Tiêu chuẩn ASC cho cá tra: Cơ hội và thách thức

Chưa có đánh giá về bài viết

Trên thế giới hiện có hơn 30 hệ thống tiêu chuẩn nuôi trồng thủy sản bền vững; mỗi hệ thống đều có điểm khác biệt nhưng nhìn chung đều quan tâm những vấn đề bền vững được xác định trong Bộ Quy tắc ứng xử nuôi trồng thủy sản có trách nhiệm của FAO. ASC là một tiêu chuẩn như vậy.

Nhu cầu lớn

Điểm khác biệt nhất so với các tiêu chuẩn khác là ASC đặc biệt chú trọng các vấn đề về bảo tồn hệ sinh thái và an sinh xã hội. Những lợi ích từ việc áp dụng tiêu chuẩn ASC là việc giảm thiểu tác động tiêu cực tới môi trường, tăng cường hiệu quả sản xuất (giảm tỉ lệ tiêu thụ thức ăn, tỉ lệ chết), cải thiện an sinh xã hội cho người lao động cũng như cộng đồng dân cư xung quanh vùng nuôi.

Áp dụng tiêu chuẩn ASC không chỉ góp phần quan trọng phát triển bền vững cá tra mà còn liên quan sự sống còn của doanh nghiệp và người nuôi cá tra quy mô nhỏ; đồng thời, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh cá tra Việt Nam trên thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc áp dụng ASC đang gặp nhiều khó khăn cả về kỹ thuật lẫn chi phí đầu tư.

Tiêu chuẩn ASC dựa trên 7 yêu cầu chính, trong đó nhấn mạnh trách nhiệm của trại nuôi đối với môi trường và xã hội. Đó là các yêu cầu về: tuân thủ pháp lý, thiết kế xây dựng, quản lý trang trại, tránh tác động tiêu cực đến môi trường và người sử dụng, giảm tác động tiêu cực đến đất và nước, giảm thiểu tác động lên tính nguyên vẹn về di truyền của quần thể cá tra nội địa. ASC cũng đặt ra yêu cầu về việc sử dụng và quản lý thức ăn cho cá, kiểm soát sức khỏe, thuốc thú y và hóa chất nhằm giảm thiểu tác động lên hệ sinh thái và sức khỏe con người trong khi vẫn tối đa sức khỏe, an sinh cá, an toàn vệ sinh thực phẩm và cuối cùng là giải quyết xung đột giữa những người sử dụng, trách nhiệm xã hội.

ASC giúp ngành cá tra phát triển bền vững – Ảnh: Phan Thanh Cường

Tiêu chuẩn ASC đã đặt ra nhiều yêu cầu rất cụ thể liên quan trách nhiệm xã hội mà lâu nay nhiều chủ trại nuôi cá tra còn chưa mấy để ý hoặc chưa quan tâm thực hiện đầy đủ. Chẳng hạn như, đối với thực hiện các quy định của Luật Lao động, hiện nhiều doanh nghiệp, trại nuôi cá, nhất là hộ nuôi riêng lẻ còn vướng khi muốn thực hiện theo tiêu chuẩn ASC do chưa nhận diện và cung cấp đầy đủ các chế độ phúc lợi đối với người lao động. Tình trạng thường gặp phải tại nhiều trại nuôi cá là chủ trại không ưu tiên sử dụng lao động địa phương, không chứng minh được việc đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm tai nạn cho người lao động theo luật, không có quy định trả lương về việc làm thêm giờ, trực đêm hay làm việc vào ngày lễ, người lao động không được rời khỏi trang trại nuôi cá khi hết giờ làm.

Một trong những yêu cầu quan trọng là cấp chứng nhận ASC phải đáp ứng yêu cầu “đánh giá tác động xã hội có sự tham gia của các bên (pSIA)”, đây là một trong những yêu cầu tương đối mới với doanh nghiệp, trang trại nuôi cá và cũng khá là phức tạp, theo các chuyên gia tư vấn và các doanh nghiệp, trại nuôi cá tra nhận định đây là một yêu cầu khó, những vùng nuôi có diện tích nhỏ thì có thể tự đánh giá; tuy nhiên, những vùng nuôi có diện tích lớn đòi hỏi phải có bên thứ ba độc lập tư vấn và đòi hỏi chuyên gia tư vấn phải được đào tạo về lĩnh vực này.

 

Đi tìm giải pháp

Ngoài những chi phí phúc lợi cho người lao động về đánh giá tác động xã hội có sự tham gia các bên (pSIA) và đánh giá các loài có nguy cơ tuyệt chủng như đã nêu. Trang trại muốn được chứng nhận ASC bắt buộc phải có hệ thống đê bao vững chắc, phải xác định được mức nước lũ cao nhất trong 10 năm và xác định tọa độ thấp nhất trong trại, phải có hệ thống ao xử lý nước thải và bùn thải từ hoạt động nuôi.

Mặt khác, sự lo ngại từ phía doanh nghiệp về giá bán sản phẩm ASC có cao hơn đáng kể để bù đắp lại chi phí mà doanh nghiệp đã bỏ ra để áp dụng. Vì thực tế những năm gần đây giá cá tra nguyên liệu thường thấp hơn giá thành sản xuất, nhiều doanh nghiệp cắt giảm gây khó khăn khi áp dụng tiêu chuẩn ASC như đào tạo cho nhân viên, sự tham gia các phòng ban liên quan, trang thiết bị cho vùng nuôi… Điều này dẫn đến rất khó khăn để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu theo tiêu chuẩn ASC. Còn đối với hộ nuôi riêng lẻ, việc áp dụng và chứng nhận ASC là hết sức khó khăn.

Để giải quyết vấn đề này, trước mắt công ty hoặc hộ nuôi cần liên kết cùng nhau thực hiện ASC, vì như thế sẽ giúp giảm thiểu các chi phí, như đào tạo, tư vấn, thực hiện báo cáo đánh giá tác động của trại nuôi tới môi trường và hệ sinh thái xung quanh, đánh giá tác động xã hội,… Nên tạo những nhóm, hộ nuôi để có thể đăng ký chứng nhận, nhằm tiết kiệm tối đa.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần tăng cường quảng bá nhãn hiệu ASC để tăng giá trị sản phẩm; Tham gia hội thảo, chia sẻ kinh nghiệm thực hiện ASC, tìm hướng áp dụng ASC mà mất ít chi phí nhất, giảm chi phí học tập, tập huấn. Đối với các công ty và hộ nuôi tập trung, việc áp dụng ASC đòi hỏi sự tự nguyện, hiểu được tầm quan trọng và lợi ích khi áp dụng bộ tiêu chuẩn ASC, có sự chỉ đạo của ban lãnh đạo và sự tham gia của tất cả các phòng ban. Nhân viên tham gia ASC cần được đào tạo, có nhận thức đúng và đầy đủ về tiêu chuẩn, giúp giảm thiểu sai lỗi khi áp dụng.

>> Trang trại có chứng nhận ASC phải giảm thiểu tác động lên hệ sinh thái, phải xác định được các loài có nguy cơ tuyệt chủng hiện diện xung quanh trại nuôi, phải thiết lập các quy trình thủ tục cụ thể để bảo vệ, bảo tồn đa dạng sinh học và để tránh tác động tiêu cực đối với các loài sinh vật có nguy cơ tuyệt chủng có thể đang sinh sống tại khu vực trang trại.

Thượng Khởi

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!