Tiền Giang: Đẩy mạnh công nghệ trong nuôi thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 422 ha diện tích nuôi trồng thủy sản (NTTS) đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn quốc tế về NTTS bền vững (ASC).

Hiện nay, ngành chức năng của tỉnh đang phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới như nuôi sinh thái, nuôi cấy ghép… thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phát triển nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.

Điển hình như tại bãi biển thuộc xã Tân Thành, huyện Gò Công Đông, người dân được hướng dẫn nuôi nghêu áp dụng khoa học – công nghệ trong quá trình sản xuất nhằm tăng chất lượng sản phẩm, nâng cao ý thức cộng đồng trong quản lý rác thải, phục hồi hệ sinh thái biển…Đồng thời, người nuôi cũng được hỗ trợ thực hiện các nội dung của Dự án Khu bảo tồn nghêu giống và nghêu bố mẹ tại vùng nuôi nghêu bãi biển xã Tân Thành.

Người dân thu hoạch nghêu ở huyện Gò Công Đông, Tiền Giang. Ảnh: ST

Đến nay, vùng nuôi nghêu của huyện Gò Công Đông có 350 ha đạt chứng nhận tiêu chuẩn ASC, trở thành vùng nuôi nghêu thứ 4 của nước ta và cũng là vùng nuôi nghêu thứ 4 trên thế giới đạt chứng nhận này. Đây được xem là giấy thông hành đưa nghêu Việt Nam đi vào nhiều thị trường khó tính như châu Âu, Nhật Bản…

Ông Lê Văn Sơn, Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, UBND huyện đang phối hợp với Trung tâm Hợp tác quốc tế nuôi trồng và khai thác thủy sản bền vững (ICAFIS), Tổ chức OXFAM và xây dựng vùng quản lý khai thác nghêu tại Gò Công Đông, theo tiêu chuẩn của Hội đồng Quản lý biển (MSC).

Ngoài nghêu, vùng ven biển của Tiền Giang cũng đang được phát triển nuôi sò huyết, hàu, tôm và các loại cá. Trong đó, ưu tiên mở rộng nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng công nghệ mới do nguồn nước nhiễm mặn và nước lợ thuận lợi cho tôm phát triển.

Hiện, diện tích thả nuôi tôm khu vực ven biển của Tiền Giang đạt khoảng 4.895 ha, trong đó, diện tích thả nuôi thâm canh hơn 3,2 ha, sản lượng khoảng 19.850 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông.

Ông Lê Thanh Đằng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Phú Đông cho biết, vùng nuôi thủy sản của huyện đã được ngành chức năng tỉnh đầu tư phát triển theo Dự án Nam Gò Công. Nhiều công trình thủy lợi phục vụ nuôi và khai thác thủy, hải sản liên tục được xây dựng, tôm được nuôi theo hình thức quảng canh và công nghiệp.

Các ngành chuyên môn đã tích cực hướng dẫn người nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào trong nuôi tôm nước lợ như: Mô hình ứng dụng men vi sinh kết hợp sục khí đáy trong nuôi tôm thẻ chân trắng và mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn. 

Đến thời điểm này, Tiền Giang đã thả nuôi được gần 3.800 ha thủy sản, chủ yếu là tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cá da trơn… Trong năm nay, tỉnh đặt mục tiêu mở rộng diện tích nuôi thủy sản ở các vùng sinh thái ngọt, lợ, mặn lên đến 15.000 ha.

Cùng với đó, ngành chức năng Tiền Giang cũng tiến hành kiểm tra, lập biên bản vi phạm, xử lý các trường hợp NTTS trái phép khu vực ven biển trên địa bàn. Đồng thời, tuyên truyền, vận động người dân chấp hành quy định về NTTS trên biển để được hỗ trợ hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật canh tác, nuôi trồng mang lại năng suất cao, gắn với liên kết tiêu thụ phát triển bền vững.

Minh Khuê

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!