Sau nhiều năm nuôi tôm kém hiệu quả, cùng với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, ông Đoàn Văn Đức, ấp Xóm Rẫy, xã Kiểng Phước, huyện Gò Công Đông, tỉnh Tiền Giang đã tìm hướng đi mới. Đó là gia đình đã mạnh dạn chuyển từ nuôi tôm sang nuôi cá kiểng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Lúc đầu, gia đình ông Đức nuôi thử nghiệm 1 ao cá Koi với diện tích 1.000 m2, thu hoạch được từ 600 – 700 kg, nhưng chỉ bán lẻ vì chưa có mối tiêu thụ. Do tiếng đồn ông Đức nuôi cá phát triển tốt, đẹp, giá phải chăng nên nhiều thương lái tìm đến mua. Sau khi có đầu ra ổn định, gia đình ông phát triển lên 5 ao, rồi 10 ao nuôi… cá Koi sau gần 10 năm nuôi. Đến nay, gia đình ông có hơn 30 ao nuôi cá Koi, sản lượng xuất bán lên đến hàng tấn mỗi năm.
Ông Đoàn Văn Đức bên ao nuôi cá Koi của gia đình
Ao nuôi cá đủ các kích cỡ, từ cá bột đến cá con, cá trưởng thành. Hiện nay, sản lượng cá của ông không đủ cung cấp cho các đại lý. Với giá bán từ 250 – 350 ngàn đồng/kg, sau khi trừ chi phí, ông lãi trên 100 triệu đồng/năm.
Số lượng nuôi ngày càng nhiều, gia đình ông phải thuê thêm 10 nhân công để phụ việc. Ông Đức cho biết, nuôi cá koi cũng lắm công phu, để nuôi cá Koi số lượng lớn phải chọn ao nuôi từ 1.000 – 2.000 m2, ánh sáng đầy đủ. Ao nuôi gần nguồn nước để chủ động thay nước. Người nuôi cần chú ý đến những vấn đề về sinh, lý tính trong nguồn nước nuôi…
Mô hình nuôi cá Koi giúp gia đình ông Đức nâng cao thu nhập, ổn đinh kinh tế
Hiện nay, cá Koi của ông cung ứng cho các đại lý ở TP. Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, với đầu ra tương đối ổn định. Hiện giá cá Koi nhập khẩu còn đắt, để có sản lượng nhiều hơn, mở rộng thị trường tiêu thụ, ông Đức đang nghiên cứu lai tạo để cung cấp cho thị trường giống cá này với giá thấp hơn, để người nuôi dễ tiếp cận.