(TSVN) – Theo Chi cục Thống kê Tiền Giang, nuôi trồng thủy sản của địa phương tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặt biệt các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường.
Sản lượng thủy sản nuôi trồng của Tiền Giang trong tháng 4/2025 ước đạt 17.663 tấn, tăng 3,1% so cùng kỳ, tương ứng tăng 527 tấn. Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, sản lượng thu hoạch được 57.553 tấn, tăng 2,2% so cùng kỳ, tương ứng tăng 1.219 tấn, bao gồm: cá đạt 42.135 tấn (tăng 2,1%); tôm đạt 7.856 tấn (tăng 2,2%); thủy sản khác đạt 7.562 tấn (tăng 2,7%).
Nuôi trồng thủy sản tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đặt biệt các vùng nuôi tôm, cá tập trung ứng dụng công nghệ cao và thân thiện với môi trường. Ngành chức năng tỉnh đang phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới: nuôi sinh thái, nuôi cấy ghép,… thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu nhằm phát triển nguồn lợi thủy sản một cách bền vững.
Năm 2025, Tiền Giang sẽ mở rộng diện tích nuôi thủy sản ở các vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn lên khoảng 15.000 ha
Địa phương hiện đã thả nuôi được gần 3.800 ha thủy sản, chủ yếu tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cá da trơn,… Trong năm 2025, tỉnh sẽ mở rộng diện tích nuôi thủy sản ở các vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn lên khoảng 15.000 ha.
Toàn tỉnh Tiền Giang có hơn 422 ha diện tích nuôi trồng thủy sản đạt chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, các tiêu chuẩn quốc tế về nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC). Đặc biệt, vùng nuôi nghêu của huyện Gò Công Đông có 350 ha đạt chứng nhận đạt tiêu chuẩn ASC, trở thành vùng nuôi nghêu thứ 4 của Việt Nam và cũng là vùng nuôi nghêu thứ 4 trên thế giới đạt chứng nhận này. Đây được xem là giấy thông hành đưa nghêu Việt Nam đi vào nhiều thị trường khó tính như: châu Âu, Nhật Bản…
Ngoài nghêu, vùng ven biển của Tiền Giang cũng đang được phát triển nghề nuôi sò huyết, hàu, tôm và các loại cá. Trong đó, tôm thẻ chân trắng được ngành chức năng chú trọng mở rộng diện tích, áp dụng công nghệ mới do nguồn nước nhiễm mặn và nước lợ thuận lợi cho tôm phát triển.
Hiện, diện tích thả nuôi tôm khu vực ven biển của tỉnh Tiền Giang đạt khoảng 4.895 ha, trong đó, diện tích thả nuôi thâm canh hơn 3,2 ha, sản lượng ước khoảng 19.850 tấn/năm, tập trung chủ yếu tại 2 huyện Tân Phú Đông và Gò Công Đông.
Thời gian qua, ngành chức năng tỉnh Tiền Giang đã hướng dẫn người nuôi áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào trong nuôi tôm nước lợ như: Mô hình ứng dụng men vi sinh kết hợp sục khí đáy trong nuôi tôm thẻ chân trắng và mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng 2 giai đoạn. Các địa phương ven biển của tỉnh Tiền Giang đang tiến hành tập huấn, tổ chức hội thảo, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng những mô hình nuôi thủy sản phù hợp, hiệu quả để người dân nghiên cứu, áp dụng.
Nguyễn Hằng