Thúc đẩy tín dụng cho ngành thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Trước những khó khăn chồng chất khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh quan điểm hai bên cần lắng nghe và chia sẻ nhiều hơn. Ảnh: TTX

Lắng nghe chia sẻ của doanh nghiệp

Ngày 6/7, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với Ban Chấp hành Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) về tình hình hoạt động của hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp và các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Sau khi lắng nghe ý kiến của Hiệp hội SME, các doanh nghiệp, nhất là những trao đổi giữa Ngân hàng Nhà nước và các doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hai bên cần lắng nghe, chia sẻ nhiều hơn, tôn trọng, có trách nhiệm với nhau, cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên cơ sở quy định của pháp luật và phù hợp hoàn cảnh, tình hình. Đặc biệt, ngân hàng phải đặt mình vào vị trí các doanh nghiệp nhỏ và vừa, các doanh nghiệp vừa và nhỏ phải đặt mình vào vị trí của các ngân hàng. Với định hướng chính sách ưu tiên hơn cho mục tiêu tăng trưởng, Thủ tướng đề nghị ngành ngân hàng triển khai chính sách tiền tệ linh hoạt, nới lỏng hơn thông qua tăng cung tiền, bảo đảm nhu cầu tín dụng, tăng trưởng tín dụng phù hợp, giảm mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng cho sản xuất kinh doanh. Các bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng (miễn giảm thuế, phí, lệ phí…), kêu gọi đẩy mạnh Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc họp ngày 6/7/2023. Ảnh: TTX

Ngân hàng vào cuộc mạnh mẽ hơn

Ngày 9/6/2023, Ngân hàng Nhà nước có Công văn số 4458/NHNN-TD gửi các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố về việc triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Thông báo số 167/TB-VPCP về các giải pháp tín dụng đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.

Các tổ chức tín dụng: Ưu tiên vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; xem xét duy trì hạn mức tín dụng đã cấp cho các doanh nghiệp lâm sản, thủy sản để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất trong giai đoạn hiện nay.

Tiếp tục tiết giảm chi phí để giảm lãi suất cho vay; rà soát, xem xét miễn giảm các loại phí dịch vụ, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi và phát triển sản xuất, kinh doanh. Chủ động, linh hoạt trong việc áp dụng cơ chế bảo đảm tiền vay, đa dạng hóa các chương trình, sản phẩm tín dụng phù hợp với đặc thù hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lâm sản, thủy sản.

Khẩn trương ban hành và triển khai ngay quy định nội bộ về cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu. Ảnh: TTX

Đặc biệt, tích cực triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, không để bất cứ một doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nào thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất và có nhu cầu mà không được hỗ trợ kịp thời.

Triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung và các chương trình, chính sách tín dụng khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Phối hợp với các hiệp hội ngành hàng để thông tin về các giải pháp, chương trình, chính sách tín dụng của ngành ngân hàng cho các doanh nghiệp hội viên để các doanh nghiệp hiểu đúng về các chính sách của ngành và tham gia khi có nhu cầu. Đồng thời, phối hợp và đề nghị các hiệp hội cung cấp danh sách các doanh nghiệp là hội viên của các hiệp hội có nhu cầu vay vốn phục vụ cho sản xuất kinh doanh lĩnh vực lâm sản, thủy sản để các tổ chức tín dụng tiếp cận, nghiên cứu xem xét cho vay theo quy định.

Kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quan hệ tín dụng với khách hàng. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền báo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các cơ quan có thẩm quyền để được xem xét, xử lý.

Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố: Chỉ đạo các tổ chức tín dụng, chi nhánh tín dụng trên địa bàn ưu tiên vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng của nền kinh tế theo chủ trương của Chính phủ, đặc biệt tín dụng cho lĩnh vực lâm sản, thủy sản; xem xét duy trì hạn mức tín dụng đã giao để tiếp tục duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh cho các doanh nghiệp lâm sản, thủy sản.

Đồng thời, triển khai hiệu quả chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo quy định tại Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015 của Chính phủ và các văn bản sửa đổi, bổ sung và các chương trình, chính sách tín dụng khác theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Thực hiện nghiêm chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Chỉ thị 02/CT-NHNN ngày 23/5/2023 về tăng cường công tác tín dụng và triển khai chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư 02/2023/TT-NHNN.

Quyết liệt thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất từ nguồn ngân sách nhà nước đối với các khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP, không để bất cứ một doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nào thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất và có nhu cầu mà không được hỗ trợ kịp thời.

Mặt khác, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương tổ chức các hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp theo hình thức phù hợp để kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc và có giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp, trong đó có doanh nghiệp lĩnh vực lâm sản, thủy sản tiếp cận vốn tín dụng. Trường hợp phát sinh khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố báo cáo UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam để được xem xét, xử lý.

Vân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!