(TSVN) – Không phải ngẫu nhiên ẩm thực Việt lại được coi là tinh hoa văn hóa, được bạn bè thế giới ca ngợi và đánh giá cao. Đó là bởi ẩm thực Việt phong phú từ nguyên liệu, tinh tế ở khâu chế biến và đặc biệt mỗi một vùng miền lại có thói quen ăn uống khác nhau tạo nên những hương vị đặc trưng riêng biệt, thưởng thức một lần để rồi nhớ mãi.
Nằm ở khu vực nhiệt đới gió mùa, biển Việt Nam có sự đa dạng rất cao về thành phần các giống loài hải sản với 2.030 loài cá, trong đó 130 loài có giá trị kinh tế, 1.600 loài giáp xác, 2.500 loài sò trai… và rất nhiều loài rong, chim biển. Ngoài ra, vùng đất liền nước ta được thiên nhiên ban tặng cho hàng nghìn sông rạch tự nhiên, cộng thêm một số kênh mương được đào, nhằm dẫn thủy nhập điền, rửa chua khua mặn, cải tạo đất đai. Đây là một tài nguyên và trữ lượng nước ngọt lớn phục vụ nuôi thủy sản. Sông nước nhiều nên cũng lắm cá, tôm.
Nhờ những yếu tố tự nhiên, bản sắc văn hóa ẩm thực thủy sản thường thể hiện qua những lối sống đã định hình và thành nếp văn hóa của người dân. Văn hóa ẩm thực, từ thời xa xưa mở đất đến ngày nay không thể vắng bóng với thủy sản trong cơ cấu bữa ăn thường ngày và trong những tiệc sang trọng.
Và khi hội nhập và kinh tế phát triển, các sản phẩm thủy sản xuất khẩu của Việt Nam ngày càng đa dạng hơn: tôm, cá tra, basa, cá ngừ, mực bạch tuộc, nhuyễn thể hai mảnh vỏ, cua ghẹ… Do vậy, việc quảng bá phát triển các sản phẩm thủy sản sẽ góp phần nào đặt nền móng vững chắc cho hành trình thân thiện và chinh phục khách hàng trong nước và quốc tế của Việt Nam.
Một số hình ảnh về ẩm thực thủy sản:
Ngọc Diệp