Thủy sản thành công, khuyến nông góp sức lớn

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngành thủy sản Việt Nam đang ngày càng phát triển cả trong sản xuất và xuất khẩu, đóng góp ngày một nhiều cho nền nông nghiệp. Trong thành công đó, vai trò của khuyến nông là rất quan trọng với nhiều hoạt động thiết thực và hiệu quả. Đầu Xuân, cùng Thủy sản Việt Nam lắng nghe chia sẻ của ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về vấn đề này.

Thưa ông, ông có thể cho biết những kết quả chính của lĩnh vực khuyến nông thủy sản đã đạt được trong năm qua?

Trong năm qua riêng lĩnh vực khuyến nông thủy sản, chúng tôi đã thực hiện hơn 10 mô hình, trong đó tất cả các mô hình đều được tổ chức rất chuyên nghiệp, xây dựng xong, tiến hành thông tin tuyên truyền và tập huấn đào tạo để nhân rộng. Đầu tiên phải nói đến mô hình hầm bảo quản trên tàu khai thác xa bờ, hai là nuôi TTCT thâm canh giai đoạn, ba là nuôi cá lồng cho các tỉnh miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, tiếp theo là mô hình nuôi tôm sú đảm bảo ATTP, ngoài ra là mô hình nuôi tôm hùm cho các tỉnh miền Trung. Đó là những mô hình khá đạt hiệu quả, nhân rộng rất nhanh trong những năm vừa qua.

Ông Kim Văn Tiêu, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia cùng các hộ dân thăm quan mô hình tôm – lúa ở ĐBSCL – Ảnh: TTKNQG

 

Ông có thể chia sẻ thêm về những kết quả nổi bật từ các mô hình khuyến nông đã được triển khai trên lĩnh vực thủy sản, thưa ông?

Trong số các ứng dụng, trước hết phải nhắc tới mô hình hầm bảo quản, vì chúng ta không thể lãng phí tài nguyên. Theo đó, khuyến nông đã xây dựng hầm bảo quản cho tàu khai thác xa bờ, sau khi xây dựng, giá sản phẩm đã tăng từ 5.000 – 10.000 đồng/kg; cùng đó, quan trọng nhất là không hao hụt đá, trước kia hao hụt đá 40% nay giảm xuống còn 5%.  Ngoài ra, mô hình nuôi TTCT thâm canh hai giai đoạn, trước kia người dân chỉ nuôi một giai đoạn, sản phẩm làm ra tôm nhỏ, trong quá trình nuôi, tôm thường hay mắc bệnh đốm trắng, gan tụy… Tuy nhiên, khi thực hiện nuôi hai giai đoạn, tôm mới thả thì tôm đạt tỷ lệ sống cao hơn, dễ nuôi hơn, hiệu quả rõ rệt hơn; đặc biệt người nuôi kiểm soát được mật độ nuôi.

Với mô hình phòng trị bệnh trên tôm hùm ở miền Trung, nếu trước kia tư duy của người nuôi tôm hùm là chỉ chữa bệnh, thì nay họ đã chuyển sang tư duy phòng bệnh. Mô hình được triển khai năm vừa rồi, người nuôi hưởng ứng rất cao, tôm không bị bệnh, rất nhiều người tới học tập. Nuôi tôm hùm khác TTCT, tôm sú ở chỗ, khi tôm hùm chết, chết rải rác, không đồng loạt như hai loại tôm kia; do đó, người nuôi thua lỗ dần, nhưng giờ đây, áp dụng mô hình, khiến số lượng tôm chết giảm dần, đem lại hiệu quả rõ rệt. 

Tại các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên, nơi đây chủ yếu là đồng bào ít người, hồ thủy lợi phần lớn là bỏ hoang; do đó, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã chuyển giao mô hình nuôi cá lồng cho các hộ dân nơi đây, đã hạn chế tình trạng phá rừng làm rãy, tăng thu nhập, ổn định đời sống đồng bào, xây dựng nông thôn mới.

 

Có thể thấy, thành công của các mô hình này có vai trò không nhỏ của việc ứng dụng khoa học công nghệ, chia sẻ của ông về điều này?

Ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất rất quan trọng, giúp hạ giá thành sản xuất, tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả; nhiệm vụ của Khuyến nông Quốc gia là cầu nối giữa sản xuất và các nghiên cứu. Theo đó, năm qua, Trung tâm đã tiếp nhận và chuyển giao tất cả tiến bộ kỹ thuật của các viện nghiên cứu, trường đại học đến nông dân, ngư dân. Ví dụ mô hình nuôi TTCT hai giai đoạn đã được ứng dụng vào sản xuất cho bà con, giúp hiệu quả nuôi trồng tăng lên rõ rệt. Hay việc ứng dụng khoa học công nghệ khác như nuôi tôm vụ đông tại miền Bắc; tôm đạt năng suất và giá thành cao nên chúng tôi vẫn khuyến cáo người dân thực hiện nuôi tôm vụ đông.

Tuy nhiên, hiện nay sản xuất thủy sản phần lớn còn nhỏ lẻ manh mún, nên không đồng đều về chất lượng, khó quản lý dịch bệnh… Trung tâm đã tập trung xây dựng mô hình, tuyên truyền hướng dẫn bà con thành lập các HTX, để làm sao thả cùng một loại giống, chăm sóc cùng một quy trình hay một người làm thì phải cùng có người làm và nhiều người làm theo, tập trung vào các tổ hợp tác xã, liên kết chuỗi, liên kết với doanh nghiệp. Có thể nói, trong những năm qua, khuyến nông đã tập huấn đào tạo, thông tin tuyên truyền, xác định doanh nghiệp phải là “bà đỡ” cho nông dân, hướng người dân sản xuất theo quy trình của doanh nghiệp nhằm tạo sản phẩm an toàn, chất lượng cao; sản xuất hàng hóa theo hướng tập trung, hạ được giá thành, tức là vừa hạ chi phí, vừa hạ được thiệt hại cho nông dân, giảm ô nhiễm môi trường. 

 

Vậy, nhiệm vụ trong tâm của khuyến nông trong năm 2020 là gì, thưa ông?

Hiện nay, tư duy sản xuất cũ vẫn còn ăn sâu trong nhận thức và cách làm của nhiều người nông dân, họ chưa mạnh dạn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Bên cạnh đó, một số mô hình rõ ràng rất hiệu quả, nhưng chưa nhân rộng ra được, theo tôi, các mô hình phải gắn với doanh nghiệp thì hiệu quả mới nhanh. Tuy nhiên, khuyến nông có hệ thống vững mạnh từ trung ương đến các địa phương, hoạt động thông tin tuyên truyên được triển khai liên tục, hiệu quả; cùng với đó, công tác đào tạo, tập huấn cũng phát huy được vai trò hay việc chuyển giao mô hình cũng ngày một hiệu quả hơn. Những điều này đã thể hiện được vai trò của khuyến nông trong việc tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, gia tăng giá trị của ngành thủy sản.

Dự kiến trong năm tới, khuyến nông thực hiện tiến ra biển nuôi lồng. Năm 2020 – 2022 có 2 mô hình thực hiện tiến ra biển nuôi cá lồng bằng công nghệ mới, bão cấp 12 không làm ảnh hưởng tới lồng nuôi. Đồng thời, thực hiện nuôi tôm ATTP để hướng tới xuất khẩu, ngoài ra cũng không quên dự án an sinh xã hội như nuôi cá lồng vùng miền núi, cá rô phi trung du để làm tốt cầu nối mọi mặt. Phương châm của chúng tôi: Một người làm, một nghìn người biết, một trăm vạn người theo.

Trân trọng cảm ơn ông!

>> Ông Kim Văn Tiêu: “Khuyến nông có vai trò rất lớn trong việc hỗ trợ xuất khẩu sản phẩm thủy sản. Thể hiện ở việc Trung tâm đã xây dựng mô hình, tổ chức các diễn đàn, triển khai nhân rộng, hướng dẫn thực hiện những mô hình nuôi tôm không kháng sinh, chỉ sử dụng men vi sinh, định hướng cho nông dân nuôi an toàn thực phẩm, có chứng nhận, truy xuất nguồn gốc…”.

Dương Thảo (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!