Tại Hội thảo quốc tế “Chủ quyền trên hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa – những khía cạnh lịch sử và pháp lý” (Quảng Ngãi ngày 27 – 28/4/2013), nhiều học giả tiếp tục phản bác “đường lưỡi bò” của Trung Quốc.
Các đại biểu tham dự Hội thảo đều phản đối “đường lưỡi bò” của Trung Quốc
Tiếng nói cho Hoàng Sa
Hội thảo do Trường Đại học Phạm Văn Đồng tổ chức, có sự tham dự của hơn 50 học giả quốc tế, Việt kiều, chuyên gia đầu ngành thuộc nhiều trường đại học, viện nghiên cứu đến từ Mỹ, Nga, Canada, Thụy Điển, Australia, Ấn Độ, Hàn Quốc, Philippines, Việt Nam và đại diện một số bộ, ban, ngành, địa phương trong nước.
13 bản tham luận và hàng chục ý kiến trao đổi tập trung vào các vấn đề đang nổi lên ở Biển Đông.
GS-TS, nhà sử học Nguyễn Quang Ngọc với ý kiến mạnh mẽ: “Tôi rất hoan nghênh và cảm phục tinh thần, quyết tâm của Philippines trong việc kiện Trung Quốc về vấn đề Biển Đông. Tôi tin chắc Tòa án Quốc tế không thừa nhận đường lưỡi bò của Trung Quốc. Đường lưỡi bò không có cơ sở lịch sử pháp lý nào, không ai ủng hộ. Người ta phủ quyết cái đó thì sẽ có lợi cho Việt Nam và nhiều nước trong cuộc tranh chấp này”.
Các tham luận đã phân tích các khía cạnh luật pháp quốc tế liên quan đến thụ đắc lãnh thổ; theo đó Việt Nam đã xác lập và thực thi chủ quyền đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa một cách hòa bình, liên tục, phù hợp luật pháp quốc tế. Trung Quốc dùng vũ lực chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa năm 1974 và một số bãi ngầm ở quần đảo Trường Sa năm 1988 là hoàn toàn vi phạm luật pháp quốc tế.
TS Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ, nhấn mạnh: Tôi rất vui khi thấy tuyên bố của Bộ Ngoại giao Việt Nam trong việc ủng hộ Philippines kiện Trung Quốc. Thế mạnh của chúng ta là chân lý và pháp lý cho nên chúng ta phát huy điều đó và chúng ta góp sức cản trở tất cả những việc làm thiếu lành mạnh của Trung Quốc”.
Ủng hộ Philippines
Đề cập việc Philippines khởi kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài theo phụ lục 7 của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982, các ý kiến tại Hội thảo cho rằng hành động khởi kiện của Philippines phù hợp Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế. Việc làm của Philippines đã mở ra cục diện mới cho giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp pháp lý. Việc Trung Quốc từ chối tham gia vụ kiện của Philippines cho thấy Trung Quốc hoàn toàn không có cơ sở pháp lý cho các yêu sách của họ ở Biển Đông.
Các đại biểu cũng thảo luận nhiều về tình hình Biển Đông thời gian gần đây; phê phán yêu sách phi lý “đường lưỡi bò” ở Biển Đông, đồng thời chỉ ra rằng việc Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động nhằm thực thi yêu sách “đường lưỡi bò” chính là nguyên nhân gây căng thẳng ở Biển Đông. Việc Trung Quốc thành lập cái gọi là “thành phố Tam Sa” với vùng biển rộng 2 triệu km2 và đang ráo riết triển khai các hoạt động củng cố “Tam Sa”, nhất là việc Trung Quốc thiết lập cơ quan chỉ huy quân sự ở “Tam Sa”, ban hành “Điều lệ quản lý trị an biên phòng tỉnh Hải Nam” là nhằm khống chế, kiểm soát, đe dọa hoà bình, ổn định và an ninh an hàng hải ở Biển Đông.
Chứng kiến Lễ khao Lề thế lính Hoàng Sa của người dân Lý Sơn – Ảnh: Lê Văn Chương
Nhiều báo cáo, tham luận đã đưa ra bằng chứng, căn cứ pháp lý lịch sử khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa; đồng thời chỉ rõ Trung Quốc hoàn toàn không có chứng cứ để khẳng định chủ quyền của họ đối với 2 quần đảo này, lãnh thổ Trung Quốc kết thúc ở đảo Hải Nam.
Các đại biểu cho rằng hòa bình, ổn định, bảo đảm tự do, an ninh an toàn hàng hải ở Biển Đông là lợi ích chung của các nước trong và ngoài khu vực. Các quốc gia ven Biển Đông cần tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển 1982, thực hiện đầy đủ và nghiêm túc Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm xây dựng Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC). Các tranh chấp ở Biển Đông cần được giải quyết bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực.
>> Nhiều học giả lên tiếng phê phán rất mạnh mẽ những tham vọng của Trung Quốc, nhất là những yêu sách vô lý; “Đường lưỡi bò” là cản trở quá trình các bên đang muốn ngồi với Trung Quốc để đàm phán C.O.C; Trung Quốc tuyên bố một đằng, thực tế làm một nẻo. |