(TSVN) – Nhu cầu thị trường, giá tôm nguyên liệu và giá xuất khẩu đều đi xuống, lạm phát tăng, cạnh tranh mạnh với các nguồn cung đối thủ khiến xuất khẩu tôm của nước ta gặp nhiều khó khăn trong nửa đầu năm nay. Tuy nhiên, từ tháng 7 tình hình xuất khẩu tôm đã có những tín hiệu sáng, kỳ vọng cho chặng đường về đích thuận lợi.
EU là thị trường cao cấp, mỗi năm nhập khẩu 1 – 1,2 triệu tấn tôm, cùng đó, Hiệp định EVFTA giúp con tôm Việt Nam có ưu thế hơn các “đối thủ”. Ông Trần Văn Công, Tham tán Nông nghiệp Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, nhờ công nghệ chế biến cao, tôm thẻ chân trắng (TTCT) Việt Nam đã thâm nhập vào phân khúc cao cấp ở thị trường này. Thời gian tới, xuất khẩu tôm sang EU sẽ phục hồi khi tồn kho ở thị trường này giảm và các nhà nhập khẩu tăng mua cho các lễ hội cuối năm.
Xuất khẩu tôm kỳ vọng mang lại kết quả tốt nửa cuối năm 2023. Ảnh: PTC
Chia sẻ về xu hướng tiêu dùng tôm tại thị trường Bắc Âu, bà Nguyễn Thị Hoàng Thúy, Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển kiêm nhiệm Đan Mạch, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Latvia cho biết, các nước Bắc Âu luôn đi đầu trong vấn đề chống biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường. Gần đây, thỏa thuận xanh châu Âu đã có chiến lược từ trang trại đến bàn ăn, nhấn mạnh tiềm năng của thủy sản, trong đó có tôm. Do đó, người tiêu dùng đang có xu hướng giảm tiêu thụ thịt, đặc biệt là thịt đỏ và chuyển sang tiêu dùng thủy sản, trong đó có tôm. Đây là cơ hội tốt cho tôm Việt Nam nếu biết khai thác, tận dụng các thị trường này.
Trung Quốc cũng là một trong những thị trường có nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển đối với con tôm Việt Nam. Ông Vũ Trung Kiên, Vụ Thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công thương thông tin, Trung Quốc đang gặp khó khăn trong nuôi tôm trong khi nhu cầu của người tiêu dùng ở thị trường này đã tăng trở lại. Vì thế, rất có thể Trung Quốc sẽ tăng nhập khẩu tôm trong thời gian tới. Tiềm năng từ thị trường này còn lớn, do đó sản phẩm Việt Nam cần có giá cả cạnh tranh hơn để khai thác.
Giống như Nhật Bản, xuất khẩu sang Hàn Quốc có lợi thế vị trí địa lý gần, nhu cầu tiêu thụ ổn định và là điểm đến của nhiều doanh nghiệp trong bối cảnh lạm phát khiến tiêu thụ giảm mạnh ở các thị trường phương Tây. Từ nay đến cuối năm, dự kiến nhu cầu không biến động nhiều và tăng nhẹ để phục vụ dịp cuối năm. Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tính tới 15/7/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Hàn Quốc đạt 177 triệu USD, giảm 29% so cùng kỳ năm trước.
Hàn Quốc nhập khẩu nhiều TTCT từ Việt Nam với tỷ trọng chiếm 84%, tôm sú xuất khẩu sang Hàn Quốc chiếm chỉ 4%, còn lại là tôm khác với 12%. Nửa đầu năm 2023, xuất khẩu TTCT sang Hàn Quốc giảm mạnh hơn tôm sú với giá trị xuất khẩu đạt 140 triệu USD, giảm 30% so cùng kỳ. Đáng chú ý, xuất khẩu tôm sú chế biến đã có dấu hiệu tăng nhẹ 2% trong 6 tháng đầu năm nay.
Dự báo từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ thu hoạch khoảng hơn 500 nghìn tấn tôm. Để con tôm Việt “về đích” kim ngạch xuất khẩu năm 2023 cũng như phát triển tốt trong thời gian tới, theo các chuyên gia về thủy sản, trước mắt chúng ta cần có chính sách hỗ trợ, trong đó có nguồn tín dụng để người nuôi tôm tiếp tục sản xuất, cung cấp nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu. Cùng với đó, đẩy mạnh xây dựng các vùng nuôi tôm được cấp các chứng chỉ, đặc biệt là chứng chỉ hữu cơ, sinh thái. Những chứng chỉ này không chỉ là “giấy thông hành” cho tôm Việt Nam vào các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU, đặc biệt là các nước khu vực Bắc Âu mà còn giúp gia tăng giá trị, hiệu quả kinh tế cho con tôm.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông, lâm, thủy sản trong đó có mặt hàng tôm sang thị trường Trung Quốc những tháng cuối năm 2023, dự kiến vào tháng 9 tới, Bộ NN&PTNT sẽ xem xét, bàn cụ thể việc ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong phát triển nông nghiệp và giao thương nông, lâm, thủy sản giữa Việt Nam với các tỉnh Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc). Bộ NN&PTNT cũng xúc tiến thành lập “Hiệp hội Doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Quảng Tây” và “Hiệp hội Doanh nghiệp nông, lâm, thủy sản Việt Nam – Vân Nam”; đồng thời thúc đẩy kỹ thuật để sớm ký kết Nghị định thư với Tổng cục Hải quan Trung Quốc về yêu cầu ATTP, kiểm dịch và kiểm tra đối với sản phẩm thủy sản xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP cho biết, Trung Quốc mỗi năm nhập khẩu khoảng 18 tỷ USD tôm và sản phẩm từ tôm. Đây là thị trường quan trọng, do đó chúng ta cần đẩy mạnh tiếp thị, quảng bá sản phẩm tôm vào thị trường này. Các quốc gia ở Nam bán cầu sẽ hết vụ thu hoạch, trong khi đó Việt Nam ở khu vực Bắc bán cầu lại đang vào chính vụ thu hoạch. Điều này tạo ra lợi thế cho Việt Nam từ nay đến cuối năm để xuất khẩu nhiều hơn sản phẩm tôm chế biến vào thị trường Mỹ.
>> Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT nhấn mạnh, có nhiều lợi thế cho triển vọng xuất khẩu tôm. Đó là công nghệ nuôi và công nghệ chế biến tôm Việt Nam đều thuộc hàng tiên tiến, tầm cỡ trên thế giới. Các doanh nghiệp chế biến của chúng ta với sự nhanh nhạy nên có thể sản xuất đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng được các phân khúc thị trường và khách hàng. Tiếp đến là ưu thế từ các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã tham gia ký kết với mức thuế suất bằng 0, nên con tôm Việt sẽ có ưu thế cạnh tranh trên thị trường.
Vân Anh