Đây là dự báo về xu hướng nhu cầu và nguồn cung của thủy sản thế giới trong năm 2012.
Nhu cầu tăng mạnh
Theo số liệu của Tổ chức Nông Lương Liên hiệp quốc (FAO), thủy sản hiện đang là mặt hàng thực phẩm được tiêu thụ mạnh nhất với khoảng 102 tỷ USD năm 2008. Cũng theo số liệu của FAO thì từ nay đến năm 2015, tiêu thụ thủy sản tínhtheo đầu người trên toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 0,8%/năm, tổng nhu cầu thủy sản và các sản phẩm thủy sản sẽ tăng khoảng 2,1%/năm.
Như vậy có thể thấy, nhu cầu thủy sản thế giới năm 2012 sẽ tiếp tục tăng so với năm 2011. Đây là một điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2012, nhất là với các thủy sản nuôi trồng như tôm, cá tra, nhuyễn thể, cá ngừ…
Nuôi trồng thủy sản sẽ chiếm 50% tiêu thụ thủy sản của thế giới vào năm 2012
Nguồn cung tiếp tục gặp khó
Nếu như trong năm 2011, nguồn cung thủy sản từ nước ngoài gặp không ít khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu của thị trường. Ngành thủy sản Nhật Bản bị đe dọa sau thảm họa kép động động đất, sóng thần, ngành tôm Thái Lan và Việt Nam thiệt hại nặng nề do lũ lụt và dịch bệnh, ngành cá da trơn chịu ảnh hưởng bởi chi phí đầu vào, thức ăn, con giống… thì theo dự báo của nhiều chuyên gia trong ngành năm 2012, nguồn cung thủy sản thế giới có khả năng sẽ tiếp tục thiếu.
Theo Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) Trương Đình Hòe, rất nhiều kho lạnh của Thái Lan tập trung ở thủ đô Bangkok và hầu hết những kho này đã bị ảnh hưởng bởi lũ lụt, phải mất thêm một thời gian nữamới có thể hoạt động trở lại. Điều này ảnh hưởng không nhỏ tớixuất khẩu tôm của Thái Lan trong năm 2012.
Bên cạnh đó, một số nước xuất khẩu tôm lớn khác như Trung Quốc, Indonesia cũng đang gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc đang trải qua thời kỳ giá lạnh, làm ảnh hưởng đến sản lượng tôm. Indonesia đang phải đối mặt với dịch bệnh. Đồng thời, ở những thị trường lớn là Mỹ, EU và Nhật Bản, nguồn cung tôm nội địa được dự báo là sẽ thấp trong năm tới.
Về mặt hàng cá da trơn, trong năm 2011, lũ lụt ở Mississippi – một trong 4 bang nuôi cá da trơn Mỹ cũng đã làm ảnh hưởng đến diện tích nuôi loài này ở Mỹ, giảm 39% so với năm 2010. Và theo dự báo ở Việt Nam, tình hình thiếu cá tra nguyên liệu vẫn sẽ xảy ra trong năm 2012.
Thủy sản nuôi “lên ngôi”
Theo báo cáo của FAO, thủy sản nuôi hiện là nguồn cung cấp đạm động vật tăng trưởng nhanh nhất của thế giới và đáp ứng gần một nửa sản lượng tiêu thụ toàn cầu. Báo cáo nuôi trồng thủy sản thế giới năm 2010 cho thấy, sản lượng thủy sản nuôi của thế giới đã tăng hơn 60% từ 32,4 – 52,5 triệu tấn trong giai đoạn 2000 – 2008. Và dự kiến trong năm 2012, thủy sản nuôi sẽ đáp ứng hơn 50% lượng tiêu thụ thủy sản của thế giới.
Trước tình hình sản lượng thủy sản khai thác toàn cầu đang sụt giảm trong khi dân số ngày càng bùng nổ thì nuôi trồng thủy sản được cho là có tiềm năng lớn nhất trong tương lai và có thể đáp ứng được nhu cầu ngày càng tăng đối với các sản phẩm có chất lượng và an toàn.
Hiện, thủy sản nuôi đang góp phần giảm nghèo và cải thiện an ninh lương thực ở nhiều khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, nuôi trồng thủy sản phát triển không đồng đều ở các khu vực. Châu Á – Thái Bình Dương được xem là khu vực có ảnh hưởng nhất về nuôi trồng thủy sản của thế giới. Trong số 15 nước nuôi trồng thủy sản đứng đầu thế giới, có 11 nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình Dương.
Một số nước dẫn đầu về sản lượng nuôi trồng một số loài chính như Trung Quốc dẫn đầu về cá chép; Thái Lan, Việt Nam, Indonesia và Ấn Độ chiếm ưu thế về tôm cỡ nhỏ và cỡ lớn; Na Uy và Chilê dẫn đầu về sản xuất cá hồi.
Sản xuất tôm ở Thái Lan
Cơ hội cho Việt Nam
Đối với mặt hàng tôm, hiện nhiều doanh nghiệp Thái Lan đang nỗ lực đẩy nhanh xuất khẩu sang Mỹ, nhưng phía Mỹ do lo ngại lũ lụt làm tăng sự mất an toàn vệ sinh thực phẩm, mầm mống dịch bệnh từ thủy sản nước này nên đã tăng gấp 5 lần việc kiểm tra chất lượng tôm Thái Lan. Đây là cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu tôm Việt Nam có thể tận dụng để tìm kiếm thêm những hợp đồng mới cho xuất khẩu đầu năm tới.
Với con cá tra, thị trường Mỹ cũng được xem là đầy triển vọng trong năm 2012 cho xuất khẩu cá tra Việt Nam. Việc đứng vị trí thứ 9 trong top 10 các loài thủy sản được ưa thích tại Mỹ năm 2010, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu được giảm thuế chống bán phá giá từ mức 2,44 – 4,22% xuống còn từ 0 – 0,02%… cũng là một cơ hội rộng mở cho ngành cá tra Việt Nam.
Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Thủy sản Minh Phú Lê Văn Quang cho rằng, vẫn còn nhiều cơ hội để các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản đạt được mục tiêu xuất khẩu 6,3 – 6,5 tỷ USD như Bộ NN&PTNT đặt ra cho năm 2012. “Nếu các doanh nghiệp cố gắng duy trì số lượng xuất khẩu vào các thị trường chính truyền thống như EU, Mỹ, Nhật… đồng thời mở thêm các thị trường mới rất tiềm năng như Trung Quốc, Nga… thì mục tiêu đạt được không khó”.
>> Bộ NN&PTNT dự kiến, năm 2012 cả nước phấn đấu đạt tổng sản lượng thủy sản 5,35 triệu tấn, trong đó khai thác hải sản đạt khoảng 2,2 triệu tấn, nuôi trồng thủy sản đạt 3,15 triệu tấn và tổng kim ngạch xuất khẩu đạt từ 6,3-6,5 tỷ USD.
Hồng Thắm