Hiện, cá mú nuôi của ngư dân ở cửa biển Lễ Thịnh, xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên vẫn tiếp tục chết do nguồn nước bị ô nhiễm, phát sinh vi khuẩn vibrio alginolyticus. Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã đưa ra phác đồ điều trị và hướng dẫn người nuôi áp dụng, nhưng xem ra đã chậm trễ, tôm chết gần hết.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thôn tỉnh Phú Yên, từ cuối tháng tám đến nay, cá mú nuôi ở cửa biển Lễ Thịnh, huyện Tuy An vẫn tiếp tục chết. Đến nay, cá chết tuy có giảm, nhưng tỷ lệ đã lên đến khoảng 90% loại từ mười đến hơn một năm tuổi, trọng lượng trung bình mỗi con từ 0,4 – 0,6 kg, trên tổng số khoảng 32 nghìn con trong 360 lồng nuôi của ngư dân.
Cá mú chết hàng loạt ở xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, người nuôi thua lỗ nặng.
Trước khi cá chết hàng loạt, da bị lở loét, xuất huyết, một số có biểu hiện mù mắt, bơi lờ đờ, bỏ ăn. Ngư dân lo lắng, phải xuất bán cá sớm với giá chỉ từ 30 nghìn đồng – 40 nghìn đồng/kg, trong khi cá giống mua với giá từ 25 nghìn đồng – 50 nghìn đồng/con tùy theo kích cỡ.
Hiện, cá mú loại 1kg trở lên có giá hơn 200 nghìn đồng/kg. Trước thực trạng cá mú chết hàng loạt ở xã An Ninh Đông, nhiều hộ nuôi từ 2.000 – 3.000 con, thua lỗ từ một trăm triệu đến hơn hai trăm triệu đồng.
Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Phú Yên, nguyên nhân cá mú chết hàng loạt là do ngư dân nuôi với mật độ quá dày, con giống không rõ nguồn gốc, xuất sứ, nuôi trong vùng không được quy hoạch… Mặc dù ngành đã đưa ra phác đồ điều trị, nhưng do cá nhiễm bệnh nặng trong thời gian dài nên tỷ lệ chết quá cao.
Trước đó, vào cuối tháng sáu vừa qua, tại xã Xuân Phương, thị xã Sông Cầu, tỉnh Phú Yên cũng xảy ra tôm hùm, cá mú chết hàng loạt, làm nhiều gia đình lâm vào cảnh nợ nần, trắng tay. Nguyên nhân vẫn là nguồn nước bị ô nhiễm nặng trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài.
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Phú Yên cho biết, từ đầu năm đến nay, diện tích thả nuôi các loại thủy sản của tỉnh khoảng 2.550ha, giảm 1,8% so cùng kỳ năm 2015. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết nắng nóng, nguồn nước tại các vùng nuôi có biểu hiện ô nhiễm, phát sinh dịch bệnh, ngư dân lỗ vốn qua nhiều năm nên gặp khó khăn trong tái đầu tư sản xuất.
Tình hình dịch bệnh trên thủy sản nuôi trồng tuy có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Ngoài tôm hùm, cá mú chết nhiều, từ đầu năm 2016 đến nay còn có hơn 142ha tôm thẻ chân trắng và tôm sú bị bệnh đốm trắng, hoại tử gan, tụy cấp; trong đó tôm thẻ chân trắng mất trắng 22ha ở huyện Tuy An và Đông Hòa, chủ yếu trong tháng tám vừa qua.
Tình trạng thủy sản nuôi chết hàng loạt đã diễn ra nhiều năm qua ở tỉnh Phú Yên. Ngoài nguyên nhân người dân nuôi tự phát, còn do công tác quy hoạch và quản lý vùng nuôi chưa đúng quy chuẩn, làm môi trường nước bị ô nhiễm nghiêm trọng; trong khi đó, các cửa biển bị cát bồi lấp nặng, làm hạn chế việc trao đổi nước với các đầm, vịnh, nhất là vào mùa nắng nóng. Đây là những vấn đề được tỉnh Phú Yên đặc biệt quan tâm, nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp bền vững.