Thủy sản thích ứng biến đổi khí hậu

Chưa có đánh giá về bài viết

Trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay, việc thay đổi cơ cấu ngành nông nghiệp để thích ứng là rất cần thiết, đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Tại đây, nhiều tỉnh, thành đã thành công trong xoay chuyển cục diện sản xuất.


Quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất ở ĐBSCL còn chậm

Tìm cách thích ứng

Báo cáo của Bộ NN&PTNT cho thấy, trong giai đoạn 2016 – 2018, thực hiện tái cơ cấu ngành theo Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ, nông nghiệp ĐBSCL đạt tốc độ tăng trưởng GDP 3%/năm, cao hơn mức tăng bình quân cả nước (2,67%), đóng góp 34,6 GDP toàn ngành nông nghiệp và 33,5% GDP vùng. Đồng thời, tiếp tục đứng đầu cả nước về sản lượng lúa, tôm, cá tra và trái cây với kim ngạch xuất khẩu đạt 8,43 tỷ USD.

Cơ cấu sản xuất chuyển dịch tích cực theo hướng thị trường, thích ứng với BĐKH, đảm bảo chất lượng và năng lực cạnh tranh, tăng thủy sản, trái cây và giảm lúa. So với năm 2015 diện tích gieo trồng lúa giảm từ 4.302.000 ha xuống còn 4.107.000 ha (giảm khoảng 195.000 ha); diện tích NTTS tăng từ 742.700 ha lên 803.300 ha, tỷ trọng giá trị sản xuất thủy sản tăng từ 35,4% lên 42%. ĐBSCL cũng đã từng bước hình thành các vùng sản xuất tập trung chuyên canh quy mô lớn gắn với công nghệ chế biến, tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị nông sản. Hệ thống thủy lợi và phòng chống thiên tai bước đầu đáp ứng nền nông nghiệp ứng phó BĐKH, đảm bảo tưới tiêu cho 90% diện tích lúa vụ Đông Xuân – Hè Thu và phát triển thủy sản, cây trồng cạn…

Tuy nhiên, theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, quá trình chuyển dịch cơ cấu và đổi mới tổ chức sản xuất ở ĐBSCL còn chậm, chưa có nhiều chuỗi giá trị hoàn chỉnh, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại vào sản xuất, chế biến, bảo quản nên chưa tạo được đột phá để nâng cao giá trị gia tăng, sức cạnh tranh. Năng lực thích ứng BĐKH và ứng phó với thiên tai của vùng chưa được cải thiện nhiều khi các mô hình còn mang tính tự phát, nhỏ lẻ, chưa có đủ cơ sở về kỹ thuật và thị trường cũng như động lực và hỗ trợ đủ mạnh để nhân rộng.

Lựa chọn hợp lý

Tại tỉnh Bạc Liêu, dự án khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm đang thực hiện phân khu trung tâm với diện tích ban đầu hơn 103 ha; đây là hạt nhân chính của toàn khu, được Nhà nước đầu tư hạ tầng kỹ thuật, sau đó kêu gọi doanh nghiệp chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật. Khu nông nghiệp này hướng tới mục tiêu làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, ĐBSCL, đồng thời làm nòng cốt, động lực để xây dựng Bạc Liêu trở thành trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước. Bên cạnh đó, đây là trung tâm liên kết với các viện, trường, các doanh nghiệp, tạo thành một chuỗi phức hợp từ khâu nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, đến các khâu nuôi tôm siêu thâm canh, sản xuất chế biến, bảo quản tôm; nghiên cứu sản xuất thức ăn cho tôm…

Trong khi, tỉnh An Giang cũng đã hình thành một số mô hình sinh kế mùa nước nổi được Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế (IUCN) hỗ trợ thực hiện thí điểm tại hai huyện Tịnh Biên và Tri Tôn. Ngoài ra, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) hỗ trợ làm mô hình nuôi tôm càng xanh vùng ngập nước đầu nguồn huyện An Phú…

Tập đoàn Việt – Úc cũng đã minh chứng bằng những mô hình nuôi tôm hiệu quả như nuôi tôm siêu thâm canh công nghệ cao trong nhà kính, con tôm được sống trong môi trường an toàn, không chịu tác động bởi khí hậu, thời tiết, dịch bệnh bên ngoài xâm nhập vào. Đây được xem là mô hình hết sức tiên tiến, nâng cao hiệu quả sản xuất và an toàn sinh học, khắc phục tối đa yếu tố biến đổi khí hậu, thời tiết, môi trường.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cũng xác định các ưu tiên tạo đột phá trong phát triển chế biến và thương mại hóa chuỗi giá trị nông nghiệp và nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ để giải quyết 3 khâu là giống, thức ăn và chế biến nông, lâm, thủy sản. ĐBSCL đặt mục tiêu đến năm 2025, xác định được bộ giống tốt nhất cho 3 ngành hàng chủ lực (thủy sản, trái cây, lúa); đến năm 2030, làm chủ nguồn giống trong nước và vươn tầm quốc tế. Bên cạnh đó, Đề án tái cơ cấu nông nghiệp vùng ĐBSCL đã đặt mục tiêu rất cụ thể cho 3 ngành chủ lực thủy sản, trái cây và lúa gạo. Cụ thể, đối với NTTS, phát triển ngành tôm và cá tra ở quy mô công nghiệp sản xuất lớn, hướng mạnh ra xuất khẩu. Đến năm 2030, tổng diện tích nuôi trồng tăng thêm khoảng 300.000 ha, đưa tổng diện tích nuôi trồng lên khoảng 1 triệu ha (bao gồm cả diện tích luân canh với lúa và tôm, rừng sinh thái)…

>> Xoay trục chiến lược theo thứ tự ưu tiên phát triển sang thủy sản – trái cây – lúa gạo, đưa ĐBSCL thành vùng cung ứng các mặt hàng chủ lực này cho thế giới, làm cơ sở cho phát triển nông nghiệp bền vững… là những định hướng được nêu ra trong Chương trình tổng thể phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với biến đổi khí hậu.

An An – Xuân Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!