Tôm – Điểm tựa thủy sản Việt

Chưa có đánh giá về bài viết

2014 được dự báo là năm thắng lớn của ngành thủy sản, trong đó phần lớn vẫn dựa vào tôm. Tuy nhiên, để tạo sự bền vững, ngành tôm nói riêng và thủy sản nói chung cần có những tính toán hợp lý hơn.

Ông Nguyễn Huy Điền, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản: Tập trung giải pháp cho nuôi tôm nước lợ

Tổng cục Thủy sản vừa có Công văn 1526/TCTS-NTTS gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố ven biển yêu cầu thực hiện tốt việc quản lý chất lượng giống tôm nước lợ. Theo đó, tăng cường kiểm tra, phối hợp chặt chẽ trong công tác quản lý chất lượng tôm giống, trao đổi thông tin về nguồn gốc, chất lượng giống giữa địa phương sản xuất tôm giống và địa phương nhập giống thả nuôi thương phẩm. Mặt khác, tăng cường phối hợp với Thanh tra Bộ, Thanh tra Sở theo dõi tình hình sử dụng và kinh doanh Oxytetracycline (OTC); khuyến cáo không sử dụng OTC trong 4 tuần trước khi thu hoạch và nghiêm cấm sử dụng OTC nguyên liệu trực tiếp xuống ao nuôi tôm…

 

Ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký VASEP: Nhiều cơ hội xuất khẩu tôm

Giá tôm sú thế giới vẫn cao là cơ sở chính giúp giá trị xuất khẩu tôm Việt Nam trên thị trường Nhật Bản tăng trưởng mạnh. Xuất khẩu tôm sang Nhật đạt trên 700 triệu USD/năm và sẽ cao hơn trong năm 2014 nếu vấn đề sử dụng kháng sinh OTC trong nuôi tôm được kiểm soát tốt hơn và lợi thế tôm sú được tận dụng tối đa. Mặt khác, sản lượng tôm thẻ chân trắng (TTCT) tăng mạnh cùng thế mạnh tôm sú, Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng cơ hội này để mở rộng hơn nữa thị trường tôm EU năm 2014 – 2015; đặc biệt trong tình hình thị trường hiện nay, khi Nhật vướng rào cản OTC và Mỹ có thể tăng thuế chống bán phá giá tôm Việt Nam.

 

Ông Trần Văn Của, Chủ tịch Hiệp hội Thủy sản Cà Mau: Cần linh hoạt trong sản xuất

Từ năm 2000 – 2014, Cà Mau từng bước chuyển sang nuôi tôm công nghiệp với diện tích từ 20 ha lên 7.500 ha. Đây là một thành tích lớn của nghề nuôi tôm trong tỉnh, song cũng kéo theo hệ lụy dịch bệnh bùng phát mạnh trên diện rộng. Năm 2014, dịch bệnh trên tôm còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn những mối nguy khó lường, nhất là bệnh gan tụy cấp. Các nhà khoa học đã xác định được tác nhân gây bệnh nhưng chưa có thuốc đặc trị mà chỉ khuyến cáo phòng ngừa nên hiệu quả chưa cao. Do đó, người nuôi cần theo dõi diễn biến tình hình sản xuất để chọn đối tượng nuôi phù hợp, giảm thiệt hại.

 

Ông Võ Hồng Ngoãn (xã Vĩnh Trạch Đông, TP Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu): Tôm sú vẫn nhiều tiềm năng

Ngành chức năng đã cảnh báo việc nông dân ồ ạt chạy theo TTCT, bởi đây là đối tượng nuôi cần thận trọng và Trung Quốc là thị trường không ổn định, nay mọi chuyện đã rõ. Hiện, TTCT giảm giá và khó tiêu thụ, còn tôm sú giá lên 250.000 – 300.000 đồng/kg mà không đủ bán. Theo đó, một số hộ nuôi đã quay lại với tôm sú. Để nghề nuôi tôm bền vững và thực sự mang lại giá trị, người nuôi cũng như các ngành chức năng cần đầu tư nâng cao năng suất, chất lượng tôm thành phẩm, mở rộng thị trường, phát triển đa dạng các mặt hàng giá trị gia tăng.

Linh Chi (Thực hiện)

Bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai.

Hãy là người đầu tiên bình luận trong bài
error: Content is protected !!