T2, 06/07/2020 10:13

Thủy sản Việt Nam: Phát triển bền vững

Chưa có đánh giá về bài viết

Tình trạng khai thác quá mức đã và đang dẫn đến hậu quả nguồn lợi hải sản bị cạn kiệt, nhiều loài có giá trị kinh tế quý hiếm ở vùng ven bờ đang bị đe dọa tuyệt chủng, đời sống của nhiều ngư dân gặp khó khăn. Vì vậy, bảo vệ, khôi phục và phát triển nguồn lợi hải sản và khai thác hợp lý để phát triển bền vững đang là vấn đề cấp thiết đặt.

Khai thác tài nguyên thủy sản

Hiện, nguồn lợi thủy sản vùng gần bờ của nước ta đang suy giảm nghiêm trọng, hiệu quả khai thác liên tục giảm mặc dù số lượng tàu thuyền đánh cá và mức độ cơ giới hoá nghề cá liên tục tăng. Do đó, nguồn lợi hải sản xa bờ đã bước đầu được chú ý khai thác, sản lượng tăng liên tục trong nhiều năm gần đây. Tuy nhiên, trừ một số đối tượng khai thác như cá ngừ, mực đại dương còn có thể tăng sản lượng, nhìn chung nguồn lợi ở vùng xa bờ hạn chế, trữ lượng không lớn.

Nguyên nhân dẫn đến sự suy giảm nguồn lợi, bên cạnh sự đánh bắt quá mức còn là sự suy thoái nghiêm trọng của các hệ sinh thái gần bờ (rạn san hô, rừng ngập mặn, cỏ biển) do sử dụng các phương pháp khai thác huỷ diệt (chất nổ, xung điện) và các công cụ khai thác không lựa chọn.

 

Kinh ngiệm thế giới

Theo kinh nghiệm của một số nước, việc có một khung pháp lý hoàn thiện, chặt chẽ, quy định cụ thể về sản lượng đánh bắt cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát việc thực thi quy định này của pháp luật góp một phần không nhỏ vào việc giảm nguy cơ cạn kiệt nguồn tài nguyên cá ở các vùng biển.

Tổ chức lương thực thế giới (FAO) đã có một văn bản (Bộ luật ứng xử nghề cá có trách nhiệm) quy định rất chi tiết cụ thể về những nội dung liên quan đến việc phát triển nghề cá bền vững ở các nước trên thế giới, trong đó riêng về nội dung sản lượng khai thác cá được FAO đưa ra rất nhiều những khái niệm liên quan đến “sản lượng” khai thác, kèm theo đó là những quy định cụ thể về cường lực đánh bắt, năng lực đánh bắt, các công cụ, các loại tàu cá đi kèm với mỗi loại sản lượng khai thác khác nhau. Những quy định đó thực sự có ý nghĩa trong việc hạn chế tình trạng khai thác quá mức tài nguyên cá trên thế giới hiện nay.

Cùng với đó, tổ chức ASEAN trên cơ sở Bộ luật của FAO cũng đã soạn thảo “Hướng dẫn nghề cá có trách nhiệm” để áp dụng trong khu vực cho phù hợp với đặc điểm các vùng biển, cơ cấu nghề cá trong khu vực của mình. Những văn bản ở cấp độ quốc tế và khu vực nêu trên thực sự có ý nghĩa và là những bài học kinh nghiệm rất hữu ích cho Việt Nam trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Thủy sản nói chung cũng như các quy định liên quan đến sản lượng khai thác nói riêng.

Luật Thủy sản 2003 chỉ có hai điều luật (Điều 11 và Điều 14) có đề cập đến nội dung về sản lượng khai thác, nhưng mới chỉ được đề cập một cách chung chung rằng khai thác thì phải tuân theo đúng quy định về sản lượng mà Bộ NN&PTNT công bố hàng năm. Tuy nhiên, Luật quy định Bộ NN&PTNT có nhiệm vụ hàng năm quy định sản lượng được phép đánh bắt nhưng dường như Bộ đã quên mất công việc này của mình. Đồng thời, chỉ với hai điều luật như thế chưa đủ cơ sở pháp lý để cho các tàu thuyền, ngư dân tiến hành các hoạt động đánh bắt đúng sản lượng, tránh khai thác quá mức.

 

Hướng tới khai thác bền vững

Trên cở sở nghiên cứu, học hỏi pháp luật một số nước trên thế giới cũng như các văn bản luật quốc tế, Luật Thủy sản Việt Nam nên sửa đổi, bổ sung theo hướng và những nội dung cụ thể sau đây để hạn chế tình trạng khai thác quá mức, cạn kiệt nguồn tài nguyên hải sản.

Thứ nhất, nếu không thể có một luật riêng quy định về việc khai thác nguồn tài nguyên hải sản như các nước trên thế giới, thì trong Nghị của Chính phủ nên quy định nhiều hơn, cụ thể hơn, chi tiết hơn những nội dung về khai thác hợp lý nguồn tài nguyên hải sản.

Thứ hai, trong Luật hoặc Nghị định cần phải quy định cụ thể các nội dung sau để hạn chế tình trạng khai thác quá mức. Cụ thể:

Quy định rõ trách nhiệm của Bộ NN&PTNT trong việc ban hành các quy định về: tổng sản lượng cho phép gồm sản lượng phân bổ theo các khu vực và ngư cụ; số tàu có thể đánh cá cùng một lúc trên một ngư trường; Bộ có thể quy định một phần tổng định mức cho mỗi đàn cá đã được xác định; quy định việc đánh bắt những đàn cá đang có nguy cơ bị khai thác quá mức.

Quy định về định mức của tàu, Bộ có thể đề ra quy định quản lý định mức cho các tàu tham gia vào nghề đánh bắt trong một giai đoạn cụ thể cho từng tàu. Định mức cho tàu có thể quy định dựa vào kích cỡ, khả năng tải hàng của tàu và thủy thủ của tàu.

Quy định về tịch thu các sản lượng vượt quá định mức đã quy định, chẳng hạn nếu một tàu vượt quá sản lượng quy định thì sản lượng vượt quá đó sẽ thuộc về tổ chức buôn bán chịu trách nhiệm bán sản lượng trực tiếp. Bộ có thể đặt ra các quy định cho pháp nhân tổ chức buôn bán trả tiền bồi thường cho các phí tổn dỡ hàng của sản lượng vượt trội.

Trách nhiệm báo cáo dữ liệu sản lượng, quy định này yêu cầu chủ tàu phải nộp báo cáo cho cơ quan quản lý về tổng sản lượng, loại cá, thời gian đánh bắt, vùng đánh bắt…

Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản là mục tiêu quan trọng nhất của pháp luật các nước. Thực tế ở Việt Nam, chúng ta cũng đề ra chỉ tiêu phát triển theo nguyên tắc này nhằm bảo vệ nguồn lợi hải sản. Tuy nhiên, để thực hiện được điều này cần phải quy định cụ thể trong Luật Thủy sản những điều khoản thể hiện nguyên tắc đánh cá có trách nhiệm. Bên cạnh đó, việc thành lập các khu bảo tồn biển (ZPM), thiết lập các dãy san hô nhân tạo cũng cần được tiến hành và có một quy chế pháp lý cụ thể.

>> Để ngành thủy sản Việt Nam tiếp tục đóng vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, có tính ổn định, bền vững thì nhiệm vụ quan trọng trước mắt Nhà nước cần nhanh chóng hoàn thiện khung pháp lý để điều chỉnh các hoạt động khai thác hải sản theo hướng bền vững. Đây là công cụ quan trọng nhất để đảm bảo khai thác, quản lý, sử dụng một cách hữu hiệu, dung hoà được mục tiêu kinh tế và mục tiêu bảo vệ môi trường, bảo vệ hệ sinh thái biển.

Th.s Nguyễn Thị Hà

Khoa Luật – Đại họcHuế

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!