Thủy lợi cho thủy sản: Cần thay đổi tư duy

Chưa có đánh giá về bài viết

Tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản (NTTS) Việt Nam rất lớn, hiệu quả sản xuất cao; nhiều vùng đã được xây dựng thành khu vực NTTS tập trung. Tuy nhiên, thủy lợi chưa theo kịp sự phát triển ngày càng nóng của thủy sản.

Nước, điện là những yếu tố quan trọng trong nuôi tôm – Ảnh: Thanh Ngân

Ông Lương Ngọc Lân, Giám đốc Sở NN&PTNT Bạc Liêu: Thiếu nguồn vốn đầu tư thủy lợi

Tại Bạc Liêu, nhiều hệ thống kênh, cống thoát nước còn bộc lộ bất cập khi đưa vào sử dụng. Hơn nữa, Bạc Liêu là vùng đất thường xuyên có phù sa bồi đắp nên các cửa sông thường bồi lắng và phải nạo vét thường xuyên. Những năm qua, Bạc Liêu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng cho các công trình thủy lợi. Nhưng sự đầu tư đó chưa thấm vào đâu so với nhu cầu thực tiễn. Nhiều vùng sản xuất, nuôi trồng vẫn còn tình trạng thiếu nước, nông dân không thể chủ động trong sản xuất mùa vụ. Điều quan trọng nhất trong thủy lợi phục vụ nuôi tôm hiện nay là nguồn vốn cho đầu tư xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện hệ thống đê điều, kênh, mương… Do đó, rất cần sự đầu tư của Nhà nước cùng với việc tăng cường, phát huy vai trò người dân trong phát triển thủy lợi. Đây là giải pháp hàng đầu cho phát triển sản xuất nông nghiệp và NTTS hiện nay.

 

Ông Dương Nghĩa Quốc, Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp: Huy động nhiều đơn vị tham gia

Những năm qua, địa phương tích cực đầu tư vốn thực hiện nạo vét kênh, mương, xây đắp bờ đê ngăn xói mòn…, nên giá trị từ thủy sản ngày càng cao, nhất là với tôm càng xanh, một trong những thế mạnh hàng đầu tại Đồng Tháp. Mô hình tôm sinh thái (tôm – lúa) đang được triển khai có hiệu quả. Quá trình chuyển đổi cơ cấu, cây trồng vật nuôi đã mang lại hiệu quả, nhưng hệ thống thủy lợi chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất; cơ sở còn yếu kém. Để tạo thuận lợi cho NTTS nói chung, con tôm nói riêng, các ngành chức năng địa phương đã huy động nguồn vốn tại chỗ cùng sự hỗ trợ từ trung ương; đồng thời, huy động sự đóng góp của người dân. Cùng đó, đẩy mạnh xây dựng đê bao, hệ thống giao thông nội đồng phục vụ nuôi tôm và sản xuất lúa.

 

Ông Mai Anh Nhịn, Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang: Chú trọng hệ thống thủy lợi mặn

Khó khăn nhất hiện nay trong phát triển nuôi tôm công nghiệp ở Kiên Giang là hệ thống thủy lợi mặn chưa đáp ứng nhu cầu nhưng lại thiếu vốn đầu tư xây dựng. Hệ thống cống ngăn mặn đê biển nhiều nơi chưa được xây dựng, nhiều vùng nuôi tôm công nghiệp chưa có hệ thống thủy lợi. Hệ lụy là nguồn nước mặn bị suy giảm, ô nhiễm do mất khả năng làm sạch tự nhiên dẫn đến tôm nuôi dễ phát sinh dịch bệnh và chết. Vì vậy, năng suất tôm bình quân chỉ khoảng 10 tấn/ha/năm. Cùng đó, vốn đầu tư cho thủy lợi chung của tỉnh hằng năm từ các nguồn hơn 200 tỷ đồng, mới đáp ứng được khoảng 50 – 60% nhu cầu nạo vét kênh mương, thiếu vốn xây dựng mới. Trong khi đó, để có hệ thống thủy lợi đồng bộ phục vụ trồng lúa, nuôi tôm cần hàng ngàn tỷ đồng, vượt khả năng của tỉnh. Tình trạng tôm bệnh và chết đầu vụ, nhất là những tháng mùa khô chưa có giải pháp khắc phục hữu hiệu, gây thiệt hại nặng về kinh tế nên nông dân chưa mạnh dạn đầu tư nuôi tôm quy mô lớn. 

Do vậy, tỉnh đã huy động các nguồn lực từng bước đầu tư xây dựng đồng bộ hệ thống thủy lợi mặn ở những vùng quy hoạch nuôi tôm công nghiệp. Trong đó, chú trọng đầu tư đường ống dẫn nước từ biển vào ao tôm, đảm bảo có nguồn nước sạch; đầu tư lưới điện 3 pha, sản xuất con giống chất lượng cao gắn với tăng cường kiểm tra, kiểm soát nguồn giống nhập vào tỉnh, đào tạo cán bộ kỹ thuật chuyên ngành thủy sản, đẩy mạnh khuyến ngư, nghiên cứu khoa học, nhằm tìm ra những giải pháp hữu hiệu khắc phục tình trạng tôm nhiễm bệnh và chết.

 

Ông Châu Công Bằng, Phó giám đốc Sở NN&PTNT Cà Mau: Xây dựng hạ tầng thủy lợi phù hợp

Qua thời gian quy hoạch và sản xuất, thực tế Tiểu vùng 17 và 18 Nam Cà Mau không sản xuất được lúa trên đất nuôi tôm, mà chỉ chuyên nuôi tôm nên quy hoạch thủy lợi đang bộc lộ nhiều bất cập; bởi việc cấp thoát nước không nhanh và thuận lợi cho việc nuôi tôm, nhất là nuôi tôm công nghiệp. Những công trình thủy lợi ở ĐBSCL được đầu tư vừa qua chủ yếu đáp ứng nhu cầu tưới tiêu trong trồng trọt, trong khi các địa phương lại đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu sản xuất sang NTTS nên hệ thống thủy lợi chưa hoàn chỉnh và phù hợp, kéo theo dịch bệnh tôm ngày càng nhiều.

Sở NN&PTNT, chính quyền địa phương phối hợp các ngành chức năng tiếp tục nghiên cứu kỹ quy hoạch tổng thể toàn vùng. Đầu tư phải mang lại hiệu quả thiết thực, tính khả thi phải cao, công trình nào xuất hiện yếu tố lãng phí thì phải dừng ngay. Đối với hệ thống thủy lợi phục vụ NTTS, ưu tiên hoàn thiện các công trình bảo đảm cấp thoát nước, kiểm soát mặn xâm nhập, trữ nước ngọt; trong đó, xây dựng hệ thống thủy lợi vừa có thể lấy nước ngọt trồng lúa vừa có thể lấy nước mặn để nuôi tôm (ở vùng tiếp giáp mặn – ngọt). Xây dựng hệ thống thủy lợi vùng nước lợ bảo đảm lấy đủ nước mặn phục vụ nuôi thủy sản trong mùa khô, cung cấp đủ nước ngọt và thoát nước, tiêu úng trong mùa mưa. Hệ thống thủy lợi ở vùng nước mặn cần có thêm đê biển, đê cửa sông, công trình dưới đê bảo đảm an toàn cho vùng nuôi ven biển, tránh thiệt hại do triều cường, sóng biển, bão. Do vậy, cần được nghiên cứu, đánh giá, phân tích kỹ cho từng địa bàn, từng vùng trước khi thực hiện để tránh lãng phí.

>> Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát: Vấn đề của đầu tư thủy lợi là phải gắn với thủy sản, quan tâm ứng dụng khoa học kỹ thuật để giảm chi phí. Yêu cầu Tổng cục Thủy lợi hoàn thành Đề án tái cơ cấu trong tháng 2/2014 để phối hợp với chăn nuôi, trồng trọt, lâm nghiệp, thủy sản, tạo sức chuyển biến đồng bộ. 

Linh Chi (Ghi)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!