Sáng 13/6/2014 tại Đồng Tháp, Hội Nghề cá Việt Nam, Tạp chí Thủy sản Việt Nam phối hợp với Sở NN&PTNT Đồng Tháp tổ chức Hội thảo: “Định hướng và giải pháp phát triển nuôi tôm càng xanh bền vững tại Đồng Tháp”.
Hội thảo hướng tất cả các bên tham gia trong quá trình sản xuất tôm càng xanh (từ khâu sản xuất con giống, thức ăn, chế phẩm sinh học, nuôi trồng đến tiêu thụ sản phẩm) tập trung thảo luận về những thuận lợi, khó khăn và rủi ro đối với nghề nuôi đối tượng này tại Đồng Tháp nói riêng, ĐBSCL nói chung. Từ đó đề xuất những giải pháp về con giống, quy hoạch thị trường và đưa ra những định hướng phát triển bền vững cho con tôm càng xanh.
Ảnh: LHV
Phát biểu tại Hội thảo, ông Như Văn Cẩn, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp cho biết, tận dụng lợi thế thiên nhiên ưu đãi, tỉnh Đồng Tháp xác định sản xuất luân canh vụ lúa – vụ tôm trong mùa lũ là mô hình phát triển bền vững. Tuy nhiên, nghề nuôi tôm càng xanh ở Đồng Tháp đang gặp nhiều khó khăn do chưa chủ động được nguồn tôm bố mẹ có chất lượng, điều kiện thời tiết nhiều biến động, giá cả các yếu tố đầu vào biến động liên tục nên chi phí đầu tư tăng cao; các hộ nuôi mới chưa mạnh dạn đầu tư…
Cũng tại Hội thảo, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền đánh giá cao việc tổ chức Hội thảo lần này. Phó Tổng cục trưởng cho rằng, tôm càng xanh là đối tượng tiềm năng cho cả tiêu thụ nội địa và thế giới. Tuy nhiên, sự phát triển của nghề này ở ĐBSCL chưa thực sự tương xứng với tiềm năng. Nhiều khả năng sẽ khó đạt được theo Quy hoạch phát triển nuôi trồng thủy sản vùng ĐBSCL; trong đó đến năm 2015, diện tích nuôi tôm càng xanh đạt 26.900 ha và đến năm 2020 là 35.100 ha. Chính vì vậy, cần phải giải quyết các khó khăn để con tôm càng xanh phát huy thế mạnh, hướng tới xuất khẩu ra nước ngoài.