Thực trạng chuỗi giá trị Sá Sùng ở tỉnh Quảng Ninh và đề xuất mô hình liên kết có hiệu quả nhằm nâng cao giá trị của chuỗi trong thời kỳ mới (phần 2)

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Nghề khai thác, sơ chế và chế biến Sá Sùng đã có từ lâu đời ở Quảng Ninh, đây là nguồn sinh kế của một bộ phận không nhỏ người dân địa phương. Kết quả nghiên cứu chuỗi giá trị Sá Sùng cho thấy có 4 tác nhân chính tham gia vào chuỗi, trong đó hộ thu gom chiếm 61,26% tổng giá trị toàn chuỗi, ba tác nhân còn lại chiếm 38,74%.

4- Kết quả nghiên cứu và thảo luận

Như vậy, qua nghiên cứu 4 tác nhân chính tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng Sá Sùng ở Quảng Ninh, chúng tôi thấy rằng: Tác nhân người thu gom đã đạt được tỷ lệ giá trị gia tăng lớn nhất chiếm 61,26% và là tác nhân chủ yếu đóng góp GNP của ngành hàng. Tiếp sau tác nhân hộ thu gom là tác nhân hộ chế biến chiếm 17,05%, tác nhân người bán lẻ chiếm 11,31%, và cuối cùng là tác nhân hộ khai thác, đây là tác nhân đầu tiên của chuỗi giá trị nhưng lại là tác nhân cuối cùng có giá trị gia tăng thấp nhất trong toàn bộ chuỗi chiếm 10,38%.

Điều này cho thấy sự phân chia giá trị bất hợp lý giữa các tác nhân. Bởi, trong ngành hàng Sá Sùng, phần lớn giá trị nằm ở tác nhân hộ thu gom trong khi tác nhân này không làm gia tăng giá trị chủ yếu là ăn chênh lệch giá giữa người sản xuất với người bán lẻ cuối cùng. Tuy nhiên, vẫn chưa cân đối cho các tác nhân sản xuất, họ là người đâu tiên của kênh, là tác nhân đầu tiên tạo ra giá trị sản phẩm nhưng mang lại giá trị gia tăng tính/1 kg sản phẩm thấp nhất trong số các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị.

Bảng 2: Hình thành giá và giá trị gia tăng qua các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị Sá Sùng

Đvt: TR, IC, VA (Triệu đồng)


5- Đề xuất mô hình liên kết có hiệu quả trong thời kỳ mới

Những hộ khai thác và những hộ sơ chế, chế biến Sá Sùng ở địa phương phải liên kết lại với nhau bằng cách thành lập tổ đội sản xuất, cao hơn là Hợp tác xã (HTX) hoặc một loại hình doanh nghiệp ở địa phương. Các loại hình kinh doanh trên chỉ làm chức năng dịch vụ là chính.

– Nếu là tổ hợp tác/HTX thì xã viên phải là những hộ khai thác, sơ chế và chế biến Sá Sùng ở địa phương, mà nòng cốt phải là những hộ chế biến,

– Còn đối với doanh nghiệp thì người có vốn góp cao nhất sẽ là chủ, cổ đông là các hộ khai thác, sơ chế và chế biến (vốn góp bằng tiền hoặc bằng sản phẩm).

Sau khi thành lập được một loại hình kinh doanh như trên, đơn vị kinh doanh này sẽ thu mua lại toàn bộ sản phẩm Sá Sùng ở địa phương, phân loại, đóng gói và xây dựng thương hiệu riêng cho sản phẩm Sá Sùng ở địa phương, sau đó xây dựng kênh bán hàng riêng cho mình ở chợ Hạ Long TP Hạ Long, chợ Cái Rồng ở huyện Vân Đồn, chợ Móng Cái ở Thị xã Móng Cái và ở một số thành phố lớn trên toàn quốc, đặc biệt phải đưa hàng vào bán ở các siêu thị (không thông qua các đầu nậu), bán hàng qua kênh ti vi Shoping trên đài truyền hình kỹ thuật số hiện nay.

Sau khi hoạch toán sản xuất kinh doanh mỗi tháng/quí/năm, phần lợi nhuận thu được sau khi trừ các khoản phải trích nộp khác cho địa phương và đơn vị kinh doanh, phần còn lại sẽ được phân bổ đều cho các xã viên nếu là hợp tác xã, hoặc phân theo vốn góp nếu là cổ đông của loại hình doanh nghiệp. Chỉ có mô hình liên kết này mới đem lại hiệu quả kinh tế – xã hội cao nhất cho cộng đồng ngư dân làm nghề khai thác, sơ chế và chế biến Sá Sùng ở tỉnh Quảng Ninh.

6- Kết luận và kiến nghị

Qua một thời gian nghiên cứu chuỗi giá trị Sá Sùng, chúng tôi rút ra được một số kết luận sau. Có những bất hợp lý rất lớn về việc phân bổ giá trị, phần lớn giá trị tập trung ở hộ thu gom chiếm 61,26%, phần còn lại được phân bổ đều cho các tác nhân khác. Đây là tác nhân không làm gia tăng giá trị sản phẩm, phần lớn giá trị gia tăng là do ăn chênh lệch giá giữa người chế biến với người bán lẻ cuối cùng.

Có quá nhiều các tác nhân tham gia vào chuỗi giá trị ngành hàng Sá Sùng, mọi tác nhân đều không có tư cách pháp nhân. Giữa các tác nhân mối liên kết còn lỏng lẻo. Các nguồn thông tin đến với các tác nhân đều không chính thống. Mức độ quan hệ của tác nhân người sản xuất với các tác nhân khác còn không thường xuyên đồng nghĩa với sản xuất Sá Sùng còn chưa gắn kết thường xuyên với thị trường.

Kết cấu tổ chức của chuỗi giá trị là các tác nhân phụ thuộc nhau. Tuy nhiên trên thực tế, chuỗi giá trị ngành hàng Sá Sùng hoạt động của mỗi tác nhân gần như tách biệt với nhau, chỉ quan tâm đến lợi ích trước mắt, không có sự hợp tác với nhau về lâu dài.

Về thương hiệu và chất lượng sản phẩm Sá Sùng, mục tiêu chính của chuỗi giá trị chính là giá trị của thương hiệu và chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, trong chuỗi giá trị ngành hàng Sá Sùng, vấn đề thương hiệu và chất lượng sản phẩm chưa được coi trọng, trong quá trình mua bán, chất lượng Sá Sùng chỉ được đánh giá bằng cảm quan, chưa có sự ràng buộc trách nhiệm cụ thể giữa các tác nhân, chưa quan tâm đến thị hiếu người tiêu dùng.

Kiến nghị

Để nâng cao giá trị của chuỗi và nâng cao giá trị cho bản thân những hộ khai thác, sơ chế và chế biến Sá Sùng ở tỉnh Quảng Ninh, các hộ cần phải liên kết lại với nhau, phải xây dựng được thương hiệu và kênh bán hàng Sá Sùng riêng và bỏ qua khâu trung gian thu gom như hiện nay. Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự hỗ trợ của Tổng cục Thủy sản, của tỉnh về vốn, nguồn nhân lực, các thủ tục pháp lý… thì mô hình liên kết kiểu mới sẽ thành công, góp phần nâng cao đời sống và thu nhập cho một bộ phân không nhỏ người dân nghèo sống quanh các bãi Sá Sùng ở ven biển đảo của tỉnh Quảng Ninh. Và nếu mô hình thành công, có thể nhân rộng mô hình cho các sản phẩm thủy đặc sản khác trên toàn quốc. Đây sẽ là một hướng đi mới và hiệu quả cho ngành thủy sản nói chung và ngành hàng Sá Sùng nói riêng trong thời gian tới.

 

7- Lời cảm ơn

Nhóm tác giả thực hiện xin gửi lời cảm ơn chân thành tới Vụ Khoa học Công nghệ và Hợp tác Quốc tế, Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản đã tạo điều kiện cho chúng tôi thực hiện nghiên cứu này. Cảm ơn Chi cục Nuôi trồng Thuỷ sản, phòng Nông nghiệp huyện Vân Đồn, Uỷ ban Nhân dân xã Đông Xá, xã Quan Lạn tỉnh Quảng Ninh đã giúp đỡ nhóm thực hiện đề tài trong việc cung cấp số liệu, hướng dẫn nhóm khảo sát tiếp cận địa bàn nghiên cứu và phỏng vấn những người có liên liên tham gia vào chuỗi giá trị Sá Sùng.

 

8- Tài liệu tham khảo

1- Fresh Studio Innovations asia, “Tài liệu chương trình tập huấn phân tích chuỗi gía trị rau ở tỉnh Hưng Yên”.

2- Fresh Studio Partnars, Marije Boomsma và cộng cộng sự, “Để chuỗi gía trị hiệu quả hơn cho người nghèo”.

3- Viện Phát triển Đồng bằng Sông Cửu Long (2008), Phân tích chuỗi giá trị cá tra ĐBSCL”.

4. Luận văn thạc sỹ kinh tế,  “Nghiên cứu chuỗi giá trị ngành hàng cá tra tại tỉnh Đồng Tháp”, Trường Đại học Cần Thơ năm 2007.

5. Luận văn thạc sỹ kinh tế, chuyên ngành kinh tế nông nghiệp “Nghiên cứu chuỗi giá trị ngành hàng rau cải bắp” tại huyện Văn Lâm tỉnh Hưng Yên, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội năm 2008.

6. Quỹ MISPA, “Phân tích chuỗi giá trị, lý thuyết và kinh nghiệm từ nghiên cứu ngành chè ở Việt Nam”.

7. Chương trình phát triển MPI-GTZSME, “Phân tích chuỗi giá trị bơ tỉnh Đắk Lắk”.

8. Tiến sỹ Chu Tiến Quang, trưởng ban Chính sách phát triển nông thôn, “Một số vấn đề về chuỗi giá trị nông sản toàn cầu”.

9. “Hội thảo chuỗi giá trị trong chăn nuôi và an toàn thực phẩm”, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và đại sứ quán vương quốc Hà Lan tổ chức ngày 31/3/2011 tại TP HCM.

Nguyễn Tiến Hưng

Viện Kinh tế và Quy hoạch thủy sản

 tienhung_vifep@yahoo.com.vn

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!