Tiếp tục chỉ đạo thực hiện bảo hiểm nông nghiệp thủy sản tại ĐBSCL

Chưa có đánh giá về bài viết

Ngày 29/1, tại TP.HCM, liên Bộ Tài chính – Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức cuộc họp với các tỉnh thực hiện thí điểm bảo hiểm thủy sản tại Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình thực hiện Bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) thủy sản.

Thứ trưởng Trần Xuân Hà phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh:K.H)

Tại cuộc họp, các ban chỉ đạo địa phương cho biết, thời gian qua, việc thực hiện BHNN đối với thủy sản tại các tỉnh Sóc Trăng, Bạc Liêu, Trà Vinh, Cà Mau, Bến Tre đã phát sinh một số vấn đề nghiêm trọng trong công tác quản lý, giám sát, bồi thường cần được chỉ đạo chấn chỉnh. Đặc biệt, công tác giám sát rủi ro và phòng chống trục lợi bảo hiểm hiện đang phát sinh nhiều hệ lụy, và đây là công tác có ý nghĩa then chốt trong việc bảo đảm ý nghĩa và sự phát triển bền vững của chương trình thí điểm.

Sau khi ghi nhận ý kiến bàn thảo, liên Bộ đã thống nhất các nguyên tắc và phương thức cụ thể để tiếp tục chỉ đạo thực hiện BHNN trong thời gian tới. Theo đó, ngoài việc tiếp tục kiên định tuân thủ nguyên tắc bồi thường theo thực tế thiệt hại của Luật Kinh doanh bảo hiểm, cần phải khẳng định trách nhiệm chủ đạo của các ban chỉ đạo BHNN địa phương và các doanh nghiệp bảo hiểm.

Đối với cơ quan quản lý nhà nước cấp bộ, tuy hành lang pháp lý cho hoạt động BHNN vận hành đã được ban hành kịp thời, đầy đủ và nhanh chóng nhưng vẫn cần có những chỉnh sửa cần thiết hơn, dễ áp dụng hơn vào thực tiễn. Trong thời gian tới, các điều khoản, quy tắc bảo hiểm sẽ được sửa đổi, bổ sung theo hướng thắt chặt hơn các kẽ hở có thể hình thành động cơ trục lợi để việc thực hiện BHNN tuân thủ theo đúng hướng.

Tại cuộc họp này, có nhiều ý kiến lo ngại nếu các ban chỉ đạo BHNN địa phương và doanh nghiệp bảo hiểm không nâng cao hơn nữa vai trò chủ đạo trong công tác thực hiện và nếu người dân không hiểu hết quy trình, nguyên tắc bảo hiểm dẫn tới thắc mắc, khiếu kiện kéo dài… sẽ cản trở việc triển khai mô hình ra diện rộng. Khi đó, người chịu thiệt thòi nhiều nhất chính là người nuôi trồng thủy sản khi không còn cơ hội được sử dụng phương thức bù đắp rủi ro tài chính tiên tiến, hiện đại này trong sản xuất.

Về quan điểm triển khai, theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà, các cơ quan chức năng trong quá trình thực hiện BHNN cần đặc biệt chú ý một số vấn đề như: Cần quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, tuy nhiên phải đảm bảo an toàn, làm đến đâu chắc chắn đến đó vì bảo hiểm nông nghiệp là một chính sách mới và có liên quan đến lợi ích của người dân; Nắm chắc chính sách, chế độ của Nhà nước đã ban hành đối với thí điểm bảo hiểm trong nông nghiệp, tổ chức hướng dẫn cụ thể để các địa phương, các đơn vị triển khai thống nhất; Trong quá trình thực hiện nếu có vấn đề khó khăn vướng mắc, các địa phương phản ánh về Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có điều chỉnh cơ chế, chính sách và biện pháp giải quyết phù hợp.

Ngoài ra, cần quản lý giám sát chặt chẽ quá trình triển khai, hỗ trợ kinh phí cho các đối tượng chính sách, giải quyết bồi thường đúng chế độ quy định đảm bảo lợi ích người dân, quản lý chi tiêu tiết kiệm, hiệu quả nguồn kinh phí của Ngân sách Nhà nước cũng như kinh phí của doanh nghiệp bảo hiểm…

Kim Hoa

Báo Hải Quan

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!