Thông tin từ Hội nghị Tổng kết ngành thủy sản năm 2014 và triển khai kế hoạch năm 2015 vừa qua tại Hà Nội cho thấy, giá trị xuất khẩu thủy sản đã đạt mức kỷ lục trong những năm vừa qua, với trị giá gần 8 tỷ USD. Đây là nỗ lực của toàn ngành cũng như là tiền đề cho thủy sản Việt Nam bứt phá hơn nữa trong năm 2015.
Vượt rào cản tới thành công
Theo Tổng cục Thủy sản, năm qua, mặc dù phải đối mặt với các khó khăn thách thức về thời tiết, dịch bệnh, các rào cản thị trường cùng những biến động trên Biển Đông nhưng ngành đã vượt qua nhiều khó khăn và giành thắng lợi lớn trên mọi lĩnh vực.
Nuôi trồng thủy sản tiếp tục tăng, có sự chuyển dịch khá rõ nét trong điều chỉnh cơ cấu giữa các đối tượng nuôi (nhất là đối với tôm thẻ chân trắng và tôm sú), phát huy được thời cơ, lợi thế của sản xuất tôm của Việt Nam và các nước. Để hoạt động khai thác hải sản đạt hiệu quả cao, công tác điều tra, đánh giá nguồn lợi hải sản, giảm tổn thất sau khai thác… đã được chú trọng. Đặc biệt, Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản đã tạo tiền đề cho thực hiện chính sách lớn về phát triển thủy sản để khai thác hiệu quả nguồn lợi, phục vụ phát triển kinh tế xã hội và nâng cao thu nhập cho ngư dân.
Tôm trở thành “điểm sáng” của ngành thủy sản năm 2014 – Ảnh: Diệu Lữ
Đánh giá kết quả hoạt động của ngành thủy sản, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhận định, Tổng cục Thủy sản đã có nhiều hoạt động tích cực thực hiện tái cơ cấu ngành, không chỉ xây dựng chương trình chính sách mà cả khi thực hiện bằng những việc làm cụ thể: Khẩn trương phối hợp với các cơ quan đề xuất những chính sách, giải pháp sát thực tế; Hình thành và vận hành lực lượng kiểm ngư – thực thi pháp luật trên biển, đồng thời bảo vệ ngư dân khai thác; Phối hợp tháo gỡ kịp thời những khó khăn về thị trường, kiềm chế dịch bệnh… tạo điều kiện phát triển thủy sản nói chung, đặc biệt là con tôm.
Bên cạnh vai trò của người dân, chính quyền địa phương trong nuôi trồng, chế biến, xuất khẩu… là sự đóng góp to lớn của của cơ quan quản lý – Nhà nước, bộ, ban ngành đã tạo hành lang pháp lý, kiểm soát dịch bệnh trên tầng vi mô, đàm phán chính phủ các nước về những vướng mắc…
Chưa hết khó khăn
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Phạm Anh Tuấn nhận định, bên cạnh những thành tựu khả quan của toàn ngành trong năm qua, thì vẫn còn đó những bất cập nhất định về cơ sở hạ tầng phục vụ nuôi trồng thủy sản còn chưa theo kịp thực tế phát triển sản xuất; dịch bệnh trong nuôi tôm, cá tra, ngao, tu hài…; tuy đã được kiểm soát tốt hơn nhưng nguy cơ bùng phát bệnh còn rất cao; kiểm soát chất lượng giống, vật tư đầu vào còn hạn chế, gây nguy cơ mất an toàn, giảm hiệu quả sản xuất. Bên cạnh đó, công tác giảm tổn thất sau thu hoạch trong khai thác hải sản chuyển biến chưa nhiều, chất lượng sản phẩm thủy sản cả khai thác và nuôi trồng chưa ổn định, tồn dư kháng sinh còn cao, nhất là trong tôm nuôi nước lợ chưa được kiểm soát tốt, nguy cơ bị rào cản thị trường xuất khẩu gia tăng.
Rồi việc triển khai thực hiện chủ trương khai thác trên biển còn chậm, đặc biệt là nâng cao hiệu quả điều chỉnh cơ cấu nghề, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kỹ thuật ứng dụng trên tàu cá… Quản lý vật tư, thiết bị, giống, môi trường… còn nhiều bất cập, nên ngành thủy sản luôn thường trực nỗi lo kém bền vững trong nuôi trồng, liên quan tới dịch bệnh, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất. Đồng thời, tổ chức sản xuất chậm đổi mới, sự hợp tác và liên kết còn yếu giữa đánh bắt, nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ còn lỏng lẻo…
Bền vững và hiệu quả
Năm 2015, ngành thủy sản tập trung triển khai các nhiệm vụ theo định hướng, mục tiêu, nội dung của Chiến lược Phát triển ngành Thủy sản đến năm 2020; Quy hoạch tổng thể thủy sản đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 và Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, cùng toàn ngành NN&PTNT thực hiện chủ đề “Năm vệ sinh an toàn thực phẩm nông nghiệp”.
Bộ trưởng Cao Đức Phát nhấn mạnh, mục tiêu của ngành thủy sản là hiện đại hóa nâng cao hiệu quả và tính bền vững cả trong nuôi trồng và khai thác thủy sản, thông qua việc thực hiện mạnh mẽ tái cơ cấu ngành gắn với nông thôn mới, nâng cao thu nhập cho nông dân, góp phần phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng.
Bộ trưởng đề nghị Tổng cục Thủy sản trong năm 2015 cần tập trung vào các vấn đề chính: Giải quyết những vấn đề bức xúc của ngành (tháo gỡ những vướng mắc về thị trường, dịch bệnh…); quản lý chặt chẽ chất lượng giống thủy sản, vật tư đầu vào, thuốc thú y thủy sản; kiểm soát quyết liệt ATVSTP; tăng cường năng lực của hệ thống kiểm ngư…
Đồng thời nhấn mạnh, cần xác định rõ đâu là vấn đề nền tảng trong thủy sản và đâu là vấn đề đối phó với tình huống – biện pháp dài hạn và trước mắt. Tất nhiên, hai vấn đề này có đan xen với nhau. Ví dụ như trong nuôi trồng, vừa chống dịch, dập dịch đồng thời xây dựng hệ thống thú y thủy sản là nền tảng chống dịch. Và để xây dựng nền tảng cho thủy sản, đầu tiên chúng ta phải tìm và soát lại cách tiếp cận, cần đúng và trúng vấn đề. Ngoài ra, một số vấn đề đáng quan tâm nữa là điều chỉnh cơ sở hạ tầng, xây dựng hệ thống tổ chức sản xuất, đào tạo nguồn nhân lực…
>> Mục tiêu năm 2015, tổng sản lượng thủy sản đạt 6,65 triệu tấn, tăng 5,5% so năm 2014; khai thác thủy sản 2,7 triệu tấn (tăng 0,7%), nuôi trồng 3,95 triệu tấn (tăng 9,7%). |