T2, 06/07/2020 12:06

Thúng chai tản mạn

Chưa có đánh giá về bài viết

Không biết trên thế giới có ngư dân nước nào sử dụng thúng chai đi biển không, nhưng với ngư dân miền Trung ra biển không có chiếc thúng chai thì ngang với… cụt tay.

Cái thứ tròn xoay mới nhìn thấy rất… vô lý, không khí động học gì cả, nhưng động gặp sóng gió mới thấy nó hay. Sóng đánh ngược xuôi gì cũng mặc, cứ gật gù mà ngồi trên sóng. Khó lật được nó lắm, mà nếu có bị lật thì ngay giữa sóng gió một người thôi cũng là đủ để lắc vài cái rồi có thể trèo lên ngồi lại, tiếp tục cưỡi sóng như đùa vậy. 

Ra biển khi một tàu lớn chạy tạt ngang, thuyền dài nhỏ rất dễ “uống nước” nhưng thúng chai vẫn bồng bềnh. Có mái chèo đi, không mái chèo cũng vẫn… đi. Đi theo kiểu lắc, như mấy cô gái tuổi đôi mươi lúc lắc cái hông cho xung quanh tròn xoe mắt nhìn mà ngưỡng mộ vậy. Muốn lắc thúng, hai chân đứng vững ở bụng thúng, hai tay nắm chặt vành thúng, người hơi chồm về hướng cần đến, mông và hai vai lắc mạnh, lượn theo nước mà nhịp nhàng lướt tới. Lắc thúng chai mê lắm, nếu quen thì không mệt, lại thêm dẻo. Chèo thúng chai cũng theo một kiểu lạ, khác hẳn chèo thuyền. Mái chèo cắm thẳng xuống nước… nguẩy nguẩy, nhìn như đùa mà chạy nhanh đáo để.

thúng chai tản mạn

Thúng chai – vật bất ly thân của các tàu cá

Có người ví thúng chai là “trí khôn biển Việt”, một phương tiện đặc trưng trong khai thác thủy sản của ngư dân Việt Nam. Thúng chai có vai trò như là “cánh tay” của ngư dân, thuyền “con” của thuyền “mẹ” nên luôn là vật bất ly thân của các tàu cá. Riêng tàu đánh bắt xa bờ phải thường trực 5 – 10 thúng chai, nó cũng là phương tiện thoát hiểm hữu hiệu khi tàu có sự cố. Trên biển khi sóng đến cấp 5 thì loại thuyền dài dưới 10 mét coi như… cái lá, sóng quật cho lăn lóc. Riêng cái thúng chai thì không đầu, không đuôi cũng chẳng thân, sóng đánh hướng nào cũng là thuận, hất lên lại tụt xuống, như quả bóng trên sóng vậy. Khi dông bão, thuyền gặp nạn giữa biển khơi, thuyền khác đến cứu, đố dám cặp mạn, cách hữu hiệu nhất là chiếc thúng, chuyền sang nhau.

Vào các đảo đá nổi chìm ở Hoàng Sa, Trường Sa, không gì bằng thúng chai. Khó nhất là vượt lớp sóng ở chân đảo. Đảo đá, thành dựng đứng, sóng vỗ vào dội ngược ra, với tàu thuyền thông thường qua lớp sóng này không khác gì vượt cửa tử, còn thúng chai thì vô. Cứ dập dềnh vài cái là qua, như trò đùa vậy. Qua lớp sóng bìa đảo đến lớp đá dài hàng cây số lởm chởm, với ca nô hay thuyền nhỏ xoay sở để không mắc, không va đến vỡ, thủng cũng không dễ còn cái thúng thì… cứ xoay xoay lắc lắc, dích dắc mà đi. Chặng đường chinh phục biển khơi của ông cha ta, chiếc thuyền mê nan, chiếc thúng chai như là đặc hữu để vào được các đảo nhỏ ở Hoàng Sa, Trường Sa. Không biết các nước khác khi “đòi” Hoàng Sa, Trường Sa họ có chỉ ra được cách ngư dân nước họ vào đảo thế nào không, chứ ngư dân Việt cái thúng chai là đủ để bất kỳ ai cũng phải tâm phục khẩu phục. Nó như minh chứng sống về phương tiện, công cụ lao động đặc hữu trên những vùng biển đảo đầy sóng gió và đá ngầm này.

thuyền thúng là phương tiện lao động đặc hữu trên những vùng biển đảo đá ngầm

Thuyền thúng – phương tiện lao động đặc hữu trên những vùng biển đảo đầy sóng gió và đá ngầm – Ảnh: Xuân Trường

——-

Thúng chai hiện diện lần đầu tiên trên đất Thái Lan cuối năm 2011, trong đợt lũ lụt kéo dài lịch sử ở nước này. Ông Võ Văn Kin (Năm Kin, 55 tuổi, ở phường 6, Tuy Hòa, Phú Yên) là người đưa nó vào đất Thái.

Nguyên cớ đi Thái của ông Kin là từ một người thông gia trong họ, thạc sĩ Ngô Văn Thanh (tư vấn Công ty Đông Dương, TP Hồ Chí Minh). Ông Thanh cũng là người Phú Yên, từng nhiều năm du học tại Thái Lan và hiện có nhiều người bạn là trí thức, doanh nhân Thái đang làm việc tại Việt Nam.

Có mặt tại thủ đô Bangkok, Năm Kin bắt tay ngay vào việc “biểu diễn” thúng chai tại cơ quan đăng kiểm Thái Lan, sau đó là tại Hội Chữ thập đỏ Bangkok, “cầm tay chỉ việc” cho hàng loạt “cán bộ” và ngư dân Thái,… Lúc nào thúng chai và Năm Kin xuất hiện là người xem như hội, cổ vũ như… bóng đá quốc tế! Nhiều nhân viên Chính phủ và người dân Thái đã lần lượt leo lên… thử thúng và xin chụp ảnh với “ngôi sao” ngư dân Việt! Riêng cái vụ… lắc là khó à nghen(!), ông phải tập đi tập lại nhưng chỉ một số ngư dân mới làm theo “tạm ổn”. Thế là sau đó, thúng chai vào cuộc chống lũ lụt trên đất Thái…

Mới đây, thúng chai lại được dịp “thăng hoa” khi có người đặt hàng cùng lúc 200 chiếc để đi Tây Âu. Bà Nguyễn Kim Thoa, một người làm du lịch tại TP Hồ Chí Minh, cho biết: cũng là cái duyên khi thành người “mai mối” cho thương vụ thúng chai đi Thụy Sĩ, khi một người bạn châu Âu “am hiểu sông nước” đã nhờ tìm mua thúng chai cho một… triển lãm văn hóa.

thúng chai làm bạn ngư dân

Khi cô đơn vào biển đêm, người ngư dân còn chiều thúng chai làm bạn – Ảnh: Xuân Trường

Theo bà Thoa, cơ duyên bắt đầu khi giữa tháng 9/2011, Thụy Sĩ và Việt Nam cùng tổ chức Kỷ niệm 40 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao (1971 – 2011). Dịp này, ở thành phố Zurich (Thụy Sĩ) có tổ chức một Hội chợ làng nghề thế giới; và “đại biểu” thúng chai Việt đã được mời tham gia. Tại đây, một nghệ nhân Việt Nam đã biểu diễn sản xuất và lắc thúng chai. “Thế là bỗng nhiên khách khứa tại hội chợ đều “mê tít” từng chi tiết của việc làm ra và sử dụng loại “thuyền tròn” kỳ diệu này. Và đợt đặt hàng này là kết quả của ý tưởng nhiệt huyết của những người bạn Thụy Sĩ làm văn hóa, du lịch…” – bà Thoa nói.

Liên tiếp trong các năm qua, làng nghề thúng chai ở Tuy An đã nhận được đơn đặt hàng từ Thái Lan và Thụy Sĩ. Thế là thúng chai được dịp xuất ngoại. Đơn giản nhưng tràn nội lực, hình ảnh thúng chai đang dần lan tỏa như là một vị “đại sứ” đầy quyến rũ của biển Việt.

Ra biển khi một tàu lớn chạy tạt ngang, thuyền dài nhỏ rất dễ “uống nước” nhưng thúng chai vẫn bồng bềnh. Có mái chèo đi, không mái chèo cũng vẫn… đi. Đi theo kiểu lắc, như mấy cô gái tuổi đôi mươi lúc lắc cái hông cho xung quanh tròn xoe mắt nhìn mà ngưỡng mộ vậy.

Hùng Phiên

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!