Sau 3 tháng chăm sóc, hầu hết các diện tích tôm vụ 1 năm 2021 ở Kim Sơn (Ninh Bình) đã vào vụ thu hoạch. Được biết, vụ này thời tiết thuận lợi, tôm ít dịch bệnh, được mùa, tuy nhiên do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá giảm mạnh nên bà con thu lãi ít.
Vừa thu hoạch toàn bộ 3 ao nuôi, xuất bán 3,2 tấn tôm thương phẩm thu về hơn 400 triệu đồng nhưng vợ chồng ông Nguyễn Văn Khoa (xóm 4, xã Kim Trung) không mấy vui vẻ.
Ông Khoa chia sẻ: năm ngoái, giá tôm loại 40 con/kg dao động từ 170.000 – 190.000 đồng/kg nhưng năm nay chỉ bán được 140.000 đồng/kg. Trong khi giá tôm giảm tới 30.000 – 50.000 đồng/kg thì giá các nguyên liệu đầu vào cho sản xuất lại tăng: Giá giống tăng 2 – 3 triệu đồng/1vạn, giá cám tăng 2.000 đồng/kg; các loại thuốc thủy sản, sản phẩm xử lý nước, môi trường nuôi tăng từ 10 – 15% trở lên, chưa kể điện, xăng cũng tăng giá. Chính vì vậy, mặc dù nuôi được năng suất như ý nhưng trừ chi phí lãi chẳng còn bao nhiêu.
Ông Phạm Văn Kiệm, Giám đốc HTX thủy sản Kim Trung cho biết: Toàn xã có trên 500 hộ nuôi trồng thủy sản với tổng diện tích là 277 ha, vụ này bà con thả khoảng 42 triệu con tôm giống. Hiện bà con đang bắt đầu vào vụ thu hoạch. Nhìn chung năng suất tôm đạt khá nhưng do giá giảm nên lãi thấp, thậm chí với các hộ nuôi quảng canh, phần lớn đang phải chịu lỗ. “Quy mô sản xuất nhỏ, trong khi Ninh Bình chưa có nhà máy sơ chế, chế biến hải sản, toàn bộ sản phẩm tôm sản xuất ra hiện nay đều tiêu thụ tươi sống.
Thương lái thu mua tôm tại Kim Sơn.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều bếp ăn tập thể, nhà hàng, khách sạn dừng hoạt động, các sự kiện tập trung đông người cũng không được tổ chức dẫn tới nhu cầu tiêu dùng giảm.
Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn phòng chống dịch COVID-19, việc vận chuyển, lưu thông hàng hóa cũng phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt, dẫn đến tốn nhiều thời gian, làm sản phẩm dễ bị hư hỏng… Những yếu tố này khiến cho việc tiêu thụ tôm của bà con gặp khó khăn, giá giảm mạnh.” – ông Kiệm nói.
Trong khi nông dân đang lo lắng không biết có nên đầu tư nuôi tiếp vụ tôm thứ 2 hay không thì nhiều chuyên gia lại lạc quan cho rằng: Xu thế thị trường cung – cầu tuy có dấu hiệu giảm nhưng dù sao tôm vẫn là thực phẩm giàu dinh dưỡng, thơm ngon, giá có giảm cũng chỉ trong ngắn hạn, tạm thời và không thể giảm sâu hơn.
Đặc biệt, theo dự báo, các tháng cuối năm 2021 nhu cầu nhập khẩu tôm của thế giới sẽ tăng trở lại, đặc biệt là các thị trường lớn như châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi nguồn cung tôm của một số quốc gia như Ấn Độ và một số nhà cung cấp khác sẽ giảm do chịu tác động xấu từ đại dịch COVID-19.
Đồng thời, hiện nay tôm Ấn Độ bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá cao và ngành tôm Việt Nam tiếp tục có nhiều cơ hội do ưu đãi thuế quan của Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới, đặc biệt là CPTTP và EVFTA.
Do vậy, xu thế giá tôm đến cuối năm là tích cực. Vấn đề hiện nay là làm thế nào để có biện pháp kiểm soát, phòng ngừa dịch bệnh cho tôm thật tốt, người nuôi tôm được mùa sẽ vẫn có lãi.
Theo thông tin từ Chi cục Thủy sản, diện tích nuôi tôm vụ 1 toàn tỉnh đến nay là gần 2.000 ha (trong đó diện tích nuôi tôm sú là 1.860 ha, tôm thẻ là 130 ha). Nhìn chung năm nay, người nuôi tôm tuân thủ lịch thời vụ nghiêm túc hơn so với mọi năm. Hơn nữa, kỹ thuật nuôi tôm của bà con cũng tốt hơn trước, đã đầu tư mua con giống có nguồn gốc rõ ràng, tăng cường áp dụng các biện pháp tiến bộ trong quản lý môi trường, phòng bệnh cho tôm.
Về phía ngành chuyên môn, Chi cục Thủy sản đã tiến hành nhiều đợt quan trắc môi trường vùng nuôi để kịp thời cảnh báo, khuyến cáo, hướng dẫn đến người nuôi; Chi cục Chăn nuôi và Thú y thường xuyên lấy mẫu giám sát dịch bệnh, phối hợp hỗ trợ, cấp phát hóa chất, xử lý khi có tôm bị bệnh…
Ngoài ra, 6 tháng đầu năm tình hình thời tiết cũng khá thuận lợi cho con tôm phát triển, không xuất hiện dịch bệnh trên tôm nuôi. Do vậy, hầu hết các ao tôm đều đạt năng suất khá, tỷ lệ hao hụt thấp. Sản lượng tôm đã thu hoạch đến thời điểm này là khoảng 600 tấn, trong đó tôm sú là 150 tấn, còn lại là tôm thẻ.
Trong bối cảnh khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, giá cả thị trường không ổn định, biến đổi khí hậu, dịch bệnh ngày càng phức tạp… để đạt được mục tiêu sản xuất 2.200 tấn tôm trong năm 2021, ngành Nông nghiệp và chính quyền các địa phương xác định phải tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tăng cường khuyến cáo người nuôi tôm chuẩn bị ao nuôi, thả vụ tiếp theo khi các điều kiện thuận lợi; đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, ưu tiên nuôi tôm công nghệ cao, tôm sinh thái.
Thực hiện tốt công tác quan trắc cảnh báo môi trường và giám sát dịch bệnh vùng nuôi nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại. Bên cạnh đó tập trung quản lý vật tư đầu vào giúp cho người nuôi có con giống, thức ăn, thuốc thủy sản đảm bảo chất lượng phục vụ sản xuất.
Bài, ảnh: Hà Phương
Nguồn: Báo Ninh Bình