Thủy sản nước ngọt: Nhiều nút thắt cần tháo gỡ

Chưa có đánh giá về bài viết

Tiềm năng của thủy sản nước ngọt rất lớn, vậy nhưng ngành hàng này vẫn chưa được phát triển tưng xứng. Trong khi, các hệ thống sông ngòi đang phải đối mặt những thách thức nghiêm trọng về sinh thái, kinh tế và quy định khắt khe.


Thủy sản nước ngọt giữ vai trò quan trọng trên thị trường toàn cầu

Bị xem nhẹ

Ngành thủy sản nước ngọt thường bị xem nhẹ trong vấn đề giải quyết an ninh lương thực toàn cầu, trong khi thủy sản nước mặn luôn thu hút được nhiều sự chú ý hơn bởi phía sau là cả một ngành công nghiệp khổng lồ. Những sản phẩm thủy sản nước mặn luôn là hàng hóa có giá trị trên thị trường toàn cầu. Chuỗi cung ứng các sản phẩm thủy sản nước mặn gồm đa dạng sản phẩm, các hãng kinh doanh, tập đoàn vận chuyển và người tiêu dùng trên toàn cầu.

Ngược lại, người ta chỉ nhận thấy vai trò quan trọng của thủy sản nước ngọt trong một số tình huống liên quan đến sinh kế vùng ven sông. Tại đây, tôm, cá nước ngọt là thực phẩm hàng ngày cho các hộ gia đình; điều này đã dẫn đến nhiều khó khăn trong quản lý số liệu khai thác. Bên cạnh đó, thị trường của các sản phẩm thủy sản nước ngọt thường rải rác, lượng tiêu thụ nhỏ lẻ tại hộ gia đình, chủ yếu tập trung ở vùng nông thôn – nơi thiếu sự quản lý.

Theo McIntyre, Giáo sư tại Trung tâm nghiên cứu về ao hồ ở UW-Madison, các loại cá nước ngọt cung cấp protein cho người nghèo và thiếu dinh dưỡng ở khắp nơi trên thế giới. Khai thác thủy sản nước ngọt trở thành sinh kế ở những khu vực mà người dân nơi đó ít có sự lựa chọn khác; họ có thể khai thác cá tự do vào thời gian rảnh mà ít phải tuân theo hạn ngạch nghiêm ngặt như khai thác trên biển.

Nhiều sông hoặc ao, hồ nhiều nơi trên thế giới vẫn trong tình trạng không ai quản lý. Theo số liệu của FAO, 90% thủy sản khai thác tự nhiên trên thế giới được đánh bắt từ các dòng sông đang chịu nhiều sức ép từ những con đập nhân tạo, ô nhiễm hóa chất, sự xâm chiếm của các loài ngoại lai, sử dụng đất nông nghiệp và nhiều yếu tố khác liên quan đến con người. Những dòng sông ở châu Á và châu Phi luôn đứng trong danh sách bị khai thác nghiêm trọng nhất và luôn đứng trước nguy cơ bị đe dọa đa dạng sinh học và an ninh lương thực.

Truy tìm mấu chốt

Thực tế, ngành thủy sản đang chú trọng vào nuôi biển, nuôi tôm nước lợ hoặc khai thác trên biển mà quên rằng thủy sản nước ngọt cũng giữ vai trò quan trọng không kém. Gần đây, lĩnh vực này trở thành một đề tài thu hút được sự chú ý của đông đảo chuyên gia ngay tại Hội nghị về Phục hồi môi trường sống tại hệ thống sông ngòi để phục vụ khai thác thủy sản ở đồng bằng châu thổ sông Danube và các vùng liền kề biển Black Sea tại sự kiện EUROFISH của FAO. Hội nghị xoay xung quanh 4 chủ đề: Giá trị nguồn lợi thủy sản nước ngọt, bảo tồn và quản lý, các quy định và chia sẻ kinh nghiệm quốc gia. Các chuyên gia đều khẳng định, thủy sản nước ngọt giữ vai trò quan trọng trong an ninh lương thực và tạo sinh kế cho vùng nông thôn; nhưng vai trò này ít được nhắc đến vì các quốc gia vẫn thiếu cơ sở dữ liệu về giá trị kinh tế của ngành này. Ngoài ra, những lợi ích của việc phát triển ngành thủy sản nước ngọt với sức khỏe con người thông qua hoạt động giải trí và du lịch sinh thái mà các dòng sông và câu cá giải trí cũng cần phải được làm rõ. Ngành thủy sản nước ngọt cung cấp một nguồn thu nhập dồi dào cho các quốc gia không có biển, đặc biệt là Trung Á. Phụ nữ, là đối tượng được hưởng lợi ích đặc biệt từ ngành thủy sản nước ngọt, vì họ chiếm một nửa lực lượng lao động của toàn cầu trong chuỗi giá trị thủy sản nước ngọt, nhiều hơn trong ngành thủy sản nước mặn.

Sự lãng phí và hao hụt từ ngành thủy sản nước ngọt, gồm sản lượng khai thác không mong muốn, các loài cá đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng đang ở mức thấp hơn nhiều so các loài thủy, hải sản nước mặn. Một phần nguyên nhân là do thủy sản nước ngọt chủ yếu được tiêu thụ tại các hộ gia đình và chuỗi cung ứng ngắn hơn. Ngoài ra, protein do các loại thủy sản nước ngọt mang lại có dấu chân carbon thấp hơn nhiều so thủy sản khai thác ở nước mặn hoặc các loại thịt sản xuất trên cạn. Tại đông nam châu Âu và Trung Á, thách thức của ngành thủy sản nước ngọt chính là sự phân mảnh của các hệ thống sông ngòi, gây ảnh hưởng lớn tới những loài cá di cư có giá trị thương mại nhưng đang trong tầm nguy hiểm như cá tầm và lươn châu Âu; đây cũng là những loài bị khai thác trái phép rất nhiều. Nhưng nguồn lợi, chất lượng thủy sản nước ngọt trong tự nhiên đang suy giảm và mất đi đa dạng sinh thái bởi những hoạt động của con người và biến đổi khí hậu. Một lần nữa, sự thiếu hụt những đánh giá kinh tế chính xác của ngành thủy sản nước ngọt đối với an ninh lương thực, sinh kế và toàn chuỗi cung ứng đã kìm hãm sự phát triển của ngành này. Đây cũng là một trong những nút thắt cần phải được tháo gỡ trong ngành thủy sản nước ngọt ở nhiều quốc gia, không riêng châu Âu hay trung Á.

Hội nghị chuyên đề về thủy sản nước ngọt được đồng tổ chức bởi Bộ quản lý thủy lợi và lâm nghiệp Romania, Bộ NN&PTNT Rumania, Lực lượng bảo vệ cá tầm Danube, Hiệp hội Nghiên cứu Danube quốc tế. Các chuyến thăm quan mô hình thực địa và các viện nghiên cứu sẽ được tổ chức bởi Chỉnh phủ Romania. Hội nghị đã thu hút nhiều nhà khoa học, chuyên gia và đại diện chính phủ từ hơn 30 quốc gia thuộc châu Âu, Nam Âu và Trung Á. Là một diễn đàn trao đổi kinh nghiệm và các kết quả nghiên cứu trong vùng, Hội nghị đi sâu vào những rắc rối mà hệ thống sông ngòi và ngành thủy sản nước ngọt đang phải đối mặt; từ đó, cung cấp những đề xuất dựa trên cơ sở khoa học cho các nhà hoạch định chính sách để cải thiện quản lý nguồn lợi thủy sản nước ngọt tốt hơn. 

>> Hệ sinh thái nước ngọt chiếm 40% tổng số loài cá của thế giới và đóng góp trực tiếp vào an ninh lương thực của các hộ gia đình tại vùng nông thôn. Với sản lượng 11,47 triệu tấn mỗi năm, thủy sản nước ngọt chiếm 12% tổng sản lượng khai thác thủy sản toàn cầu, theo thống kê mới nhất của FAO.

Tuấn Minh (Theo Thefishsite)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!