Tiền Giang: Quan tâm phát triển nuôi trồng thủy sản

Chưa có đánh giá về bài viết

(TSVN) – Theo ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Tiền Giang, thời gian qua, địa phương quan tâm phát triển nuôi trồng thủy sản ở cả ba vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn với những đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao.

Tiền Giang có 32 km bờ biển, án ngữ ba cửa sông lớn cùng nhiều cù lao, cồn bãi ven biển có tiềm năng lớn về phát triển nuôi thủy sản đóng góp vào tăng trưởng kinh tế vùng duyên hải phía Đông.

Lũy kế 4 tháng đầu năm 2025, sản lượng thủy sản thu hoạch của Tiền Giang đạt 57.553 tấn, tăng 2,2% so cùng kỳ, tương ứng tăng 1.219 tấn, bao gồm: cá đạt 42.135 tấn (tăng 2,1%); tôm đạt 7.856 tấn (tăng 2,2%); thủy sản khác đạt 7.562 tấn (tăng 2,7%).

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Tiền Giang, định hướng của địa phương là đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường, giảm thiểu rủi ro, hình thành những vùng nuôi tập trung tạo nguồn nguyên liệu chất lượng phục vụ tiêu dùng và chế biến xuất khẩu.

Tiền Giang định hướng đa dạng hóa đối tượng và phương thức nuôi để đáp ứng nhu cầu thị trường. Ảnh: Trần Liêm

Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã quan tâm phát triển nuôi trồng ở cả ba vùng sinh thái: ngọt, lợ, mặn với những đối tượng nuôi thủy sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú, tôm thẻ chân trắng, nghêu,… ở vùng ven biển Gò Công; nuôi cá da trơn, nuôi tôm càng xanh, nuôi cá đồng ở vùng kiểm soát lũ phía Tây và vùng Đồng Tháp Mười. 

Ngoài các đối tượng chủ lực như nghêu, tôm còn có các đối tượng nuôi truyền thống như cá rô phi, cá tra giống,…

Các địa phương trong tỉnh đã tập trung đẩy mạnh phát triển nuôi trồng thủy sản trên cơ sở phát huy tiềm năng, lợi thế so sánh của vùng hướng đến hình thức nuôi thâm canh công nghiệp. Tiếp tục phát triển các mô hình nuôi trồng thủy sản áp dụng công nghệ mới, thân thiện môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, các mô hình nuôi sinh thái; các mô hình áp dụng các tiêu chuẩn chứng nhận thực hành nuôi trồng thủy sản tốt (GAP), các tiêu chuẩn quốc tế về nuôi trồng thủy sản bền vững (ASC); áp dụng mô hình nuôi ghép, nuôi 2 hoặc 3 giai đoạn; quy trình nuôi tuần hoàn,… để nâng cao giá trị và phát triển bền vững.

Trong đó, huyện duyên hải Gò Công Đông và Tân Phú Đông đang tích cực phát huy tiềm năng nuôi thủy sản ven biển và cửa sông hạ lưu sông Tiền nhằm tạo nguồn nông sản có giá trị chế biến xuất khẩu, giúp người dân tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.

Đối với nuôi trồng, huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông chủ trương khai thác tiềm năng đất bãi bồi và lợi thế nguồn nước lợ, mặn để nuôi các đối tượng phù hợp, có giá trị kinh tế cao: Nghêu, tôm sú, tôm thẻ chân trắng,… tạo nguồn nguyên liệu phục vụ ngành công nghiệp chế biến xuất khẩu, giúp giải quyết công ăn việc làm và thu nhập cho nông dân vùng khó khăn cũng như xây dựng và nhân rộng những mô hình làm ăn hiệu quả, thích ứng biến đổi khí hậu. 

Các xã ven biển đã định hình được những vùng nuôi thủy sản xuất khẩu tập trung như: Nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở Tân Điền, Tân Thành, Kiểng Phước (huyện Gò Công Đông), nuôi nghêu ở Tân Thành (Gò Công Đông), nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng ở khu vực cồn Cống, xã Phú Tân, Phú Đông, Phú Thạnh (huyện Tân Phú Đông),…

Hiện, huyện Gò Công Đông đã mở rộng diện tích nuôi thủy sản mặn, lợ lên trên 3.000 ha, trong đó có 2.200 ha nuôi nghêu và gần 900 ha nuôi tôm, đây là những đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao. Trong khi đó, huyện Tân Phú Đông cũng đưa gần 7.600 ha mặt nước vào nuôi thủy sản lợ, mặn mỗi năm với nhiều mô hình nuôi phù hợp và hiệu quả như: tôm – lúa, nuôi tôm thâm canh, nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao,… là một trong những vùng nuôi trọng điểm của tỉnh Tiền Giang.

Lê Loan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!