(TSVN) – Các chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ đã phát triển một loại thức ăn chứa 2 hỗn hợp vi tảo biển hoàn toàn loại bỏ bột cá, dầu cá nhưng vẫn đạt hiệu quả trong việc cải thiện tăng trưởng và tiết kiệm chi phí cho người nuôi cá rô phi trên toàn cầu.
Các chuyên gia tại ĐH California Santa Cruz, Mỹ đã sử dụng hỗn hợp vi tảo làm thức ăn cho cá rô phi (Oreochromis niloticus) và so sánh với khẩu phần đối chứng chứa bột cá, dầu cá. Kết quả cho thấy, thức ăn hỗn hợp vi tảo có tiềm năng thay thế bột cá, dầu cá và kích thích tăng trưởng của vật nuôi, đồng thời đạt hiệu quả chi phí.
Thử nghiệm gồm 4 nghiệm thức, lặp lại 3 lần ở mỗi bể RAS. 480 con cá rô phi (trọng lượng trung bình 34,5 ± 2,06 g) được chia ngẫu nhiên thành các nhóm gồm 40 con/nhóm, cân trọng lượng của nhóm và chuyển vào bể nuôi. Thuần hóa cá cho quen môi trường và thức ăn công nghiệp chứa bột cá, dầu cá trong 7 ngày. Mật độ ban đầu theo mức đề xuất để tránh các stress vật lý cho cá (< 0,25 kg/gallon trong bể RAS thể tích 80 gallon). Giám sát chất lượng nước cẩn thận hàng ngày để duy trì các điều kiện thích hợp cho cá rô phi trong tất cả các bể RAS và giữ nhiệt độ nước ở mức 28,7 ± 0,25°C, pH 7,1 ± 0,1, nồng độ ôxy hòa tan ở mức 6,1 ± 0,15 mg/l, tổng ammonia nitrogen 0,26 ± 0,1 mg/l và nitrite nitrogen 0,3 ± 0,01 mg/l.
Để thử nghiệm cho ăn, các chuyên gia đã kết hợp sinh khối tảo Nannochloropsis oculata (N. oculata) tách béo thay thế các tỷ lệ bột cá khác nhau và toàn bộ tế bào tảo Schizochytrium sp để thay thế dầu cá trong 3 nghiệm thức của cá rô phi. Công thức của 3 nghiệm thức này dựa vào dữ liệu nghiên cứu về khả năng tiêu hóa của tảo trong nghiên cứu trước. So sánh 3 nghiệm thức với khẩu phần đối chứng (FMFOC) ở các tỷ lệ tương tự thức ăn công nghiệp. Tất cả các khẩu phần đều được xây dựng theo công thức iso-nitrogenous (37% protein thô) và iso-energetic (12 kJ/g).
Các khẩu phần bổ sung N. oculata tách béo thay thế bột cá ở các tỷ lệ 33% (33NS), 66% (66NS) và 100% (100NS) và khẩu phần sử dụng toàn bộ tế bào vi tảo Schizochytrium sp. để thay thế tất cả dầu cá trong các khẩu phần thử nghiệm (33NS, 66NS, 100NS). Do đó, vi tảo N. oculata lần lượt chiếm tỷ trọng 3, 5 và 8% trong thức ăn và tảo Schizochytrium sp chiếm tỷ trọng 3,2%. Cá rô phi được cho ăn 2 lần/ngày với lượng thức ăn bằng 8% trọng lượng cơ thể đến ngày 60; 6% tới ngày nuôi 121 và 4% đến ngày nuôi 183.
Sinh khối cá rô phi được đo hàng tháng. Nhóm nghiên cứu cũng lựa chọn ngẫu nhiên và cân trọng lượng 10 cá rô phi thả nuôi từ đầu thử nghiệm, sau đó tiến hành phân tích sinh hóa. Ở ngày 121, họ lấy thêm 6 mẫu cá ở mỗi bể và thêm 6 mẫu nữa vào ngày cuối cùng của thử nghiệm (ngày 185). Một nửa mẫu cá lấy vào ngày 121 và 185 được lọc fillet; số còn lại giữ nguyên con, sau đó được bảo quản để chế biến thêm.
Nhóm chuyên gia đã phát triển công thức thức ăn mới bằng cách kết hợp phụ phẩm vi tảo biển N. oculata tách béo giàu protein (50%) – phụ phẩm sau khi đã chiết xuất EPA làm thực phẩm chức năng và tảo Schizochytrium sp. giàu DHA (30%) để thay thế toàn bộ bột cá và dầu cá. Theo báo cáo trước đây, vi tảo Schizochytrium sp. là nguồn dinh dưỡng dễ tiêu hóa đối với cá rô phi và có thể thay thế toàn bộ dầu cá trong thức ăn của cá rô phi.
Các kết quả nghiên cứu đã chứng tỏ tính khả thi của việc kết hợp sinh khối vi tảo sẵn có trên thị trường hiện nay (Schizochytrium sp. và N. oculata) để xây dựng công thức thức ăn không chứa thành phần cá biển mà vẫn đạt hiệu quả chăn nuôi và chi phí. Đây cũng là báo cáo đầu tiên về việc kết hợp thành công 2 loại tảo này để thay thế toàn bộ bột cá và dầu cá trong thức ăn công thức của rô phi.
Kết hợp Schizochytrium sp. và N. oculata trong thức ăn không chứa thành phần cá biển mang lại 2 lợi ích chính. Đầu tiên, cá đạt được tăng trưởng ổn định nhờ tảo Schizochytrium sp. dễ tiêu hóa. Nếu nâng cao hàm lượng tảo Schizochytrium sp. còn cải thiện tăng trưởng, FCR và hiệu quả sử dụng protein (PER). Thứ hai, protein từ sinh khối tảo tách béo N. oculata sẽ có khả năng tiêu hóa cao nhất khi được kết hợp với vi tảo Schizochytrium sp. do vi tảo Schizochytrium sp., giải phóng và kích hoạt các enzyme tiêu hóa.
Tuấn Minh
Theo Advocate