Đây là vấn đề hướng đến trong phát triển thủy sản vùng đồng bằng sông Cửu Long. Bởi sự biến đổi khí hậu (BĐKH) khiến nước biển dâng ngày càng ảnh hưởng nhiều đến khu vực này.
Tác động ngày càng lớn và xấu
Vựa lúa và vựa thủy sản ĐBSCL 4 triệu ha, trong đó quá nửa phục vụ ngành nông nghiệp, nhưng cao độ so với mặt biển chỉ hơn 1 m. Với 700 km bờ biển bao quanh đồng bằng này đã tạo ra khu vực sinh thái đặc biệt, với sự gắn kết chặt chẽ với biển Đông và biển Tây tạo ra ba hệ sinh thái; đan xen nước ngọt, lợ, mặn. Việc nước ngọt xâm nhập sâu 6 tháng mỗi năm ở nhiều vùng đã tạo ra những vùng sinh thái ngập mặn và nước lợ giúp nuôi trồng thủy sản phát triển, song BĐKH có nguy cơ làm thay đổi diện mạo sinh thái và ảnh hưởng đến việc nuôi trồng theo truyền thống.
Theo các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ, Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, xu hướng chính vùng ĐBSCL hiện nay và những năm tới là lượng mưa đầu mùa các tháng 5, 6, 7 giảm; trong khi mưa cuối mùa các tháng 8, 9, 10 sẽ tăng, nhất là vùng ven biển. Dông xoáy, gió lốc, sét tăng ở vùng ven biển; mưa lớn bất thường ở vùng Cà Mau, sông Tiền, sông Hậu. Triều cường ảnh hưởng đến toàn bộ ĐBSCL và ngập mặn tăng, trong khi mực nước ngầm giảm. Hiện tượng nhiệt độ cao, mặn xâm nhập, triều cường, gió chướng tác động nhiều tới Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang; nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản bị rủi ro cấp độ cao. An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Long An dễ bị ảnh hưởng bão, áp thấp, mưa bất thường, lốc xoáy, sạt lở.
ĐBSCL hiện chiếm 71% diện tích nuôi trồng thủy sản cả nước; BĐKH tác động nhiều đến sự phát triển ngành. Khi nghiên cứu về BĐKH tại các xã ở Bến Tre, thấy 82,5% người dân cho biết họ nhận thấy có sự BĐKH với xu hướng mưa nắng bất thường, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nghiên cứu cũng cho thấy, nếu không có biện pháp ứng phó tốt, thu nhập của người nuôi cá tra có thể giảm 3 tỷ đồng/ha vào năm 2020 và các hộ nuôi tôm sẽ giảm 950 triệu đồng/ha/năm 2050. Chủ yếu do chi phí ứng phó BĐKH sẽ cao, rủi ro trong sản xuất cũng cao; đồng thời dịch bệnh tăng, diện tích nuôi trồng bị ảnh hưởng nhiều.
Biến đổi khí hậu ảnh hưởng nặng nề đến phát triển thủy sản – Ảnh: Phan Thanh Cường
Thiếu thay đổi
Đầu năm 2015 mặn xâm nhập sớm hơn năm 2014, nhiều nơi độ mặn hơn 32%. Người nuôi tôm Cà Mau cho biết năm nay thường mưa trái mùa. Kết quả là 6 tháng đầu năm diện tích nuôi thả tôm chỉ bằng 90% so cùng kỳ năm ngoái. Tình hình này có thể còn kéo dài, khi vào cuối năm diễn biến mưa bão phức tạp. Các sông ở Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Vĩnh Long đang bị xâm nhập mặn vào nội địa trên 70 km.
Rừng ngập mặn không được cải thiện nhiều về diện tích, trong khi người dân phải bám rừng để sống còn phổ biến. Việc trồng rừng mới, phục hồi rừng chắn sóng, hạn chế xói lở, xâm nhập mặn, bảo vệ đê kè biển, tạo bãi bồi, lấn biển, bảo vệ phục hồi hệ sinh thái rừng ven biển được triển khai; nhưng các dự án phục vụ dân sinh như xây dựng các khu đô thị mới, các dự án công nghiệp… được triển khai nhanh hơn những dự án trồng rừng, mở rộng diện tích rừng ngập mặn.
Từ năm 2000 đến 2013, diện tích rừng trồng bị thiệt hại 11.758 ha, chiếm gần 10% diện tích rừng ven biển. Xói lở bờ biển xảy ra ở một số nơi, với trên 40 m. Đã có hiện tượng người dân rời bỏ vùng ven biển, vì ngập mặn và sạt lở.
Gấp rút quy hoạch
Tỉnh Cà Mau đã triển khai xây dựng mới tuyến đê biển Đông dài 125 km và điều chỉnh, nâng cấp hệ thống đê biển Tây dài 93 km theo chương trình củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển từ Quảng Ngãi đến Kiên Giang của Chính phủ. Theo khảo sát mới đây của ngành chức năng, toàn tỉnh hiện có khoảng 80% chiều dài bờ bị sạt lở, với hơn 111 km; trong đó có 41 km sạt lở nghiêm trọng, 17 km đê Biển Tây sạt lở đặc biệt nghiêm trọng.
Từ đầu năm đến nay, tại tỉnh Bạc Liêu xảy ra nhiều thiên tai lốc xoáy, mưa trái mùa, sét đánh… gây thiệt hại nặng về người và tài sản. Thiên tai còn làm 475 ha lúa của huyện Giá Rai bị xâm nhập mặn nặng. Bạc Liêu đang xây dựng và hoàn thiện các bản đồ và cơ sở dữ liệu lũ, ngập úng, sạt lở đất… tại những địa điểm, địa phương có độ rủi ro cao.
Song nhiều nhà nghiên cứu quốc tế cho biết, với ĐBSCL rất cần có quy hoạch tổng thể chống BĐKH để việc đầu tư vào nông nghiệp, nhất là ngành thủy sản. Việc quy hoạch này sẽ tránh được tình trạng manh mún hoặc hiệu quả vùng này nhưng hại đến vùng khác. Những dự án liên tỉnh, dự án toàn vùng sẽ cần thiết, bởi đó là kinh nghiệm các nước tiên tiến. Nhiều nhà khoa học Việt Nam cũng cho biết, do đồng bằng, ngoài những con sông lớn còn có hàng ngàn kênh rạch chằng chịt và tính chất địa lý từng vùng có sự khác biệt, cần xử lý linh hoạt cho từng khu vực, tiểu vùng. Dù sao, việc ứng phó BĐKH cũng cần được đẩy nhanh hơn nữa trước diễn biến phức tạp thời gian gần đây và dự báo từ nay đến cuối năm, mưa bão và triều cường sẽ còn ảnh hưởng đến ĐBSCL và trực tiếp đến ngành thủy sản.
>> Trong danh mục 62 dự án ưu tiên cấp bách về BĐKH được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, các tỉnh ĐBSCL có 17. Đến thời điểm này đã 8 dự án thuộc ĐBSCL được bố trí vốn Chương trình Hỗ trợ ứng phó BĐKH (SP-RCC). Từ năm 2013 đến 2015, dự án của Kiên Giang được bố trí 170 tỷ đồng; Cà Mau 150,8 tỷ đồng. |