(TSVN) – Trong những năm qua, hệ thống khuyến nông Thừa Thiên – Huế đã đóng góp vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nông sản, góp phần giúp người dân xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Hoạt động khuyến nông Thừa Thiên – Huế đã bám sát định hướng phát triển nông nghiệp của tỉnh để xây dựng thành công nhiều mô hình cho nông dân, góp phần tăng nhanh sản lượng, chất lượng nông, lâm, ngư nghiệp trên toàn tỉnh. Các mô hình trình diễn khuyến nông, tập huấn kỹ thuật và đào tạo nghề nông nghiệp đã cung cấp cho nông dân kiến thức và kỹ năng cần thiết để áp dụng các phương pháp nuôi trồng mới đem lại thu nhập cao hơn. Các hoạt động khuyến nông ngày càng phong phú đa dạng, đa lĩnh vực và đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
Mô hình nuôi cá tầm tại Thừa Thiên – Huế cho hiệu quả cao. Ảnh: TTKNTTH
Tiêu biểu như mô hình nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên
kết tiêu thụ sản phẩm thuộc Dự án của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia năm 2021 – 2023. Mô hình được triển khai tại xã Quảng Thành, huyện Quảng Điền; xã Phú Hải, xã Vinh Xuân, huyện Phú Vang và xã Giang Hải, huyện Phú Lộc với quy mô: 4 ha/8 hộ/4 điểm. Mô hình đã giúp người dân được tiếp cận với những tiến bộ khoa học kỹ thuật mới trong nuôi cua, giúp người dân không lo về giá khi bán ra thị trường. Kết quả bước đầu cho thấy, mô hình đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Dự kiến đến khi thu hoạch năng suất đạt >1,5 tấn/ ha, lợi nhuận dự kiến đạt 100 – 120 triệu đồng/ ha, giá bán cua gạch cao gấp 1,5 – 2 lần so với nuôi cua thịt. Ngoài ra, việc thực hiện mô hình giúp nông dân chủ động được nguồn giống do sử dụng nguồn giống cua tự ương từ cua khay; phân loại và lựa chọn cua cái đủ số lượng ngay từ giai đoạn ương chuyển qua nuôi; tạo ra được sản phẩm cua gạch chất lượng, có giá bán cao gấp1,5-2lầnsovớicuathịtnênđemlạihiệu quả kinh tế cho người nuôi.
Hay như mô hình ương giống cá tầm, nhằm cung cấp nguồn giống đảm bảo chất lượng, chủ động và giảm giá thành con giống cho người nuôi. Mô hình được thực hiện tại HTX Nông lâm nghiệp bền vững và Dịch vụ tổng hợp Hồng Kim, huyện A Lưới. Với trọng lượng cá giống ban đầu chỉ từ 3 – 5 g/con; sau 2,5 tháng nuôi, trọng lượng cá đạt 70 – 80 g/con, tỷ lệ sống đạt trên 90%.
Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia Lê Quốc Thanh đánh giá, các mô hình mà Trung tâm đồng hành triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên – Huế đã phát huy hiệu quả với việc tạo ra các sản phẩm cụ thể và mang tính riêng biệt; góp phần khai thác được tiềm năng lợi thế của địa phương cũng như phù hợp với chiến lược phát triển nông nghiệp hướng đến sản xuất nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn.
Thời gian tới, ngành khuyến nông tỉnh Thừa Thiên – Huế tiếp tục phát triển, mở rộng mô hình tổ khuyến nông cộng đồng, phấn đấu 100% xã nông thôn mới có tổ khuyến nông cộng đồng hoạt động hiệu quả, bền vững. Bổ sung, hoàn thiện hệ thống chính sách về khuyến nông, đặc biệt là bộ tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá, giá dịch vụ sự nghiệp công về khuyến nông và chính sách xã hội hóa khuyến nông, nhằm thu hút các bên tham gia hoạt động khuyến nông; phối hợp giữa khuyến nông nhà nước với khuyến nông doanh nghiệp để thu hút nguồn lực tham gia hoạt động. Phát triển khuyến nông điện tử, chuyển đổi số, xây dựng cơ sở dữ liệu thông tin khuyến nông phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo và tiếp nhận thông tin phản hồi từ thực tế sản xuất. Quan tâm đời sống vật chất và tinh thần cán bộ khuyến nông, hỗ trợ các cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho cán bộ khuyến nông công tác lâu dài, gắn bó với nghề. Tăng cường kết nối hệ thống khuyến nông theo phương châm “ở đâu có nông dân, ở đó có khuyến nông”.
Để hoạt động khuyến nông được hiệu quả hơn trong thời gian tới, ông Lê Quốc Thanh mong muốn ngành nông nghiệp tỉnh Thừa Thiên – Huế tạo điều kiện, tăng cường truyền thông, tổ chức các đợt tham quan, nhằm phổ biến quy trình kỹ thuật để nhân rộng những mô hình khuyến nông hiệu quả; hình thành các tổ hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm sản xuất cũng như phát triển thương hiệu sản phẩm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm, mang lại hiệu quả kinh tế cũng như thay đổi tư duy sản xuất cho nông dân.
“Phương pháp là đưa người nông dân tiếp tục trao đổi với nhau, những người có kinh nghiệm chia sẻ với người ít có kinh nghiệm. Chính quyền địa phương tập hợp lại thành nhóm hợp tác, tổ hợp tác hoặc những HTX để lan rộng kinh nghiệm. Khi chúng ta cùng xây dựng thương hiệu chắc chắn hiệu quả sẽ tăng lên rất nhiều lần”, ông Lê Quốc Thanh, nhấn mạnh.
>> Được biết, tại Thừa Thiên - Huế, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đang đồng hành triển khai thực hiện 6 dự án khuyến nông trung ương, trong đó mô hình thủy sản: Mô nuôi cua gạch trong ao đầm gắn với liên kết tiêu thụ sản phẩm; mô hình ứng dụng công nghệ CPF trong bảo quản sản phẩm trên tàu khai thác hải sản xa bờ. Qua triển khai, các dự án đã giúp nhân dân nâng cao hiệu quả sản xuất, đồng thời góp phần chuyển đổi nền nông nghiệp từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế, lấy hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường, hướng đến nền nông nghiệp xanh, sạch.
Anh Vũ