Tìm triển vọng năm 2014

Chưa có đánh giá về bài viết

Năm 2013, ngành cá tra Việt Nam gặp quá nhiều sóng gió. Sang 2014, để tìm lại vị thế ngành cá tra, cần sự hợp sức và nỗ lực từ nhiều phía.

Năm 2013, ngành cá tra Việt Nam gặp quá nhiều sóng gió. Sang 2014, để tìm lại vị thế ngành cá tra, cần sự hợp sức và nỗ lực từ nhiều phía.

 

Ông Nguyễn Huy Điền – Phó Tổng cục trưởng TCTS: Tăng cường kiểm tra chất lượng đầu vào

Năm 2014, để ngành cá tra phát triển bền vững, đề nghị UBND các tỉnh rà soát lại diện tích nuôi; khuyến cáo người nuôi thả giống với mật độ hợp lý và chỉ nuôi khi đã có hợp đồng tiêu thụ sản phẩm; khuyến khích người nuôi, doanh nghiệp thiết lập cơ chế chia sẻ lợi nhuận, rủi ro, hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất; tăng cường sự gắn kết giữa người nuôi với doanh nghiệp chế biến, doanh nghiệp sản xuất thức ăn và thuốc; giảm đầu mối trung gian để hạ giá thành sản phẩm.

Đặc biệt, Tổng cục Thủy sản cùng các ban ngành liên quan sẽ tăng cường kiểm tra chất lượng vật tư đầu vào, nhất là kiểm tra giám sát nâng cao chất lượng sử dụng đàn cá tra bố mẹ chọn giống, nâng cao chất lượng giống cá tra. Có quy trình hướng dẫn người nuôi cá: nuôi với mật độ vừa phải, giảm chi phí đầu vào, nâng cao tỷ lệ sống trong quá trình ương nuôi, để giảm giá thành sản phẩm. Có chính sách khuyến khích các bên tham chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm, chính sách tín dụng đặc thù, để xây dựng các vùng nguyên liệu đối với cá tra và tôm sú phục vụ chế biến xuất khẩu.

Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường; đấu tranh chống bán phá giá; đẩy mạnh quản lý chất lượng, siết chặt tỷ lệ mạ băng, hàm lượng nước; khuyến cáo doanh nghiệp chỉ được sử dụng hóa chất, phụ gia, chất hỗ trợ chế biến theo quy định của Bộ NN&PTNT…

 

Người nuôi nên ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, có đầu ra để yên tâm sản xuất – Ảnh: Lê Hoàng Vũ

Ông Trương Đình Hòe – Tổng thư ký VASEP: Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng

Sản lượng cá tra trong năm 2013 không biến động nhiều so với năm 2012, nhưng giá bán xuống thấp đẩy người nuôi vào tình trạng thua lỗ; cộng với sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp khiến ngành cá tra năm 2013 không mấy sáng sủa. 

Trong năm 2014, tình hình xuất khẩu cũng không mấy triển vọng. Tình hình tài chính các doanh nghiệp vẫn diễn biến khó lường; do đó, giữa người nuôi và doanh nghiệp phải có cam kết rõ ràng về hợp đồng mua bán, nhằm giúp người nuôi có vốn vận hành sản xuất, doanh nghiệp ổn định nguồn nguyên liệu.

Những chính sách, quy định về quy hoạch vùng nuôi, kiểm soát vùng nuôi, gia hạn vùng nguyên liệu, việc tham gia của các nhà nhập khẩu mới, truyền thống… sẽ tác động tới thị trường. Vì vậy, sản xuất cá tra năm 2014 cần tính toán nguồn nguyên liệu, nhất là nguồn nguyên liệu chất lượng cao, nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường. Dự kiến trong năm 2014, Trung Quốc sẽ là thị trường tiềm năng cho xuất khẩu cá tra Việt Nam. Do đó, các doanh nghiệp nên có những bước đi thích hợp để thâm nhập và chinh phục thị trường này.

 

Ông Nguyễn Văn Kịch – Phó Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam: Kỳ vọng vào Nghị định về cá tra

Năm 2013, khó khăn tiếp tục bủa vây, vì thị trường xuất khẩu ngày một xấu đi, thậm chí xấu hơn năm 2012 nhiều. Các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu vẫn tiếp tục cạnh tranh bằng việc bán giá thấp, khiến cả doanh nghiệp lẫn người nuôi đều bị thiệt hại lớn.

Với những thất bại và khó khăn đó, ngành cá tra Việt Nam trong năm 2014 chưa nhìn thấy triển vọng, bởi sẽ tiếp tục gặp khó vì vấn đề tài chính vẫn chưa được giải quyết, giá cá sẽ thay đổi vì hiện đã hết cá… Mọi việc chỉ trông chờ Nghị định về cá tra ra đời có thể sắp xếp lại trật tự cho ngành.

Vấn đề cấp bách trước mắt là phải kiểm soát sản lượng cá tra bằng cách khống chế diện tích nuôi, sau đó mới tính toán chất lượng, công nghệ… Giá cá tra nguyên liệu sẽ tăng lên khi có việc kiểm soát sản lượng. Nếu các doanh nghiệp tiếp tục mua cá tra và ký gửi tại các nước xuất khẩu thì giá cá trong nước khó tăng. Để giải quyết vấn đề này, Chính phủ nên đưa ra Nghị định giảm sản lượng và diện tích cá tra, để tăng giá (khi đó cả người nuôi lẫn doanh nghiệp tham gia đều có lãi); để ngân hàng vào cuộc, thống kê nợ xấu, gia hạn cho vay và cho vay đúng người, đúng doanh nghiệp…; đơn vị nào làm sai sẽ bị xử lý để làm gương.

 

Ông Vũ Tuấn Phương – Giám đốc Công ty TNHH Thủy sản Thiên Hà: Cần nâng cao chất lượng

Hiện nay sản phẩm cá tra Việt Nam trên thị trường thế giới giảm, không phải vì thừa cung, mà một trong những nguyên nhân chính là chất lượng sản phẩm kém. Doanh nghiệp không có hợp đồng xuất khẩu, sản phẩm không bán được, nghĩa là sản xuất bị ngưng trệ, không có vốn để tái đầu tư sản xuất. Xuất khẩu cá tra khó khăn kéo theo nuôi trồng, thức ăn… bị ảnh hưởng. Người nuôi cá tra không bán được cá hay bán với giá thấp hoặc bị doanh nghiệp nợ tiền. Nhiều doanh nghiệp thức ăn phá sản. Chuỗi sản xuất thiếu bền vững. Chính vì vậy, cần phải nâng cao chất lượng. Vấn đề đặt ra là quản lý chất lượng sản phẩm cá tra xuất khẩu bằng cách nào. Giải được bài toán này thì ngành cá tra mới có thể khá lên.

 

Ông Nguyễn Ngọc Hải – Giám đốc HTX Thới An: Liên kết đảm bảo đầu ra cho sản phẩm

Hợp tác xã (HTX) Thới An liên kết đầu tư nuôi với doanh nghiệp uy tín về chế biến, doanh nghiệp thức ăn về nuôi trồng, bao tiêu sản phẩm. Với kiểu hợp tác này, người nuôi vẫn có thể tồn tại, có vốn tái sản xuất, không thua lỗ, nhưng lợi nhuận không nhiều, bởi không “ăn thua” với thị trường, mặc dù độ rủi ro vẫn có (do thời tiết, dịch bệnh…). Năm 2014, Hợp tác xã cũng đã ký kết hợp tác 5.000 tấn cá tra nguyên liệu.

Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt của ngành cá tra hiện nay là quản lý chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Giá cá tra có tăng, người nuôi mới có lãi. Thời điểm hiện tại, người nuôi cá tra nên ký kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, có đầu ra để yên tâm sản xuất. Đồng thời cần tính toán làm sao để có lợi nhuận; nếu không, hãy dừng nuôi, chờ cơ hội.

Dương Thảo - Vũ Mưa (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!