(TSVN) – Sáng 2/4, Trường Đại học Luật Hà Nội đã tổ chức buổi lễ trao bằng tiến sĩ cho nghiên cứu sinh, bằng thạc sĩ cho học viên cao học tốt nghiệp năm 2021. Trong đó, Nghiên cứu sinh Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) đã vinh dự được trao bằng Tiến sĩ với đề tài “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và phát luật Việt Nam” thuộc chuyên ngành Luật Hiến pháp và Luật Hành chính.
Tham dự buổi lễ có TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng nhà trường, PGS.TS Vũ Thị Lan Anh, Phó hiệu trưởng, cùng đông đảo các vị quang khách các thầy, cô giáo giảng dạy và hướng dẫn cho nghiên cứu sinh.
Thượng tọa Thích Chân Quang nhận bằng Tiến sĩ Luật
Phát biểu tại Lễ trao bằng, TS Chu Mạnh Hùng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng nhà trường gửi lời chúc mừng tới toàn thể các tân tiến sĩ và cảm ơn các tân tiến sĩ đã lựa chọn Trường Đại học Luật Hà Nội là nơi học tập và nghiên cứu. Sau một thời gian dài nghiên cứu với nhiều nỗ lực của cả thầy và trò, kết quả hôm này là phần thưởng xứng đáng dành cho các thầy giáo, cô giáo và các tân tiến sĩ. Có được học vị mới sẽ là động lực mới, hành trang mới giúp các tân tiến sĩ thuận lợi hơn trong nghiên cứu khoa học và trong công tác. Sự thành công của các tân tiến sĩ cũng là thành quả, niềm tự hào của Trường Đại học Luật Hà Nội. Mong rằng, các tân tiến sĩ sẽ ứng dụng và phát huy những kiến thức đã được lĩnh hội vào quá trình công tác, phục vụ tốt nhất cho công việc và sự phát triển của đất nước.
Thượng tọa Thích Chân Quang phát biểu tại buổi lễ
Phát biểu tại buổi lễ, TS Vương Tấn Việt cảm ơn quý thầy cô giáo đã cung cấp kiến thức uyên bác cho các nghiên cứu sinh; cùng đó, mong muốn trong thời gian tới sẽ tiếp tục học tập nghiên cứu đóng góp vào học thuật pháp lý của nước nhà. Tân tiến sĩ cũng mong Trường Đại học Luật Hà Nội đưa song ngữ vào giảng dạy để thu hút sinh viên nghiên cứu sinh trên thế giới đến Việt Nam để học tập.
Được biết, đề tài “Nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và phát luật Việt Nam” của TS Vương Tấn Việt đã làm rõ những vấn đề lý luận cũng như thực trạng của nghĩa vụ con người trong pháp luật hiện hành, đề xuất các giải pháp hoàn thiện và cơ chế bảo đảm thực thi nghĩa vụ con người trong pháp luật quốc tế và pháp luật Việt Nam. Bản Luận án Tiến sĩ này cũng nhận được sự đánh giá cao của 7 thành viên trong Hội đồng chấm Luận án và nhiều ý kiến biểu dương của các chuyên gia.
PV