THỨ HAI, ngày 20/1/2025

Tín dụng cho thủy sản: Càng được hỗ trợ… nợ càng tăng

Chưa có đánh giá về bài viết

Cũng đã có nhiều nguồn vốn được đưa ra để “ứng cứu” nông dân, tuy nhiên, không dễ để họ với tới. Hơn nữa, với những cách làm như hiện nay, cộng với khó khăn trong nuôi trồng, khiến nông dân càng được hỗ trợ thì gánh nặng nợ nần càng tăng.

“Đường chính” khó đi

Chủ trương khoanh nợ, giãn nợ, cho vay mới có thể nói là hệ quả của 3 năm lao đao trong ngành thủy sản, đặc biệt với tôm và cá tra. Dịch bệnh xảy ra trên tôm khiến người dân nhiều nơi trắng tay, không có gì để trả nợ ngân hàng và bản thân ngân hàng cũng hiểu không thể đòi thứ nông dân không có, đó là tiền. Thời gian vừa qua, nuôi tôm khởi sắc trở lại, nhưng chỉ những người còn vốn hay nuôi mới đầu tư lớn sau đợt dịch mới được hưởng lợi.

Theo PGS-TS Võ Thị Thanh Lộc, sự phát triển tự phát của cá tra trong thời gian qua về diện tích và sản lượng ở khâu nuôi dẫn đến sự phát triển kém bền vững hơn. Kết quả, người nuôi thua lỗ, treo ao vì hiệu quả nuôi thấp, giá thành sản xuất cao hơn giá bán, nợ ngân hàng, rủi ro cao do ô nhiễm môi trường và dịch bệnh.

Không chỉ vậy, việc tiếp cận vốn ngân hàng vốn đã khó hiện còn khó hơn. Bình quân vốn đầu tư nuôi 1 ha tôm khoảng 500 triệu đồng, trong khi các cán bộ ngân hàng cho biết tài sản của người nông dân nuôi tôm, tức thuộc diện khá giả rồi, nhưng tìm ra hộ tài sản cỡ 1 tỷ đồng rất hiếm. Tài sản thế chấp chính là những mảnh ruộng, ao tôm. Khi tôm chết hết rồi, việc định giá tài sản rất khó khăn. Với cá tra, tình hình cũng không mấy khả quan, ông Võ Văn Đệ, hộ nuôi cá tra chuyên nghiệp ở phường Thuận An (Q. Thốt Nốt, TP Cần Thơ) cho hay, hơn 3 năm nay người nuôi cá tra lỗ nặng, nên khi nghe Chính phủ có cơ chế khoanh nợ và cho vay mới, nhiều hộ mừng hết biết. Thế nhưng chạy tìm các cơ quan chức năng và ngân hàng để đề nghị vay vốn tái đầu tư thì ai cũng lắc đầu. Không có vốn nên ông cùng nhiều hộ khác đành bỏ phế ao hầm; trong khi nợ nần vẫn không biết giải quyết ra sao?

 

Dịch bệnh trên tôm thường xuyên xảy ra khiến người dân trắng tay – Ảnh: Nguyễn Hoàng Trong

“Vốn đen” thao túng

Trong một chuyến đi Hậu Giang, chúng tôi đã thăm một số hộ cầm cố ruộng. Họ cho biết đã vay không lãi các chủ nợ và thế chấp bằng cách cầm cố ruộng lấy một vài cây vàng. Chủ nợ sẽ sử dụng số đất đai đó hoặc cho người khác thuê lại kiếm lời. Và hình thức vay vốn phổ biến nhất hiện nay là ứng vốn từ đại lý trong việc mua con giống, thức ăn, thuốc… nhưng tất nhiên với cái giá không hề rẻ và độ rủi ro rất cao. Vì không ai nắm chắc được chất lượng con giống, thuốc, thức ăn…

Khi tiếp xúc những chủ đại lý vật tư ngành tôm có doanh số hàng chục, hàng trăm tỷ đồng, họ đều cho biết, thực chất thì người dân đều ứng vật tư trước, trả tiền sau. Bản thân các đại lý lại được các đại lý lớn hơn và công ty cho nợ gối đầu. Với các công ty nước ngoài, họ có ưu thế vốn vay lãi suất thấp từ ngân hàng quốc tế, nên sẽ chiếm ưu thế, song để làm đại lý và khách hàng các công ty lớn là không hề dễ.

Thực chất sự chi phối của nguồn vốn đen không kiểm soát được chính là mạch ngầm chi phối nhiều người nuôi tôm cá và quyết định đến số phận của rất nhiều hộ gia đình. Một nghiên cứu của PSG-TS Lê Khương Ninh và Nguyễn Thị Ánh Mai, khảo sát 277 hộ có vay các loại vốn nuôi tôm ở Bạc Liêu thì chỉ 110 hộ (39,71%) vay tín dụng chính thức (chủ yếu từ Ngân hàng NN&PTNT, Ngân hàng Công thương); 14 hộ (5,05%) vay bán chính thức (từ Hội Phụ nữ và Hội Nông dân); trong khi đó có tới 247 hộ (89,17%) vay tín dụng phi chính thức (bao gồm người cho vay chuyên nghiệp và đại lý vật tư nông nghiệp) với 246 hộ (88,81%) mua chịu vật tư từ các đại lý. Sở dĩ người nông dân chấp nhận “giao mình” cho đại lý và chủ nợ là bởi họ không tiếp cận được các nguồn vốn chính thức của nhà nước do làm ăn thua lỗ, không có kiến thức, sợ liên lụy đến pháp luật.

 

Bước đi bài bản hơn

Việc khoanh, giãn nợ và cho vay mới thực tế chỉ tác động được đến bộ phận những người có vay vốn ngân hàng nhà nước. Với những con nợ của các đại lý và chủ vay nặng lãi thì mọi sự vẫn chẳng có gì thay đổi.

 Nhiều chuyên gia thủy sản cho rằng cần tiếp tục kiên trì những bước đi bài bản trong bài toán giải ngân và thu hồi nguồn vốn cho ngành thủy sản. Trước hết, phải đầu tư toàn diện vào nhiều lĩnh vực (như con giống, thuốc, thức ăn, thậm chí cả quy hoạch nuôi trồng…) nhằm giảm trừ dịch bệnh, giúp nông dân có tỷ lệ nuôi thành công cao hơn.

Gánh nặng vốn đen, lãi suất cao từ những người cho vay nặng lãi và từ các đại lý là mối đe dọa tiềm ẩn lớn với người nuôi tôm. Một khi người sản xuất phải oằn mình để gánh lãi suất làm giàu cho một nhóm người nằm ở khâu trung gian,  một số cá nhân có thể sớm thành đại gia nhờ món lợi kếch sù từ lãi suất, thì đa phần nông dân sẽ rơi vào cảnh nợ cùng quẫn do dịch bệnh hoành hành và giá cả thủy sản thất thường. Nông dân phải chịu áp lực từ các chủ nợ và phải chấp nhận những vật tư không đảm bảo chất lượng; từ đó họ cũng chỉ có thể cung cấp cho thị trường những nguồn nguyên liệu bấp bênh, không ổn định. 

Nguyễn Anh

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!