T2, 06/07/2020 09:50

Thuốc nổ – sự hủy diệt tàn khốc

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Nhiều ngư dân ở Quảng Ngãi vẫn sử dụng thuốc nổ đánh cá. Hút nguồn thuốc nổ ở mọi miền đổ về, dần dần, Quảng Ngãi trở thành cái rốn thuốc nổ của cả nước.

Phát hỏa diệt cá

Cách đây gần 10 năm, tổng số tàu thuyền sử dụng thuốc nổ đánh cá của huyện đảo Lý Sơn trên 30 chiếc, xã Bình Châu huyện Bình Sơn khoảng 4 chiếc (chưa tính một số thuyền hành nghề không chuyên nghiệp, đánh cá gần bờ).

Hiện nay cả đảo Lý Sơn có trên 100 chiếc. Số lượng tàu cá sử dụng chất nổ đánh cá vẫn đang tiếp tục tăng, công suất và tải trọng gấp 3 lần các tàu thuyền trước đây.

Một chiếc tàu cá sử dụng chất nổ thường nhổ neo và mang theo số lượng từ 150 – 200 kg chất nổ. Sau cuộc hành trình kéo dài hàng tháng trời, những chiếc tàu cá trở về lặc lè từ 15 – 20 tấn cá. Bình quân, mỗi năm đoàn tàu này đánh bắt gần 20 ngàn tấn cá.

Ra khơi bám biển, ngư dân cần tuyệt đối không sử dụng chất nổ để khai thác thủy sản     Ảnh: Thanh Nhã

Thuốc nổ đánh cá được ngư dân phân loại – đứng hàng đầu là thuốc bom xanh, kế đến là thuốc đạn pháo đỏ. Thuốc nổ TNT cực mạnh, nhưng xuống nước thì không hiệu quả, lượng cá chết ít, do lực nổ hắt thẳng lên trên. Còn thuốc bom nổ hắt ra bốn phía gây ra một lực ép lớn, làm cá trốn trong tất cả các gành đá gần đó phải nổi đầu, nổ mắt, xẹp bụng.

Khi ra biển, mỗi thuyền cử vài ngư dân trẻ tuổi làm nhiệm vụ dòm cá. Trên thúng, họ đeo gương, cúi gập người quan sát luồng cá dưới nước. Số lượng, độ sâu, loại cá chịu thuốc mạnh hay yếu… Sự ước lượng của những ngư dân vụ dòm cá được coi là yếu tố thành, bại của một phiên biển.

 

“Tim 2 đốt… trái 1 kg…”

 Sau hiệu lệnh của thợ dòm cá, trái thuốc nổ được thảy ngay xuống biển, một cột nước dựng lên với tiếng nổ trầm đục như phá vỡ lòng đại dương. Tất cả ngư dân trên thuyền ôm vợt lao xuống biển xúc cá.

Nhiều ngư dân cho biết, cá bị thuốc nổ thường nổi lừng lững rồi nhanh chóng chìm xuống, gặp hôm có luồng nước chảy, ngư dân quơ vợt thiện xạ, nhưng cũng chỉ vớt được khoảng 30%. Số cá còn lại tan xương nát thịt, quặt quẹo trôi theo dòng nước.

 Thuốc bom xanh

 

Thuốc nổ trăm nẻo

Để có đủ nhu cầu về thuốc nổ, nhiều đối tượng trên đất liền đã lập hẳn các đường dây với hàng trăm chân rếp đi thu gom. Do cung vượt cầu và thuốc nổ dần khan hiếm, giá thuốc nổ cứ thế leo thang từng năm và không bao giờ hạ: 35.000- 65.000 đồng/kg… hiện nay, thuốc nổ đang được bán với giá đỉnh: 350.000 đồng/kg.

Một chiếc thuyền sử dụng thuốc nổ, mỗi phiên biển chi khoảng 70 triệu đồng để mua tương đương 200 kg thuốc nổ. Do phí tổn cao nên các ngư dân ngày càng có cách đánh bắt chuyên nghiệp hơn để ít tốn thuốc nổ nhưng cá chết nhiều.

 

“Thằng nhóc” và “đại bác”

Đó là tiếng lóng của dân sử dụng chất nổ đánh cá. Đối với những ngư dân chuyên sử dụng chất nổ gần bờ. Họ chủ yếu sử dụng loại mìn “thằng nhóc”. Đó là các lon bò húc, lon bia được nhồi thuốc nổ, gắn kíp và dây cháy chậm, trọng lượng “sản phẩm” khi “ra lò” thường nặng trung bình từ 2,5 – 3 lạng.

Còn “đại bác” là loại mìn sử dụng cho dân chuyên nghiệp đánh cá ngoài khơi. Thuốc nổ loại này thường được dồn vào vỏ lon nhớt Castrol, trọng lượng trung bình trên 1 kg. Một số quả được dồn vào vỏ thùng nhớt 5 lít dùng cho ô tô, trọng lượng quả phá lên đến 5 kg. Loại “đại bác” cỡ bự này được ngư dân thảy xuống các đảo ngầm có luồng cá dày đặc.

Cách đây hàng chục năm, khu vực các đảo đá ngầm gần quần đảo Hoàng Sa là ngư trường chính. Tuy nhiên, môi trường đã mau chóng bị tàn phá, ngư dân đổ xô ra oanh tạc tại quần đảo Trường Sa.

Sau khoảng 5 năm tàn phá môi trường ở khu vực Trường Sa, lượng cá đã bị hủy diệt phần lớn. Hiện nay, số tàu thuyền này tiếp tục “ào” ra khu vực gò mới cách quần đảo Hoàng Sa 180 hải lý về phía Đông. Để hành trình đến được địa điểm này, ngư dân phải nổ máy chạy không nghỉ 5 ngày 5 đêm.

Sinh nghề tử nghiệp. Ngoài tác hại huỷ diệt môi trường, các ngư dân làm nghề này luôn phải đối mặt với “thằng nhóc” và “đại bác” mỗi khi nó giở chứng. Đó là nhiều trường hợp luồng cá bơi sát mặt nước, buộc trái thuốc nổ phải “bung” ở độ sâu cách mặt nước vài gang cho đỡ tốn kém. Trong những trường hợp trên, số ngư dân dòm cá hô: tim nửa đốt (nửa đốt ngón tay), trái một kg.

Nhiều ngư dân làm nhiệm vụ phát hỏa đã lóng ngóng với những tình huống này, vì phải chờ cho tim cháy sát miệng kíp mới thảy quả nổ xuống nước. Nhưng đến giây phút quyết định thì tay lại cứng đờ, mặc cho số ngư dân xung quanh run lẩy bẩy hét: Ném đi…ném đi. Kết cục là quả nổ khạc lửa, thịt xương bay tung tóe.

Một số trường hợp tử nạn khác do ngư dân lặn dưới nước chưa kịp ngoi lên, trên thúng đã thảy tiếp quả nổ xuống. Vậy là người dưới nước hộc máu, bỏ mạng, phải ướp đá để chờ ngày đủ tổn mới vào bờ.

Nhiều đối tượng buôn bán chất nổ đang bóc lịch trong nhà tù, khoảng vài chục ngư dân bỏ mạng vì thuốc nổ trong những năm gần đây. Tuy nhiên, lợi nhuận quá cao và khai thác dễ dàng từ nghề này, nên các ngư dân tiếp tục vay mượn, hùn hạp đóng thuyền ra khơi với hàng trăm kg thuốc nổ. Tiền họ kiếm được chỉ cho riêng bản thân, nhưng môi trường biển bị hủy diệt tàn khốc.

 

>> Năm 2007, Công an tỉnh Bình Định đã bắt vụ buôn bán thuốc nổ lớn nhất từ trước đến nay, do các đối tượng người Lý Sơn dùng thuyền vận chuyển từ tỉnh Bình Định ra đảo. Tang vật thu giữ trên 1.300 kg chất nổ.

Từ năm 1996 đến 2007, Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi đã bắt giữ, điều tra, xử lý trên 100 vụ có liên quan đến gần 350 đối tượng buôn bán chất nổ. Tang vật thu giữ gần 13.000 kg thuốc nổ, gần 2.500 kíp nổ, trên 3.000 mét dây cháy chậm, 17 đầu đạn 105 ly, 25 quả đạn cối 60 ly; khởi tố 49 vụ án hình sự, 74 đối tượng.

    HẢI ĐOAN

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!