Ý tưởng thành lập khu bảo tồn vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu được tiến hành và xây dựng từ cách đây hơn 8 năm bởi một số đơn vị như ICZM, Sở Khoa học và Công nghệ, Cục Môi trường-Bộ Tài nguyên và Môi trường nhưng đến nay, dự án này vẫn chưa thành hiện thực. Nguy cơ suy giảm nguồn tài nguyên đa dạng sinh học tại vùng này đang diễn ra từng ngày.
Nguy cơ đe dọa
Vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu là một phần của hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, nơi có tính đa dạng sinh học rất cao với hơn 900 loài động thực vật. Cửa sông Ô Lâu nằm trên địa phận 5 xã: Điền Hoà, Điền Lộc, Phong Chương (Phong Điền), Quảng Thái, Quảng Lợi (Quảng Điền). Đây là vùng giao lưu giữa nước ngọt của sông và nước lợ của đầm phá, tạo nên một hệ sinh thái đặc trưng, đa dạng các loài động thực vật. Đây cũng là nơi sinh sản của phần lớn các loài thuỷ sản có trong vùng đầm phá, và là một trong những điểm dừng chân của các loài chim di trú theo mùa. Theo thống kê, hàng năm, có khoảng 57 loài chim trú đậu. Trong đó, có 22 loài được ghi trong danh sách bảo vệ nghiêm ngặt của cộng đồng châu Âu.
Đánh bắt thủy sản bằng xung điện đã làm ảnh hưởng đến nguồn lợi thủy sản cũng như tính đa dạng sinh học của vùng
Từ năm 2004, dự án khu bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu được xây dựng với diện tích quy hoạch hơn 11.300 ha. Trong đó, vùng lõi, (vùng bảo vệ nghiêm ngặt) có diện tích khoảng 400 ha gồm đất mặt nước và đất ngập nước thảm cỏ nằm ở xã Quảng Thái và Điền Hòa; diện tích vùng đệm chiếm gần 11 ngàn ha. Tuy nhiên, mãi cho đến nay, dự án này vẫn chưa được triển khai. Do chưa được bảo tồn đúng mức, cộng với mức độ khai thác và sử dụng đất ngập nước tại Ô Lâu ngày càng gia tăng, ảnh hưởng xấu đến môi trường và đa dạng sinh học.
Theo phản ánh của người dân xã Quảng Thái, trước đây, khi chưa có chủ trương của tỉnh về thành lập khu bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu, hơn 65 ha đất tại vùng lõi khu bảo tồn được người dân canh tác để sản xuất nông nghiệp. Những năm gần đây, diện tích này bỏ hoang và được nhiều hộ dân tham gia nuôi cá lồng và đánh bắt tôm cá tự nhiên. Do vùng nuôi không được quy hoạch, nên tình trạng đánh bắt bằng xung điện, nạn săn bắt chim diễn ra nghiêm trọng. Điều này làm cho đàn chim di cư và sản lượng tôm cá tự nhiên ngày càng giảm. Chính quyền xã đã tổ chức nhiều đợt truy quét, bắt, xử phạt và tịch thu phương tiện, song tình hình vẫn không được cải thiện.
Hiện thực hóa mục tiêu bảo tồn
Người dân cũng như chính quyền các địa phương mong dự án sớm được triển khai để bảo vệ nguồn lợi thủy sản có trên cửa sông, khôi phục lại hiện trạng trước khi bị suy giảm. Về phía huyện Quảng Điền, nơi có diện tích quy hoạch vùng đất ngập nước chiếm diện tích tương đối lớn cũng đề xuất việc xây dựng khu bảo tồn để phát triển các loại hình du lịch sinh thái trong sự phối hợp chặt chẽ giữa kiến thức bản địa của người dân địa phương với tính chuyên nghiệp của các đơn vị tổ chức du lịch. Tận dụng các điều kiện thuận lợi về khí hậu, thổ nhưỡng để phát triển các loại cây trồng, vật nuôi phù hợp theo hướng sản xuất hàng hóa nhằm giảm áp lực từ việc khai thác, sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên, đồng thời làm tăng tính đa dạng sinh học trong các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp.
Việc thành lập khu bảo tồn vùng đất ngập nước cửa sông Ô Lâu, chấm dứt các hoạt động sản xuất nông nghiệp, thủy sản sẽ góp phần phục hồi sinh cảnh tự nhiên gồm đầm lầy cỏ, những thảm nước và tính đa dạng sinh học của các loài thủy sản trong vùng lõi. Bảo vệ các bãi giống, bãi đẻ của cá, tôm, các loài thủy sinh và nguồn lợi thủy sản trong vùng lõi để duy trì phát triển nguồn lợi thủy sản trong hệ đầm phá Tam Giang- Cầu Hai.
Ông Nguyễn Việt Hùng, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ Môi trường cho biết, vừa qua, Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo chiến lượt bảo tồn đất ngập nước của Việt Nam. Tổng cục Môi trường chọn Thừa Thiên Huế và Nam Định để xây dựng thí điểm bảo tồn. Điều này mở ra cơ hội cho việc bảo tồn vùng đất ngập nước trên địa bàn tỉnh, mà cụ thể là vùng cửa sông Ô Lâu. Trên cơ sở tổng hợp lại kết quả điều tra, khảo sát, quy hoạch từ 3 dự án thực hiện trước đây, Tổng cục Môi trường, Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với nhóm chuyên gia tư vấn, nhà tài trợ và các sở, ban, ngành liên quan đi đến một đề án thí điểm Khu Bảo tồn đất ngập nước cửa sông Ô Lâu.
Việc hình thành khu bảo tồn theo phương thức đồng quản lý sẽ góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng cư dân về giá trị của đa dạng sinh học, quyền lợi và trách nhiệm của người dân trong bảo vệ đa dạng sinh học. Đề án này được thực hiện sẽ giúp chính quyền địa phương tranh thủ được sự hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật để đẩy mạnh bảo tồn đa dạng sinh học, hỗ trợ xây dựng cơ sở hạ tầng, sản xuất và quản lý. Ngoài ra, lợi ích khác của nghề thuỷ sản là các đàn cá bị khai thác quá mức có thể hồi phục nếu khu vực sinh sản và kiếm ăn của chúng được quản lý tốt trong khu bảo tồn. Bên cạnh việc hỗ trợ nghề cá, khu bảo tồn đất ngập nước còn là địa điểm tốt cho du lịch, nghiên cứu khoa học, giáo dục môi trường, tạo nơi di trú cho các loài chim, thú đang nguy cấp.