Bão số 10 với gió giật mạnh và triều cường dâng cao đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, nhất là cây màu và diện tích nuôi trồng thủy sản ở các địa phương trên địa bàn nhiều tỉnh, thành như: Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh…
Bão số 10 với gió giật mạnh và triều cường dâng cao đã gây nhiều thiệt hại về tài sản
Thái Bình
Do ảnh hưởng của cơn bão số 10, tỉnh Thái Bình có khoảng 2.000 ha đầm nuôi ngao và trên 3.000 ha ao đầm nuôi trồng thủy sản ngoài đê chính bị thiệt hại nặng. Ngập lụt đã nhấn chìm 111,3 ha diện tích hoa màu và nuôi trồng thủy sản của 2.000 hộ dân, trong tổng số 370 ha diện tích đất nông nghiệp toàn xã Vũ Tân, huyện Vũ Thư. Trong đó, có hơn 90 ha hoa màu, chủ yếu gồm ngô, khoai, bắp cải, một số loại hoa màu khác và 15 ha lúa, hơn 5 ha ao đầm. Tại huyện Kiến Xương, gia đình bà Bùi Thị Sâm, thôn 5, xã Vũ Hòa có 3 ha nuôi trồng thủy sản kết hợp chăn nuôi. Nước lớn, ngập tràn qua đê từ sáng nay phủ kín diện tích nuôi trồng thủy sản của gia đình, khiến 4 tấn cá thịt và 1 tấn cá giống mất trắng, thiệt hại ban đầu ước tính 700 triệu đồng.
Nam Định
Theo Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Nam Định, ước tính có trên 2.100 ha nuôi tôm thẻ chân trắng, tôm sú, ngao bên ngoài đê bị vỡ bờ bao và ngập hoàn toàn gây thiệt hại lớn. Trong đó, huyện Giao Thủy có 1.755 ha, Hải Hậu 101 ha, Nghĩa Hưng 249 ha và Xuân Trường 28 ha. Tại huyện Hải Hậu có 10 nhà dân bị tốc mái, sập; gần 150 lều, chòi canh tôm, ngao và lán kinh doanh của người dân ở xã Hải Lý, thị trấn Thịnh Long bị đổ sập, tốc mái. Các huyện Hải Hậu, Giao Thủy có 231 mủng, mảng công suất dưới 20 CV neo đậu ở khuc vực bãi ngang bị va đập gây hư hỏng, sóng đánh chìm.
Thanh Hóa
Nhiều địa phương thiệt hại nặng nề về người và tài sản
Bão số 10 không đổ bộ trực tiếp vào tỉnh Thanh Hóa nhưng mưa lớn kết hợp với triều cường dâng cao đã gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản ở địa phương ven biển này. Mưa bão đã làm một tàu khai thác thủy, hải sản bị chìm. Theo đó, vào khoảng 22h ngày 14/9, tàu khai thác ngao mang số hiệu TH 91418 TS có công suất 210 CV của chủ tàu Nguyễn Văn Cử (thôn Nam Vượng, xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc) trong khi đang neo đậu tại bến thuộc thôn Hậu Trạch, xã Nga Thạch, huyện Nga Sơn thì gặp sự cố nước tràn vào khoang khiến tàu bị chìm. Nuôi trồng thủy hải sản là nguồn thu nhập lớn của bà con nhưng đê bao nuôi trồng thủy sản và bến cá đều đã bị cuốn trôi hoặc sạt lở; 18 km bờ biển Thanh Hóa đã bị nước biển xâm thực. Việc khắc phục là rất khó khăn.
Nghệ An
Bão số 10 với gió giật mạnh và triều cường dâng cao trong ngày 15/9 đã gây nhiều thiệt hại về tài sản, nhất là cây màu và nuôi trồng thủy sản ở huyện Diễn Châu, ước tính thiệt hại hơn 12 tỷ đồng. Diện tích nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại nặng nề với 100 ha, trong đó 70 ha tôm, 30 ha cá đang chuẩn bị đến kỳ thu hoạch, ước tính thiệt hại hàng chục tấn; Gần 4 km đê bao, bờ kè vùng nuôi trồng thủy sản của huyện bị sạt lở.
Hà Tĩnh
3.100 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, mất trắng
Theo Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh, hiện chưa có thống kê chính xác, tuy nhiên số liệu bước đầu toàn tỉnh có 3.100 ha nuôi trồng thủy sản bị ngập, mất trắng; trong đó thiệt hại nặng nề nhất là các huyện: Kỳ Anh (450 ha), thị xã Kỳ Anh (450 ha), Cẩm Xuyên (400 ha). Tổng sản lượng hiệt hại ước khoảng 1.537 tấn tôm; 1.500 tấn cá; 1.200 tấn nhuyễn thể… Số lồng bè bị hư hỏng khoảng 100 cái. Ngoài ra, hàng trăm máy phát điện, máy bơm, cơ sở vật chất hạ tầng ao nuôi cũng bị bão tàn phá hư hỏng nặng, thiệt hại hàng chục tỷ đồng.