Thúc đẩy thực hành trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

Đây là nội dung hội thảo vừa được Trung tâm Hợp tác Quốc tế Nuôi trồng và Khai thác Thủy sản bền vững (ICAFIS), Hội Nghề cá Việt Nam phối hợp Tổ chức Oxfam Việt Nam tổ chức ngày 15/7 tại Hà Nội. Hội thảo là một trong những hoạt động tăng cường sự chủ động của ngành thủy sản vào quá trình hội nhập quốc tế và phát triển bền vững.

Trong những năm gần đây, sản lượng có những bước phát triển nhanh chóng, cả khai thác và nuôi trồng thủy sản. Bên cạnh những thành quả đạt được, ngành thủy sản Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều vấn đề; trong đó nổi lên là các thách thức liên quan đến ô nhiễm môi trường, khai thác nguồn lợi quá mức, an toàn thực phẩm, an sinh xã hội, quyền và lợi ích của người lao động.

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Hợp tác quốc tế, Tổng cục Thủy sản nhận định, triển khai trách nhiệm xã hội (CSR) không chỉ mang lại lợi ích cho ngành mà còn vì mục tiêu lớn hơn là phát triển bền vững và hiểu rộng ra là giải quyết mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế và bảo vệ môi trường, đảm bảo sự công bằng giữa các thế hệ trong việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường.

Hiện nay, nhiều hệ thống chứng nhận về trách nhiệm xã hội được các khách hàng quốc tế yêu cầu đối với thủy sản Việt Nam như SA8000, BSCI, COSTCO, SMETA, METRO, WALMART, BAP, ASC… Tuy nhiên, hệ thống chứng nhận này vẫn tập trung nhiều ở các nhà máy chế biến thủy sản (khoảng 30% số nhà máy), nuôi trồng thuỷ sản và một số nội dung trong các tiêu chí của GlobalGAP, VietGAP (chiếm khoảng gần 10%), mảng khai thác thủy sản vẫn còn bỏ ngỏ và gần như chưa có thực hành về trách nhiệm xã hội.

Với sự hỗ trợ của tổ chức Oxfam Việt Nam, ICAFIS đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu về hiện trạng thực hành trách nhiệm xã hội trong khai thác thủy sản tại Việt Nam”. Việc nghiên cứu, khảo sát đã được thực hiện tại các tỉnh thành như Nghệ An, Hải Phòng, Kiên Giang, Bến Tre, Khánh Hòa, Bình Thuận.

Ông Lê Thanh Lựu, Giám đốc ICAFIS cho biết, nguồn lợi môi trường ven biển đang bị suy giảm nghiêm trọng, trong khi ngư dân đang nỗ lực “cạnh tranh” khai thác, không có khuyến khích, chế tài cho việc áp dụng các “thực hành tốt” trong khai thác, sử dụng nguồn lợi thủy sản; trách nhiệm của chủ tàu đối với người lao động chưa đầy đủ. Các mắt xích trong chuỗi cung ứng sản phẩm thủy sản khai thác không có quan hệ ràng buộc, trách nhiệm của các bên tham gia đối với nhau không nhiều. Do đó, khó lồng ghép, thúc đẩy việc áp dụng các thực hành tốt trong khai thác, dẫn đến sự lãng phí nguồn lợi, khoảng 30% khối lượng và giá trị sản phẩm khai thác bị suy giảm, hao hụt.

Trên cơ sở đó, ICAFIS đang xây dựng dự thảo Bộ nguyên tắc thực hành trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng khai thác thủy sản tại Việt Nam.

Tại hội thảo, các đại biểu đã đưa ra những thảo luận để hoàn thiện các báo cáo và bộ nguyên tắc cũng như chính sách liên quan xung quanh nội dung: Hiện trạng thực hành trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng thủy sản; Rà soát chính sách và các chương trình chứng nhận về trách nhiệm xã hội; Dự thảo bộ nguyên tắc thực hành trách nhiệm xã hội trong chuỗi cung ứng thủy sản…

Vũ Mưa

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!