Tiếp chuyện “nóng” ở Sóc Trăng: Tài sản doanh nghiệp của ai?

Chưa có đánh giá về bài viết

(Thủy sản Việt Nam) – Tạp chí Thủy sản Việt Nam ra ngày 16/2/2012 có bài “Chuyện nóng ở Sóc Trăng – Một doanh nghiệp thủy sản nguy cơ tan rã” phản ánh vụ tranh chấp thành viên Công ty TNHH Kim Anh (Công ty Kim Anh), chủ yếu mới nêu ý kiến một bên. Gần đây, có điều kiện làm việc với đại diện doanh nghiệp và thu thập thêm tài liệu, chúng tôi có bài viết này để đảm bảo thông tin đầy đủ, khách quan.

Công ty Kim Anh, tiền thân là DNTN Kim Anh do ông Đỗ Ngọc Quí làm chủ sở hữu được thành lập ngày 17/12/1992. Năm 1994, DNTN Kim Anh chuyển đổi thành Công ty Kim Anh. Theo Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và đăng ký thuế, Công ty Kim Anh có 6 thành viên góp vốn, bà Hoàng Thị Kim Anh và 5 người con: Đỗ Ngọc Quí, Dương Việt Trung, Đỗ Ngọc Tài, Đỗ Ngọc Tươi, Đỗ Thị Ngọc Sương. Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc là ông Đỗ Ngọc Quí; Phó giám đốc là các ông Dương Việt Trung, Đỗ Ngọc Tài.

Công ty Kim Anh hiện có các đơn vị trực thuộc là Xí nghiệp Chế biến thực phẩm Thái Tân, các Công ty TNHH MTV Ngọc Thu, Ngọc Thái, Ngọc Sương. Sau nhiều năm xây dựng, Công ty Kim Anh đã tạo dựng được thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước về chế biến thủy sản.

Năm 2009, sau khi các thành viên trên giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có thư mời họp để thay đổi đại diện pháp luật của Công ty, thì Công ty Kim Anh có đơn khởi kiện đến TAND tỉnh Sóc Trăng, yêu cầu công nhận toàn bộ vốn góp vào Công ty Kim Anh là của ông Đỗ Ngọc Quí, Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm đại diện pháp luật, bác bỏ tư cách thành viên của những người còn lại. Từ đó, phát sinh vụ kiện “tranh chấp thành viên Công ty” giữa các thành viên trong một gia đình.

Ông Đỗ Ngọc Quí cho rằng, “qua hơn 20 năm kinh doanh, tôi đã một mình tạo lập nên sự nghiệp của Công ty Kim Anh như ngày hôm nay; toàn bộ tài sản, công sức, mồ hôi, nước mắt và tâm huyết của tôi đã đổ hết vào Công ty Kim Anh. Tất cả các thành viên đứng tên giúp tôi trên giấy phép hoàn toàn không biết gì về tình hình hoạt động, kinh doanh, phát triển của Công ty Kim Anh từ khi thành lập cho đến nay, mà họ chỉ biết ký tên giúp tôi khi tôi cần làm các thủ tục mà theo quy định cần phải có các chữ ký của các thành viên có tên trên giấy phép. Từ mâu thuẫn cá nhân, hai người em của tôi là Đỗ Ngọc Tài và Đỗ Thị Ngọc Sương đã rắp tâm lôi kéo mẹ tôi và anh chị em trong gia đình chống đối tôi cho thỏa sự ganh tị, thù vặt nhất thời”.

 


Xí nghiệp Chế biến thực phẩm Thái Tân thuộc Công ty Kim Anh

 

Ý kiến của bậc làm cha

Ông Dương Thái Bảo là chồng của bà Kim Anh, làm Trưởng phòng Tổ chức Công ty Kim Anh từ khi thành lập đến nay. Ông cho biết, ông lấy bà Kim Anh năm 1953, trong chiến khu, có một con là Dương Việt Trung đang làm PGĐ Công ty Kim Anh (và tham gia tranh chấp). Cũng theo ông Bảo, bà Kim Anh còn có 2 đời chồng sau, trong đó, với người chồng thứ ba sinh ra những người con đang tranh chấp tài sản.

“DNTN Kim Anh do Quí thành lập năm 1992, bằng tài sản của Quí. Năm 1994, khi chuyển thành Công ty Kim Anh thì mọi tài sản của DNTN Kim Anh trước đó chuyển thành tài sản của Công ty Kim Anh”, ông Bảo nói. Về giấy phép kinh doanh của Công ty Kim Anh có nhiều thành viên trong gia đình góp vốn, ông Bảo giải thích, quy định pháp luật lúc đó “phải có nhiều thành viên mới thành lập được Công ty, nên Quí nhờ anh em trong gia đình đứng tên giùm cho Quí là: Dương Việt Trung, bà Hoàng Thị Kim Anh, Đỗ Ngọc Tài, Đỗ Ngọc Tươi, Đỗ Thị Ngọc Sương. Vốn các thành viên trong gia đình nắm giữ chỉ trên danh nghĩa giấy tờ, việc ghi số liệu như vậy để hợp thức hóa thủ tục thành lập Công ty”.

 

Ý kiến của kế toán trưởng

Bà Trần Mỹ Lệ, Kế toán trưởng Công ty Kim Anh từ ngày thành lập đến nay, vợ của ông Dương Việt Trung, có “đơn tường trình về việc góp vốn, hoạt động tài chính, kế toán của Công ty Kim Anh”.

Tường trình cho biết, khi chuyển đổi sang Công ty Kim Anh, vốn hoạt động là lấy toàn bộ từ tài sản của DNTN Kim Anh do ông Đỗ Ngọc Quí làm chủ, không có thành viên nào góp thêm. Quá trình mở rộng kinh doanh, Công ty Kim Anh nhiều lần thay đổi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, tăng vốn điều lệ, ông Quí cũng “nhờ các anh chị em có tên trong danh sách thành viên ký tên vào các giấy tờ, thủ tục kê khai theo mẫu của Sở KH-ĐT quy định”.

Trong điều lệ của Công ty Kim Anh có ghi “các phần hùn đã được góp đủ”, bà Lệ cho là “số liệu hình thức”. Bà khẳng định “không có khoản tiền nào của các thành viên đó nhập vào hệ thống sổ sách kế toán do tôi phụ trách, cũng không có khoản tiền thực, tài sản thực nào nhập vào quỹ Công ty Kim Anh”.

Về bản kiểm toán năm 1998 để chuẩn bị xây dựng xí nghiệp Thái Tân, và kiểm toán năm 2006 theo yêu cầu của Bộ Thương mại Mỹ ở vụ kiện chống bán phá giá, trong đó có ghi thành viên góp vốn, bà Lệ nói “cũng là khống mà thôi”. Bà giải thích “thực tế, tôi không ký các biên nhận nhận góp vốn là tiền hoặc tài sản nào. Hệ thống sổ sách tài chính, kế toán do tôi quản lý và thủ quỹ Công ty nắm giữ không có các khoản này. Việc làm sổ sách chỉ nhằm thể hiện một kết quả kinh doanh tốt, để Bộ Thương mại Mỹ tiếp tục cho Công ty Kim Anh hưởng các ưu đãi trong việc xuất nhập khẩu vào Mỹ”.

 

Người không tranh chấp

Ông Trương Tiết Thanh, nhân viên của Phòng Tổ chức Công ty Kim Anh, là con duy nhất của bà Kim Anh với người chồng thứ hai. Ông Thanh cho biết, “tôi là một thành viên trong gia đình, không tham gia tranh chấp vốn góp trong vụ kiện trên. Cũng không yêu cầu thừa kế phần vốn góp của bà Kim Anh trong Công ty”.

Với bản tự khai đề ngày 6/3/2012, ông Thanh viết: “Tôi xin khẳng định một lần nữa, tài sản của DNTN Kim Anh trước đây và Công ty Kim Anh hiện nay đều do ông Đỗ Ngọc Quí tự gây dựng nên”, vì “ông Quí là người giỏi nhất trong nhà và biết cách làm ăn”. Cũng trong bản tự khai, “hồi nhỏ ông Quí có đi buôn tôm cá ngoài chợ. Sau đó, ông Quí thành lập đại lý thu mua nông thủy sản. Năm 1992, ông Quí thành lập DNTN Kim Anh, sau đó đến năm 1994, ông Quí chuyển đổi thành Công ty Kim Anh”.

 Vẫn ông Thanh, “vì thực chất các thành viên của Công ty không góp vốn” nên hàng năm không có việc chia lãi, “dịp lễ, tết ông Quí thường thưởng tiền nhiều cho các thành viên Công ty, coi như sự bù đắp và trả công cho việc đứng tên giùm”. Hàng tháng, các thành viên đều được “Công ty Kim Anh trả lương để lo cuộc sống cá nhân và gia đình, riêng mẹ tôi (bà Kim Anh) không nhận lương”.

 

Đoạn kết

Vụ kiện tranh chấp thành viên Công ty Kim Anh được TAND tỉnh Sóc Trăng thụ lý, đã hòa giải nhiều lần nhưng không thành do hai bên giữ quan điểm đối lập. Ngày 16/3/2012, Phòng Đăng ký kinh doanh của Sở KH-ĐT tỉnh Sóc Trăng có quyết định “không công nhận nội dung khiếu nại của ông Dương Việt Trung” về việc thay đổi người đại diện theo pháp luật ở Công ty TNHH MTV Ngọc Sương, thuộc Công ty Kim Anh, vì việc làm của Phòng “là đúng”.

Tạp chí Thủy sản Việt Nam đề cập vụ này vì nhận thấy có tính chất điển hình của các doanh nghiệp thủy sản nói riêng và doanh nghiệp nước ta nói chung, trong quá trình nền kinh tế chuyển đổi từ cơ chế bao cấp sang cơ chế thị trường. Quá trình ấy, doanh nghiệp phải gỡ bỏ nhiều hệ lụy do cơ chế cũ để lại, tiến tới khoa học quản trị minh bạch, rất khó khăn nhưng không thể không trải qua. Theo chiều hướng ấy, cũng hy vọng TAND tỉnh Sóc Trăng sẽ giải quyết vụ tranh chấp đúng pháp luật, tạo điều kiện giữ vững một doanh nghiệp lớn của ngành thủy sản nước ta, giữ ổn định xã hội, góp phần cho doanh nghiệp phát triển.

Phạm Duy Tương

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!