Tuy không có diện tích nuôi trồng thủy sản lớn nhưng có năm TP Hồ Chí Minh vẫn xuất khẩu với kim ngạch đứng thứ 4 cả nước. Ngành thủy sản TP.HCM đang nỗ lực tìm hướng đi cho riêng mình khi đặt trọng tâm ưu tiên cho các doanh nghiệp chế biến thủy sản giá trị cao.
Giàu tiềm năng
Thủy sản TP.HCM trải qua hai giai đoạn phát triển rõ nét; giai đoạn đầu chủ yếu khai thác tài nguyên; giai đoạn thứ hai, bắt đầu nghề nuôi trồng.
Diện tích dành cho thủy sản hiện là 6.000 – 7.000 ha, trong tổng diện tích quy hoạch 10.000 ha. Nuôi trồng thủy sản chủ yếu ở huyện Cần Giờ với 6.000 ha mặt nước, chưa kể vùng biển. Người dân Cần Giờ nuôi tôm, cá, nhuyễn thể, giống; 96% dân số làm nghề thủy sản. Một số huyện cũng nuôi trồng, như huyện Bình Chánh, Củ Chi. Riêng huyện Nhà Bè, tốc độ đô thị hóa nhanh, diện tích không còn nhiều.
Bên cạnh thế mạnh là có vùng đất ngọt mặn đan xen, phát triển nuôi trồng tại chỗ, TP.HCM còn có ưu thế một thị trường tiêu thụ thủy sản. Ngành thủy sản xem đây như một điểm nhấn. Chợ Bình Điền mỗi ngày tiêu thụ khoảng 700 tấn thủy sản. “Nuôi trồng chỉ đạt 25%, còn lại phải nhập về”, một cán bộ ngành cho biết. Chi cục Quản lý Chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản TP.HCM đã ký kết với 16 tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ, để cung cấp sản phẩm cho Thành phố. Họ cùng tham gia với các tỉnh trong đốc thúc sản xuất, kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc.
TP.HCM có nhiều tiềm năng nuôi trồng thủy sản – Ảnh: Trần Út
Hiện, việc phân phối sản phẩm dựa vào chợ đầu mối, nhưng chủ trương của Thành phố là học tập các mô hình tiên tiến của các nước, xây dựng hệ thống phân phối hiện đại có tính quốc tế. Thành phố đã đầu tư xây dựng Trung tâm Thủy sản hiện đại nhất Việt Nam tại Bình Chánh, Cần Giờ, bao gồm nhà máy chế biến, kho lạnh, cảng cá, khu dịch vụ hậu cần. Việc giải tỏa mặt bằng cho dự án đã gần xong. Với vốn đầu tư ban đầu khoảng 1.500 tỷ đồng, trung tâm này dự kiến thu gom hàng các tỉnh về bằng đường sông, từ đó chế biến sản xuất, tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Đề án bao gồm một chợ giao dịch quốc tế về sản phẩm thủy sản. Hình thức bán đấu giá như các chợ của Nhật sẽ được thực hiện tại đây. Để đáp ứng nguồn cung cho Dự án, việc bảo vệ và phát triển diện tích nuôi trồng tại Thành phố là quan trọng nhất. Sở NN&PTNT đang tích cực triển khai chủ trương nuôi trồng bền vững, bảo tồn vốn cho người nuôi. Chi cục Quản lý chất lượng cũng tiến hành tìm kiếm nhiều phương pháp nuôi trồng hiện đại, với chủ trương tăng sản lượng trên diện tích đã có. Một số mô hình nuôi trồng mới của Israel, Nhật, Mỹ đang được nghiên cứu. Thành phố cũng đặt hàng các viện nghiên cứu và chuyên gia nước ngoài, về việc hiện đại hóa quy trình nuôi thủy sản tại đây. Đột phá khoa học kỹ thuật là vấn đề được lưu tâm; mô hình nuôi thủy sản trong nhà cũng đã được thử nghiệm.
Lĩnh vực chế biến cũng đang được chú ý. Các doanh nghiệp hiện chỉ đặt văn phòng ở TP.HCM, còn xây dựng nhà máy ở các tỉnh. Tuy vậy, Thành phố với nhiều khu chế xuất, khu công nghiệp, có thể tạo ra nhiều sản phẩm thủy sản cao cấp, giá trị cao.
Nhiều đặc sản
TP.HCM chỉ có hơn 20km đường biển tại huyện Cần Giờ, nhưng có thời điểm đội đánh bắt cá ngừ đại dương của Thành phố được xếp loại mạnh của cả nước. Các chuyên gia cho biết, nếu có sự ưu đãi, quan tâm đúng mức, nhiều doanh nghiệp lớn của Thành phố có thể sẽ lại đầu tư vào lĩnh vực đánh bắt cá xa bờ, khi lợi nhuận đủ hấp dẫn họ. Thành phố cũng chủ trương xây dựng thương hiệu không chỉ từ các nhà máy, các chợ đầu mối và siêu thị mà từ các sản phẩm đặc trưng. Khô cá dứa TP.HCM đã được người tiêu dùng trong ngoài nước biết tới. Cá chẽm đang được nuôi trồng tốt, giá trị thương phẩm cao, phù hợp tiêu dùng của người đô thị. Ốc hương được tạo giống ngay tại tại địa phương, nuôi khá nhiều và “bán rất được”…
Thành phố cấp kinh phí chuyển giao công nghệ sinh sản cá dứa với ngân sách 500 triệu đồng. Nghêu Cần giờ cũng được bảo tồn giống trong một chương trình khoa học với sự tham gia của nhiều viện nghiên cứu. Giống cá chìa vôi bản địa hiện được tiêu thụ với mức giá vài triệu đồng/kg.
Năm 2012, thủy sản chiếm tỷ trọng 22,5% trong ngành nông nghiệp TP.HCM (năm 2011 đạt 19,7%). Trong đó ngoài tôm cá, người dân nuôi cá sấu khoảng 167.500 con; sản lượng cá cảnh ước đạt 70 triệu con, tăng 7,7%; xuất khẩu cá cảnh 9,5 triệu con, tăng 7,2% so năm 2011. Tổng sản lượng thủy sản tăng 9,2%; trong đó sản lượng nuôi trồng thủy sản tăng 10,4%.
Năm 2013, Thành phố dự kiến tổng sản lượng thủy sản đạt 55,970 tấn (năm 2011 là 53,420 tấn), diện tích 10,040 ha (năm 2011 là 9,983 ha). Những bước tiến âm thầm nhưng vững chắc (năm vừa qua thiệt hại dịch bệnh tôm chỉ 14% diện tích) đang cho thấy ngành thủy sản ngày càng được quan tâm và niềm vui cũng ngày một nhiều hơn với ngư dân TP.HCM.
>> Ông Trần Đình Vĩnh, Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản TP.HCM: Vấn đề của thủy sản TP.HCM là phải tăng giá trị sản phẩm, tập trung vào nuôi trồng; đồng thời bảo vệ nguồn lợi độc đáo của mình. Ngoài mũi nhọn là các sản phẩm thủy sản truyền thống như tôm, nghêu…, Thành phố còn chủ trương đa dạng hóa sản phẩm, tìm đối tượng giá trị cao. |