Thủy sản Tây Phi: Ứng phó linh hoạt, phát triển bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Thủy sản bất hợp pháp đe dọa trực tiếp nền kinh tế nhiều quốc gia, trong đó có Tây Phi. Nhưng với cách ứng phó linh hoạt, các quốc gia khu vực này đã đẩy lùi thành công tệ nạn kể trên, đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững, kết hợp bảo vệ nguồn lợi tự nhiên bằng những biện pháp cứng rắn.

Quản lý

Tây Phi là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi nạn khai thác thủy sản bất hợp pháp, với con số thiệt hại hàng trăm triệu USD/năm. Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng yếu kém, điển hình là hệ thống cảng cá cũ kỹ, không đủ sức chứa tàu tải trọng lớn, cũng cản trở sự phát triển ngành thủy sản, nhất là lực lượng chế biến xuất khẩu. Trong khi đó, ngành thủy sản được nhiều chuyên gia nhận định là tiềm năng phát triển kinh tế nhưng chưa được quan tâm đầu tư thỏa đáng. Thực trạng đó khiến các nhà quản lý khu vực phải sớm có hành động cụ thể, tạo bước chuyển biến tích cực của toàn bộ ngành thủy sản khu vực.

Chương trình Quản lý thủy sản Tây Phi ra đời với gói hỗ trợ 56 triệu USD từ Ngân hàng Thế giới. Lộ trình 5 năm, gồm 2 giai đoạn, Chương trình đã phát huy hiệu quả tích cực. Sự hỗ trợ tài chính là một nhân tố quan trọng nhưng không phải nhân tố quyết định trong cuộc chiến cải tổ ngành thủy sản Tây Phi. Với quyết tâm đưa ngành thủy sản phát triển theo hướng bền vững, các nhà quản lý của khu vực này nhận thức rõ việc cần làm trước mắt là xóa sổ nạn đánh bắt thủy sản bất hợp pháp và kiểm soát nguồn lợi thủy sản bằng những biện pháp mạnh tay nhất.

Biến đổi khí hậu ảnh hưởng đến nhiều nước

Tây Phi cũng thiết lập và áp dụng quyền sử dụng lãnh thổ trong nghề cá (TURFs) – công cụ quản lý nghề cá dựa vào cộng đồng. Senegal, Liberia, Sierra Leone và Cape Verde tiến hành đăng ký 100% cho toàn bộ đội tàu khai thác thủ công. Cape Verde còn thử nghiệm chương trình hỗ trợ hoạt động đăng ký cấp phép, được đánh giá là hiệu quả nhất trong khu vực. Senegal đã áp dụng biện pháp tăng cường quản lý quy mô đánh bắt thủy sản, giảm số lượng tàu khai thác cỡ lớn hoạt động trên vùng biển quốc gia, thông qua chương trình “mua lại tàu”, nhằm giảm dần nạn khai thác thủy sản quá mức.

 

Hiệu quả

Tây Phi đã tăng cường hệ thống radar và vệ tinh ở cả 4 quốc gia trong khu vực gồm Senegal, Liberia, Sierra Leone và Cape Verde; không để lọt lưới bất cứ phi vụ trộm cắp, khai thác nguồn lợi thủy sản trái phép nào. Ngoài ra, một đội tàu tuần tra trên biển khá hùng hậu cũng được bổ sung, tạo điều kiện cho cơ quan chức năng có thể khống chế và bắt giữ nhiều tàu cá phạm pháp ngay sau khi hệ thống giám sát gửi tín hiệu báo động.

Theo cơ quan chức năng ngành thủy sản Liberia, quản lý nghiêm và xử lý vi phạm mạnh tay giúp làm giảm 83% hoạt động khai thác thủy sản trái phép, nhiều vụ giả mạo giấy phép khai thác cũng bị đưa ra ánh sáng. Năm ngoái, Liberia đã bắt giữ tàu cá khai thác trái phép của Hàn Quốc, tịch thu và bán đấu giá toàn bộ số hàng trên tàu, trị giá 216.000 USD. Liberia và Siera Leone đã nỗ lực đánh bật các đội tàu khai thác trái phép ra khỏi phạm vi bán kính 3 dặm, tạo môi trường đánh bắt thông thoáng cho ngư dân nội địa. Nhờ đó, sản lượng đánh bắt của ngư dân Sierra Leone đã tăng lên 42%. Ngành thủy sản Cape Verde cũng có nhiều chuyển biến tích cực sau hàng loạt biện pháp của chính phủ, thắt chặt quản lý theo hướng bền vững, đồng thời đấu tranh chống lại hoạt động khai thác trái phép. Điển hình nhất là việc thiết lập chương trình giám sát hoạt động đánh bắt trên biển.

Trong một chương trình đánh giá gần đây nhất, EU đã ghi nhận mọi nỗ lực của Tây Phi trong cuộc chiến chống thủy sản trái phép. Thành quả này được coi là tấm vé giúp các quốc gia này tiến sâu và tạo vị thế vững chắc tại thị trường thủy sản EU.

Tuấn Minh

Worldfishing

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!