão cho đội tàu xa bờ của tỉnh. Việc nâng cấp, đầu tư trang thiết bị hoàn chỉnh tại trạm bờ và Văn phòng Đại diện Kiểm soát nghề cá tại Cảng cá Thuận An được quan tâm, cơ bản đáp ứng yêu cầu vận hành phục vụ công tác kiểm soát tàu cá chặt chẽ. Hoạt động khai thác gần bờ cũng có những tín hiệu khả quan khi một số hải sản được phục hồi, sản lượng dồi dào hơn, ngư dân đánh bắt khá hiệu quả.
Minh Hiếu